"Giá lúa thấp, nông dân bỏ ruộng, đó mới là mất an ninh lương thực"

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 22/04/2022 14:36 PM (GMT+7)
Dẫn một câu nói của lão nông miền Tây: "Chỉ cần lúa có giá, nông dân chúng tôi sẵn sàng ra đồng giăng mùng ngủ giữ lúa. Chứ giá lúa thấp, thì nông dân sẽ bỏ ruộng, đó mới là mất an ninh lương thực", Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần thiết phải nâng cao thu nhập cho người dân trồng lúa.
Bình luận 0

Nâng cao thu nhập cho người dân trồng lúa Đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 22/4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã có nhiều ý kiến đóng góp để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế nông nghiệp của đất chín rồng, vùng trọng điểm nông nghiệp của quốc gia, bao gồm thuỷ sản, cây ăn quả, lúa gạo. 

Dẫn lại chia sẻ của một lão nông miền Tây: "Chỉ cần lúa có giá, nông dân chúng tôi sẵn sàng ra đồng giăng mùng ngủ giữ lúa. Chứ giá lúa thấp, thì nông dân sẽ bỏ ruộng, đó mới là mất an ninh lương thực", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần thiết phải nâng cao thu nhập cho người dân trồng lúa. 

"Giá lúa thấp, nông dân bỏ ruộng, đó mới là mất an ninh lương thực" - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: dangcongsan.vn.

Theo số liệu từ Khảo sát mức sống dân cư về giá trị gia tăng bình quân mỗi hecta hàng năm, canh tác lúa thấp hơn từ khoảng 2 - 3 lần so với canh tác các loại cây trồng khác và nuôi trồng thuỷ sản. Nếu chỉ dựa trên các chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng đơn thuần, rủi ro "nông dân bỏ ruộng vì giá lúa thấp" vẫn cứ hiện hữu. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nhận diện thực trạng đáng lo ngại này, nhiều địa phương trong vùng đã mạnh dạn thí điểm điều chỉnh, đổi mới các mô hình canh tác. 

"Lúa thơm – tôm sạch", "chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh", "nuôi tôm dưới tán rừng" hay "kết hợp dịch vụ du lịch, ẩm thực trên cánh đồng lúa" đã giúp bà con nông dân bán đảo Cà Mau, Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên "sống khoẻ" hơn, thu nhập tốt hơn. 

"Nhờ các mô hình như "con tôm ôm cây lúa" theo cách gọi dân dã, cây lúa không còn đứng riêng rẽ một mình, không phải "gồng mình" tăng vụ.  Đất trồng có thêm thời gian để "thở", để ngơi nghỉ, để đắp bồi phù sa. Chất lượng hạt gạo dần được cải thiện, sinh kế mở rộng nhờ vào nguồn lợi từ con tôm, con cá, cây trồng đa canh, xen canh, dù diện tích canh tác không hề tăng lên" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định. 

Tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, suy giảm tài nguyên nước, một số cửa sông bị bồi lắng, dòng chảy ít nhiều bị tác động bởi các công trình đập nước, hồ chứa ở thượng nguồn gây hệ luỵ sụt lún, sạt lở,… là những cảnh báo đáng lo ngại về Đồng bằng sông Cửu Long.

 Xác định tính cấp thiết của thách thức này, Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm phát triển vùng: "lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi".

"Giá lúa thấp, nông dân bỏ ruộng, đó mới là mất an ninh lương thực" - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan khảo sát mô hình tôm - lúa ở Hồng Ngự, Đồng Tháp.

Tài nguyên nước không chỉ giới hạn ở "nước ngọt", mà còn cả "nước lợ, nước mặn". Tài nguyên nước gắn kết chặt chẽ, mật thiết với các vùng sinh thái nông nghiệp đa dạng, dựa vào nguồn nước, bao gồm: "vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái mặn - lợ, vùng chuyển tiếp ngọt lợ, ngọt - lợ luân phiên". 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tinh thần "chủ động, linh hoạt" thích ứng với sự thay đổi sẽ tiếp tục mở ra dư địa phát triển mới. 

Như cách thức một nhà khoa học phát minh thiết bị cảm biến tích hợp trí tuệ nhân tạo, đo đạc nồng độ mặn ngọt trên dòng Cổ Chiên, Trà Vinh, vốn thay đổi khác nhau theo giờ trong ngày, để tính toán thời điểm bơm nước tưới tiêu tốt nhất.

 Như cách thức các nhà nông học, người nông dân tâm huyết kiên trì lai tạo các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn, mà thành công nhất là các loại giống dòng ST và nhiều giống bản địa đang được phục tráng khác.

Với nguyên tắc "thuận thiên có kiểm soát", các công trình thủy lợi cấp vùng và tiểu vùng sẽ tiếp tục được khai thác hiệu quả, tổ chức quản lý, vận hành thống nhất, an toàn, phù hợp với định hướng chuyển đổi, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tiêu biểu như hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé vừa đi vào hoạt động. 

Tuy nhiên, để khai thác tốt tiềm năng nông nghiệp của đồng bằng, sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương cần phải được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương cần chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển. 

"Giá lúa thấp, nông dân bỏ ruộng, đó mới là mất an ninh lương thực" - Ảnh 3.

Mô hình nuôi tôm, cá linh non trên ruộng lúa ở Hồng Ngự, Đồng Tháp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sau Hội nghị "Thúc đẩy phát triển nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu" vừa qua, Bộ NNPTNT đã tích cực triển khai chương trình phối hợp công tác với UBND 13 tỉnh, thành phố trong vùng. 

Song song đó, Văn phòng Điều phối Nông nghiệp, Nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ đã đi vào hoạt động. 

Văn phòng sẽ hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, các cụm liên kết ngành nông - công nghiệp; kêu gọi đầu tư hệ thống hạ tầng kho bảo quản nông sản theo từng vùng nguyên liệu; xây dựng chuỗi ngành hàng và hệ sinh thái ngành hàng, bắt đầu là vận động thành lập các Hiệp hội ngành hàng; hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã; thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp và tham gia hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem