Giá nhiều loại thuốc giảm đột biến

Thứ năm, ngày 05/09/2013 10:22 AM (GMT+7)
Ngày 4.9, theo ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), báo cáo nhanh về tình hình đấu thầu thuốc theo hướng dẫn mới (Thông tư 01) cho thấy, rất nhiều thuốc giảm giá rất mạnh, có thuốc giảm tới 166%.
Bình luận 0
Theo ông Hùng, tại 7 tỉnh thành phố, chỉ riêng 20 mặt hàng có tỷ trọng sử dụng cao trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế (chiếm 30% trị giá thuốc trúng thầu tại các bệnh viện) đã giảm được 115,49 tỷ (giảm 28%) so với các mặt hàng này năm 2012. Cụ thể, Sở Y tế Quảng Ngãi tiết kiệm 28 tỷ (giảm 24%), Quảng Ninh giảm 40 tỷ (20%), Hà Tĩnh giảm 32 tỷ (25%), Hậu Giang giảm 57 tỷ (31%). Nhiều mặt hàng thuốc cùng nhà sản xuất, cùng tên thương mại trúng thầu đã giảm giá mạnh so với giá trúng thầu năm 2012. Cụ thể như Fascort (Methyl prednisolon 4mg) giảm 42,86%; Quincef (Cefuroxim 125mg) giảm 34,64%; Teonam (Imipenem 500mg + Cilastatin 500mg) giảm 10,6%; Getzlox (Levofloxacin 750mg) giảm 6,88%...

Giá thuốc trong đấu thầu cao hơn hẳn so với giá thực tế (ảnh minh hoạ).
Giá thuốc trong đấu thầu cao hơn hẳn so với giá thực tế (ảnh minh hoạ).

Ngoài ra, 77 mặt hàng thuốc Ấn Độ và 9 mặt hàng thuốc Trung Quốc giảm giá mạnh so với kết quả năm 2012 với rất nhiều mặt hàng có mức giảm từ 20 - 166% so với mức giá trúng thầu năm 2012 (46/135 mặt hàng chiếm 34%). Trong số đó, số lượng mặt hàng có tăng giá so với năm 2012 chỉ có 12/135 mặt hàng (chiếm 8,8%), còn lại là các mặt hàng giữ nguyên giá so với năm 2012. Như vậy, từ trước tới nay, giá thuốc vẫn được thổi lên đến “tận trời” mà không có sự kiểm soát, kìm hãm hữu hiệu.

Theo ông Hùng, Thông tư 01 liên tịch Bộ Tài chính và Bộ Y tế hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế, nhằm góp phần vào việc lựa chọn các thuốc đảm bảo chất lượng với chi phí hợp lý, tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho các cơ sở y tế, người bệnh và ngân sách nhà nước cũng như quỹ bảo hiểm y tế.

Cùng ngày, Cục Quản lý dược có công văn gửi Bệnh viện Việt Đức về việc nhà thuốc bệnh viện đã bán nhiều thuốc có giá cao hơn giá bán buôn kê khai đang có hiệu lực. Qua kiểm tra xác suất 74 loại thuốc thì có 25 thuốc được nhà thuốc mua với giá cao hơn giá bán buôn kê khai đang có hiệu lực. Trong số 25 loại thuốc tăng giá, có nhiều loại tăng gấp 3-5 lần so với giá kê khai.



Ông Hùng khẳng định, không có việc thuốc trúng thầu theo Thông tư 01 sẽ không đảm bảo chất lượng. Vì theo quy trình đấu thầu mua thuốc, trước khi chuyển sang công đoạn đánh giá về giá, phải qua công đoạn đánh giá tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng thuốc đạt yêu cầu, cuối cùng việc lựa chọn mặt hàng trúng thầu theo quy định tại Luật Đấu thầu là lựa chọn mặt hàng có giá đánh giá thấp nhất. Ông Hùng phân tích rằng, với các quy định pháp lý hiện hành của Việt Nam và thế giới, thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành phải đảm bảo chất lượng và an toàn, hiệu quả khi sử dụng. Tuy nhiên, để quy định mới về đấu thầu thuốc được hoàn thiện hơn, Bộ Y tế đã thành lập ban soạn thảo để sửa đổi, bổ sung Thông tư 01. Theo đó, sẽ xem xét việc phân nhóm sâu hơn đối với các thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng cao để tăng cơ hội cho các cơ sở y tế trong việc lựa chọn được các thuốc có chất lượng cao trúng thầu. Đồng thời, sẽ xem xét việc bổ sung phân nhóm thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu được sản xuất bởi các nhà máy đạt tiêu chuẩn WHO-GMP; điều chỉnh lại mức điểm đánh giá đối với trường hợp thuốc vi phạm chất lượng cho phù hợp hơn trong việc trừ điểm đối với nhà sản xuất...

Diệu Linh (Diệu Linh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem