Giá lợn hơi từ 60.000 - 65.000 đồng/kg sẽ hài hòa lợi ích từ sản xuất - lưu thông, phân phối - người tiêu dùng?

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 12/11/2021 08:05 AM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), giá lợn hơi dao động từ 60.000 - 65.000 đồng/kg sẽ hài hòa lợi ích từ khâu sản xuất - lưu thông, phân phối - người tiêu dùng.
Bình luận 0

Giá lợn hơi bao nhiêu là hợp lý?

Tại Tọa đàm trực tuyến "Nhìn lại công tác chỉ đạo, điều hành vượt khó của ngành nông nghiệp giữa đại dịch Covid-19" do Bộ NNPTNT phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay/Báo điện tử Dân Việt tổ chức 11/11, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, giá lợn hơi dao động 60.000 - 65.000 đồng/kg sẽ hài hòa lợi ích từ khâu sản xuất - lưu thông, phân phối - người tiêu dùng.

Giá lợn hơi từ 60.000 đến 65.000 đồng/kg sẽ hài hòa lợi ích từ sản xuất - lưu thông, phân phối - người tiêu dùng? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, giá lợn hơi dao động 60.000 - 65.000 đồng/kg sẽ hài hòa lợi ích từ khâu sản xuất - lưu thông, phân phối - người tiêu dùng. Ảnh: Nguyễn Chương

Theo ông Trọng, trong thời gian vừa qua giá lợn hơi giảm mạnh, trong khi giá thịt lợn tại chợ vẫn cao là do chi phí vận chuyển, lưu thông tăng lên do dịch Covid-19. 

"Nhiều người vẫn nghĩ khâu trung gian, lưu thông là thương lái sẽ hưởng lợi nhiều. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 các chi phí xét nghiệm Covid-19, vận chuyển đều tăng lên là một trong những nguyên nhân khiến giá thịt lợn tại chợ vẫn cao".

Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, bởi chúng ta phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, chiếm tới 90% từ nước ngoài nên khi các nguồn nguyên liệu tăng giá từ 16-36%, ngành chăn nuôi ngay lập tức trở nên lao đao bởi giá thức ăn chăn nuôi chiếm tới 60% giá thành sản phẩm chăn nuôi.

Ông Trọng cho biết, chăn nuôi nông hộ chiếm tỷ lệ cao nhưng liên kết ngành lại rời rạc. Muốn sản xuất theo chuỗi thì chăn nuôi nông hộ phải liên kết với nhau thành tổ hợp tác, nhóm đơn vị. 

Trong chuỗi liên kết đó, doanh nghiệp phải là trung tâm. Muốn các doanh nghiệp tiếp cận được vào chăn nuôi nhỏ thì các hộ chăn nuôi nhỏ phải kết nối với nhau. Để sản xuất tự do thì doanh nghiệp họ cũng không mặn mà vào cuộc.

Giá lợn hơi từ 60.000 đến 65.000 đồng/kg sẽ hài hòa lợi ích từ sản xuất - lưu thông, phân phối - người tiêu dùng? - Ảnh 2.

Thương lái thu mua lợn tại xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Ngọc

Đồng thời, người sản xuất nông hộ phải mang tính chất chuyên nghiệp, liên kết với nhau để chủ động từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra. Lấy ví dụ ngay ở giai đoạn dịch Covid-19, nếu ở những chuỗi vẫn chủ động tiêu thụ sản phẩm thì ở các chăn nuôi nông hộ việc tiêu thụ sản phẩm lại diễn ra khó khăn.

"Chăn nuôi doanh nghiệp đang có hiệu quả, bởi với giá thịt lợn hơi hiện tại khoảng 48.000-50.0000 thì chăn nuôi khép kín đã có lãi. Trong khi đó, với giá thịt lợn hơi như trên thì chăn nuôi nông hộ vẫn đang lỗ.

Tuy nhiên, đẩy mạnh trang trại chăn nuôi quy mô lớn nhưng vẫn phải duy trì chăn nuôi nông hộ vì chăn nuôi nông hộ vẫn là mưu sinh với phần lớn nông dân tham gia chăn nuôi ở Việt Nam. Để duy trì được thì nông hộ cần phải chuyên nghiệp, sản xuất thành hàng hóa chất lượng, sản phẩm hữu cơ", ông Trọng nói.

Giá lợn hơi từ 60.000 đến 65.000 đồng/kg sẽ hài hòa lợi ích từ sản xuất - lưu thông, phân phối - người tiêu dùng? - Ảnh 3.

Ông Trọng cho biết, chăn nuôi nông hộ ở nước ta vẫn chiếm tỷ lệ cao. Trong ảnh là anh Lê Đình Thuần - hộ chăn nuôi lợn ở xã Đông Đô, huyện Hưng Hà (Thái Bình). Ảnh: Minh Ngọc

Giá lợn hơi sẽ tăng dịp cuối năm?

Trước những khó khăn trong năm 2021, ông Trọng cho biết, ngành chăn nuôi vẫn duy trì tốc độ tăng đàn từ 4-6%, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu. Năm 2021, ước tính sản lượng thịt sẽ đạt 6,2 triệu tấn; 1,2 triệu tấn sữa…

Nếu dịch Covid-19 cơ bản kiểm soát được thì ngành chăn nuôi tự tin sẽ chủ động cung cấp được đủ lương thực cho nhu cầu trong nước. 

Hiện tại, dù xuất khẩu sụt giảm, giá trị xuất khẩu không cao nhưng chúng ta vẫn đang duy trì được, đây cũng là sự cố gắng rất lớn của ngành chăn nuôi trong điều kiện khó khăn này.

Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị 26 về khôi phục lại sản xuất, tăng cường lưu thông… đã giúp ngành chăn nuôi từng bước vực dậy. 

Người chăn nuôi đã tự tin hơn khi tái đàn, bước đầu đảm bảo tốt các nhu cầu thực phẩm trong nước, đặc biệt là từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Cũng theo ông Trọng, do nhu cầu tăng cao dịp cuối năm, giá lợn hơi có thể được cải thiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem