Giá lợn hơi giảm sâu, tại sao giá thịt lợn bán lẻ tại siêu thị, chợ vẫn cao?

Trần Quang Chủ nhật, ngày 10/10/2021 11:26 AM (GMT+7)
Giá lợn hơi đang giảm mạnh khiến giá thịt lợn bán lẻ giảm từ 5.000– 10.000 đồng/kg, tùy chủng loại. Tuy nhiên, mức chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá lợn hơi vẫn quá cao. Cụ thể, giá thịt lợn tại các chợ vẫn đang giao dịch ở mức 110.000 – 140.000 đồng/kg tùy loại.
Bình luận 0

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lý giải thông tin giá lợn hơi và giá thịt lợn bán lẻ chênh nhau lớn. Thực hiện: TQ

Giá lợn hơi, giá thịt lợn bán lẻ chênh cao do khâu phân phối trung gian còn bất cập

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), cho biết, trong tháng 9/2021, giá lợn hơi tại hầu hết các địa phương trên cả nước tiếp tục giảm, dao động từ 46.000 – 53.000 đồng/kg, giảm từ 2.000 –4.000 đồng/kg so với tháng trước. Đây là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019.

Hiện, giá lợn hơi đang giảm mạnh cũng khiến giá thịt lợn bán lẻ giảm từ 5.000– 10.000 đồng/kg, tùy chủng loại. Tuy nhiên, theo ông Hòa, mức chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá lợn hơi vẫn quá cao. 

So với giá các loại thịt ở siêu thị, ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá thịt lợn tại các khu vực này vẫn đang được giao dịch ở mức 110.000 – 140.000 đồng/kg tùy loại.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ông Hòa cho rằng: Do khâu trung gian, phân phối có bất cập khiến giá lợn hơi xuất chuồng và giá thịt lợn bán lẻ ở các siêu thị, chợ vẫn ở mức cao.

Đơn cử như tại TP.HCM, khi xảy ra đại dịch, các chợ đầu mối, siêu thị bán lẻ là kênh phân phối chính các mặt hàng thực phẩm, thịt lợn...

Tuy nhiên, khi các kênh tiêu thụ này phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động để thực hiện Chỉ thị 16 khiến nguồn cung các mặt hàng này giảm nhưng giá thịt lại tăng do phân phối trung gian bất cập.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông T.M, đại diện một doanh nghiệp phân phối thịt lợn tại các tỉnh phía Nam cho biết, dù thời điểm này các tỉnh, thành phía Nam đã nới lỏng giãn cách nhưng việc lưu thông, vận chuyển các mặt hàng thực phẩm, thịt lợn, gia cầm... vẫn rất khó khăn, chi phí phát sinh tăng cao.

"Riêng với mặt hàng thịt lợn, để đưa được thịt đến các chợ, siêu thị... chúng tôi phải chịu chi phí vận chuyển rất cao khoảng trên 200.000 đồng, có thời điểm lên đến 400.000 đồng/con lợn, chưa tính các chi phí giết mổ.... làm đội giá thành thịt tăng lên đến trên dưới 90.000 đồng/kg, có ngày tăng lên gần 100.000 đồng/kg", ông T.M nói.

Đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm để kích giá lợn hơi tăng

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho hay: Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới ngay cả đối với Việt Nam gây đứt gãy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi, làm giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao đặc biệt là thức ăn tăng 16-36%.

Nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm nên các cơ sở chăn nuôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tăng nguy cơ thua lỗ. 

Giá heo hơi giảm sâu, vì sao giá thịt lợn ở siêu thị, chợ vẫn neo ở mức cao? - Ảnh 2.

Người tiêu dùng mua thịt lợn tại chợ Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: TQ

Đại diện Cục Chăn nuôi cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, giá  lợn hơi xuất chuồng theo xu hướng giảm từ tháng 3, 4 (giá bình quân khoảng 70.000-75.000 đg/kg) đến tháng 7, 8/2021 (giá bình quân từ 50.000-58.000 đồng/kg, có địa phương xuống dưới 50.000 đồng/kg). 

Sang tháng 9/2021 giá tiếp tục giảm, tính đến thời điểm hiện tại, giá bình quân đang dao động từ 40.000-49.000 đồng/kg tùy từng vùng, đặc biệt có một số địa phương do giãn cách xã hội giá xuống còn trên 30.000 đồng/kg, lợn thịt quá lứa đang ứ đọng khoảng 30%.

Trong khi đó, giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt giá thành khoảng 45.000-50.000 đồng/kg; chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng từ 53.000-60.000 đồng/kg. 

Do đó, ông Trọng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần phối hợp chỉ đạo khi phương tiện vận chuyển và người trên phương tiện vận chuyển đủ điều kiện phòng chống dịch thì cho vận chuyển lưu thông hàng hóa, không nên phát sinh thủ tục hành chính; các tỉnh thành cần có văn bản chỉ đạo thống nhất xuống cấp huyện, xã, ấp, thôn, bản.

Đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT, các địa phương xem xét mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối để đảm bảo lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm từ các địa phương. 

Đồng thời, bố trí các vùng đệm, trạm trung chuyển để tập kết hàng hoá từ ngoại tỉnh chuyển về dưới sự kiểm tra, giám sát của lực lượng liên ngành.

 Đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

 Tổ chức kết nối các HTX, tổ hợp tác, trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi mở rộng thị trường, đưa sản phẩm cung ứng trực tiếp thông qua hệ thống phân phối sẵn có.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem