Giá lợn hơi hôm nay: "Hạ nhiệt” nhờ tung sản phẩm lợn tái đàn sau dịch tả

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 25/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Khoảng 1 tuần trở lại đây, giá lợn hơi ở nhiều địa phương đã bắt đầu giảm. Trong bối cảnh việc nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan đã tạm dừng do nhiều khó khăn thì việc giá lợn hơi bắt đầu hạ nhiệt cho thấy nguồn cung trong nước đã bắt đầu tăng sau nỗ lực tái đàn ở nhiều địa phương.
Bình luận 0

Tung sản phẩm lợn tái đàn sau dịch

Theo khảo sát của phóng viên Báo NTNN, giá lợn hơi ngày 24/8 ở các địa phương miền Bắc đang dao động ở mức 82.000 - 86.000 đồng/kg; ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên mức 80.000 - 87.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá lợn hơi phổ biến ở các tỉnh miền Nam trong ngày 24/8. So với lúc cao điểm thì mức giá này đã giảm đáng kể, bớt gây áp lực lên thị trường.

Trước xu hướng giá lợn hơi giảm nhiệt, trong một nhóm kín của những người chăn nuôi lợn trên mạng xã hội, nhiều chủ trang trại đã tính đến chuyện giảm bớt lượng lợn bán ra mỗi ngày để vực dậy đà tăng giá. 

Nhưng thực tế, nguồn cung lợn đã dồi dào hơn trước (ngay cả khi không có thêm nguồn lợn sống nhập từ Thái Lan), cho thấy việc tái đàn lợn ở nhiều địa phương đã rất hiệu quả.

Tái đàn hiệu quả, giá lợn đã “hạ nhiệt”  - Ảnh 1.

Phân phối thịt lợn tại chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM. Ảnh: T.L

"Nguồn cung thịt lợn về cơ bản đã tạm ổn, nhờ vậy giá lợn gần đây tương đối ổn định và có chiều hướng giảm. Báo cáo của các Sở NNPTNT địa phương cho thấy, đến thời điểm này nhiều nơi đã tái đàn được khoảng 80% so với tổng đàn thời điểm trước dịch...".

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT)

Lý giải nguyên nhân giá lợn hơi bắt đầu hạ nhiệt, ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: "Nguồn cung thịt lợn về cơ bản đã tạm ổn, nhờ vậy giá lợn hơi  gần đây tương đối ổn định và có chiều hướng giảm. 

Báo cáo của các Sở NNPTNT địa phương cho thấy, đến thời điểm này nhiều nơi đã tái đàn lợn được khoảng 80% so với tổng đàn thời điểm trước dịch. Dự kiến từ cuối quý này sang đầu quý sau, nguồn cung thịt lợn, nhất là sản phẩm lợn tái đàn sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu thịt lợn trên thị trường".

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đã có chương trình giảm giá lợn hơi từ đầu tháng 8/2020. Cụ thể, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đã giảm giá lợn hơi về mức 80.500 đồng/kg, lợn mảnh bán sỉ còn 102.000 đồng/kg, giảm 2.500 đồng/kg so với hồi tháng 6. Lý do giảm giá bán lợn hơi được doanh nghiệp này đưa ra là để phù hợp với thị trường giữa lúc sức mua giảm sút thấy rõ.

Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, tính đến tháng 7/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 24,9 triệu con, tương đương 80% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (trên 31 triệu con vào 31/12/2018). Kế hoạch của 16 doanh nghiệp chăn nuôi lợn lớn đến hết quý III sẽ đạt 5,17 triệu con và quý IV đạt 5,36 triệu con (tăng 68% so với 1/1/2020).

Nhiều địa phương cũng thúc đẩy nông dân tái đàn bằng những chính sách hỗ trợ thiết thực. Cụ thể, tại Hà Tĩnh, địa phương này hỗ trợ 1 lần kinh phí mua lợn nái hậu bị cấp bố mẹ, lợn giống thương phẩm cho các chủ trang trại, hộ nông dân, với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/con lợn nái hậu bị, tối đa 150 triệu đồng/trang trại; 1 triệu đồng/con lợn giống thương phẩm, tối đa 20 triệu đồng/hộ. Thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ từ ngày 10/7 đến 31/12/2020.

Một số tỉnh có chính sách ưu đãi về đất đai như tỉnh Bình Phước miễn thuế đất cho các trang trại chăn nuôi mới để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; Bình Định chuyển 150 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người chăn nuôi vay lãi suất 0% nhằm tái đàn lợn; Bình Dương hỗ trợ 10 triệu đồng/cơ sở chăn nuôi tái đàn 20 con lợn; Hòa Bình và Thừa Thiên - Huế hỗ trợ 1 tỷ đồng/trang trại xây dựng mới; còn 12 tỉnh khác hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 4 triệu đồng/lợn nái tái đàn.

Dừng nhập lợn sống từ Thái Lan

Thông tin từ Cục Thú y (Bộ NNPTNT), kể từ ngày 12/6 đến nay đã có 40 lượt công ty đăng ký kiểm dịch nhập khẩu với hơn 5 triệu con lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam. Trong đó đã có 18 công ty nhập khẩu được 97.338 con lợn sống vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.

Bên cạnh đó, nguồn thịt lợn đông lạnh do 130 công ty nhập từ Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Mỹ, Tây Ban Nha và Nga cũng tăng 223% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm nay, các đơn vị này đã nhập hơn 93.000 tấn thịt lợn các loại.

Tham gia nhập khẩu lợn sống từ tháng 5/2020 đến nay, Công ty TNHH Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức (Hà Nội) đã nhập khẩu khoảng 7.000 con lợn sống về giết mổ lấy thịt. Trọng lượng lợn từ 90-95kg/con. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc nhập khẩu lợn sống rất khó khăn vì giá lợn hơi ở Việt Nam đang giảm mạnh, trong khi đó giá lợn sống ở Thái Lan vẫn trên đà tăng lên.

Cụ thể, hiện giá lợn hơi tại Thái Lan khoảng 63.000-64.000 đồng/kg. Khi vận chuyển về Việt Nam, tính tổng hết chi phí vận chuyển, kiểm dịch, thú y..., giá sẽ khoảng 80.000 - 81.000 đồng/kg lợn hơi.

"Với mức giá như vậy thì không còn lợi nhuận nữa, chúng tôi không thể làm nổi. Tôi thấy hầu hết các công ty nhập khẩu lợn sống của Việt Nam đang phải dừng lại" - ông Phạm Trần Sum của Công ty Dinh dưỡng quốc tế Việt Đức, cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Thành Đô (Nghệ An), thông tin đã nhập khoảng 8.000 con lợn sống về giết mổ, bổ sung vào nguồn cung trong nước. Trước đây giá lợn hơi Thái Lan về đến cửa khẩu Việt Nam đã bao gồm tất cả chi phí vào khoảng 72.000 đồng/kg, trong khi giá lợn trong nước ở mức cao với 90.000 đồng/kg. 

Nghĩa là thời điểm đó, giá lợn hơi Việt Nam cao hơn Thái Lan gần 20.000 đồng mỗi kg. Nhưng khi giá lợn hơi Thái Lan tăng dần còn giá lợn hơi trong nước lại giảm xuống khiến mức giá nhập về bằng giá lợn hơi trên thị trường nên công ty không có lãi, thậm chí còn lỗ nên không ai dám nhập nữa.

Tại hai chợ đầu mối lớn nhất các tỉnh phía Nam là Hóc Môn và Bình Điền (TP.HCM), những ngày gần đây, lượng lợn Thái Lan về chợ cũng giảm hẳn. Riêng trong ngày 24/8, trong tổng số 5.000 con lợn về hai chợ, không có con nào có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, với đà tái đàn lợn như hiện nay thì bước sang quý IV, cung - cầu thịt lợn sẽ gặp nhau, giá lợn hơi sẽ được đưa về mức hợp lý. 

img

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT: Muốn tái đàn phải làm tốt an toàn sinh học

Để giảm giá thịt lợn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT xác định phải làm tốt công tác phòng chống dịch, đồng thời thực hiện tái đàn một cách an toàn theo hướng an toàn sinh học.

Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi có tái bùng phát ở một số địa phương nhưng rất may đều là những ổ dịch quy mô nhỏ lẻ. Nhờ làm tốt công tác an toàn sinh học, đến nay, 97 - 99% số xã có dịch tả lợn châu Phi đã qua 21 ngày không tái phát bệnh. Trong bối cảnh dịch đang tái phát mạnh tại Trung Quốc với những trại quy mô cả vạn con thì chúng ta khống chế được dịch ở mức này là một cố gắng của lực lượng thú y, các địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Có thể thấy, các địa phương, doanh nghiệp đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đây là cơ sở rất quan trọng để tăng đàn, tái đàn lợn. Trong quá trình chống dịch, Bộ NNPTNT cũng đã có những đánh giá, tổng kết các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.

img

Ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT): Dịch bùng phát chỉ là những ổ nhỏ lẻ

Từ đầu năm 2020 đến ngày 1/8/2020, cả nước xảy ra 914 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 235 huyện thuộc 44 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn tiêu hủy là 39.443 con. Hiện cả nước có 175 xã thuộc 61 huyện của 17 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, với số lợn tiêu hủy lũy kế là 6.320 con. Cả nước có đã 98% số xã đã công bố hết dịch, bảo đảm các điều kiện cho chăn nuôi lợn tái đàn, tăng đàn lợn.

Thời gian qua, chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ... rất kịp thời, sát với thực tiễn, được cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người chăn nuôi tổ chức thực hiện có hiệu quả. Kết quả là kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện cho việc tái chăn nuôi.

Thời gian tới, tổng đàn lợn có thể tăng cao, việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn gia tăng để phục vụ nhu cầu các lễ hội... Vì vậy, để tránh tình trạng chủ quan, lơ là, dẫn đến dịch bệnh tái phát và lây lan, các địa phương cần thực hiện tốt việc giám sát dịch bệnh, kiểm soát chặt việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ thịt lợn.

P.V (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem