Giá nông sản hôm nay 1.5: Trung Quốc sẽ mua 2,3 triệu tấn thịt lợn

Thiên Hương Thứ hai, ngày 01/05/2017 03:05 AM (GMT+7)
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), người Trung Quốc tiêu thụ gần 144.000 tấn thịt lợn mỗi ngày, tương đương khoảng 53 triệu tấn/năm. Trước nhu cầu sử dụng thịt lợn này, năm 2017 Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn thịt lợn từ nhiều nước.
Bình luận 0

Tại thị trường Chicago, Mỹ, giá lợn hơi giao kỳ hạn tháng 5/2017 nhìn chung đã giảm nhẹ so với tuần trước do nguồn cung dồi dào, giá bán buôn thịt lợn giảm. Chốt phiên giao dịch ngày 26.4, giá lợn hơi đạt 64,675 Uscent/lb, giảm 3,05 Uscent/lb so với mức giá đạt được vào cuối phiên giao dịch đầu tuần trước (ngày 17.4). 

img

Sản lượng thịt lợn toàn cầu tăng mạnh, trong đó có Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu thịt lợn toàn cầu sẽ tăng 5% trong năm 2017. Chi phí thức ăn chăn nuôi giảm, không chỉ tại Mỹ mà còn ở các nước khác trên thế giới, sẽ thúc đẩy nguồn cung thịt lợn tại các nước sản xuất chính cũng như luồng thịt lợn vào các thị trường có nhu cầu đang tăng như Trung Quốc. Nhưng ngay cả khi nhu cầu tại Trung Quốc đang tăng, Mỹ có thể vẫn không tận dụng hết cơ hội bởi vấn đề sử dụng các chất kích thích tăng trưởng như ractopamine. 

USDA dự báo tổng lượng thịt lợn nhập khẩu của Trung Quốc và Hong Kong sẽ là 2,75 triệu tấn, trong đó nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc đại lục được dự báo đạt 2,3 triệu tấn trong năm 2017, tương đương mức nhập khẩu năm 2016 nhưng tăng gấp đôi so với mức nhập khẩu 2 năm trước đây.

Số liệu thống kê cho thấy người Trung Quốc rất thích ăn thịt lợn. Cụ thể, ở thời điểm bắt đầu cải cách mở cửa năm 1979, thịt lợn chiếm tới 92,1% “rổ thịt” của người dân nước này. Đến nay, tỷ trọng thịt lợn vẫn còn chiếm tới 65,1% nhu cầu về các loại thịt của người dân nước này. Sản lượng thịt lợn bình quân đầu người/năm của Trung Quốc cũng tăng mạnh từ 7,2 kg/người (1979) lên 41,5 kg/người (2016). 

Theo USDA, từ 2012 đến 2016, tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc đã tăng 6,1%, thịt bò tăng 11,5%, gia cầm giảm 6,2% so cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo phân tích của USDA, các nhà sản xuất thịt lợn châu Âu mới là những người được hưởng lợi chính từ nhu cầu thịt lợn tăng mạnh tại Trung Quốc, bởi 2 lý do: Thị trường Nga đóng cửa đối với thịt lợn của châu Âu nên châu Âu có dư cung xuất khẩu; chi phí thức ăn chăn nuôi tại châu Âu thấp và EU không cho phép sử dụng ractopamine.

Trong bối cảnh giá thịt lợn toàn cầu giảm mạnh, giá thịt lợn hơi tại thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục giảm sâu trong tháng 4, khiến người chăn nuôi bị thua lỗ lớn và lâm vào cảnh khốn đốn. Một số hộ chưa dám tăng đàn vào thời điểm hiện tại mà chỉ cố gắng duy trì hoặc giảm nhẹ quy mô đàn do chuồng trại và con giống có sẵn. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tổng số lượng lợn cả nước giảm 0,2% so với cùng kỳ 2016.

img

Lái xe tắm cho lợn tại một điểm chăm sóc lợn ở xã Hải Sơn (TP. Móng Cái - Quảng Ninh). Ảnh: Đức Hiếu

Trước tình hình căng thẳng của ngành chăn nuôi lợn, ngày 30.4 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc họp khẩn với một số bộ, ngành để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân chăn nuôi lợn. Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ trưởng các bộ, ngành phải nhanh chóng vào cuộc giải cứu giá lợn, gồm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đồng ý việc tạm dừng không cho phép tái xuất thịt lợn và phủ tạng của lợn đông lạnh qua các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở. Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương hướng dẫn các cơ quan chức năng, các địa phương có biên giới thực hiện và kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem