dd/mm/yyyy

Giá nông sản hôm nay 18/11: Hồ tiêu cạnh tranh khốc liệt, giá cà phê lao dốc trong bất lực

Giá nông sản hôm nay, hồ tiêu Việt Nam khó tăng giá do sự kìm hãm từ thị trường xuất khẩu. Trong khi giá cà phê có phiên lao đốc, thị trường dường như bất lực khi cả hai sàn kỳ hạn đồng loạt giảm mạnh.

Giá tiêu vẫn luẩn quẩn ở mức thấp. Ảnh minh họa

Giá tiêu cạnh tranh sống còn

Giá hồ tiêu trong nước hôm nay đã không còn duy trì được đà tăng trong phiên trước. Toàn thị trường giao dịch theo mức giá từ hôm qua.

Theo đó, giá tiêu tại Tây Nguyên giao dịch trong khoảng 76.000 đến 77.000 đồng/kg.

Giá tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn giữ được mức cao nhất cả nước 78.000 đồng/kg. Còn giá tiêu tại Đồng Nai và Bình Phước lần lượt có giá 75.000 đến 77.000 đồng/kg.

Giá hồ tiêu hôm nay bất động. Nguồn: tintaynguyen

Mọi kỳ vọng về một đợt tăng mạnh trên thị trường hồ tiêu sẽ khó sảy ra khi Ấn Độ, một cường quốc hồ tiêu cũng có xu hướng chạy theo sản lượng và giá rẻ đang trong cảnh khốn khó.

Hôm qua, giá hồ tiêu giao ngay trong ngày hôm qua tại quốc gia này tiếp tục giảm vì nhu cầu nguyên liệu cho mùa đông tăng chậm.

Trên thị trường đầu mối, 5 tấn hồ tiêu lẫn với hồ tiêu chất lượng cao được giao bán giá 415 rupee/kg.

Bên cạnh đó, hồ tiêu Ấn Độ xuất khẩu sang châu Âu vẫn ở mức giá là 6.750 USD/tấn và sang Mỹ là 7.000 USD/tấn.

Các nhà sản xuất hồ tiêu Ấn Độ cho rằng thị trường hồ tiêu Ấn Độ chịu nhiều áp lực vì nguồn cung hồ tiêu giá rẻ từ Việt Nam tăng mạnh.

Là nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới, Việt Nam ước tính sản xuất được hơn 200.000 tấn hồ tiêu trong năm nay. Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, Việt Nam đã xuất khẩu được 181.000 tấn tiêu trong 9 tháng đầu năm nay.

Trang Economic Times dẫn số liệu cho biết, xuất khẩu hồ tiêu của Ấn Độ trong quý kết thúc vào tháng 6 giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 3.900 tấn. Theo đó, xuất khẩu hồ tiêu của Ấn Độ trong năm tài chính 2017 (tính đến tháng 6) giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái còn 17.600 tấn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu dự đoán rằng, xuất khẩu hồ tiêu của Ấn Độ sẽ giảm mạnh hơn nữa và có thể chỉ còn 15.000 tấn tính đến cuối năm tài chính 2017 và cũng là thấp nhất 5 năm trở lại đây.

Xuất khẩu hồ tiêu của Ấn Độ giảm vì giá tiêu liên tục tăng cao; người mua buộc phải tìm đến Việt Nam và Brazil với mức giá “dễ chịu” hơn.

“Không ai có nhu cầu mua hồ tiêu của Ấn Độ với mức giá tới 7.000 USD/tấn, trong khi giá của Việt Nam chỉ 4.000 USD/tấn và của Brazil là 3.500 USD/tấn,” ông Jojan Malayil, CEO của công ty xuất khẩu Bafna Enterprises, cho biết.

Hồ tiêu VN sẽ không thoát khỏi vòng luẩn quẩn nếu lao vào cuộc đua sản lượng và hạ giá thành. Ảnh minh họa

Xuất khẩu dự báo giảm nhưng sản lượng hồ tiêu của Ấn Độ dự báo vẫn đạt khoảng 50.000 tấn, và phần lớn sẽ không được bán ra thị trường vì giá đang ở mức thấp.

Trước khi được nhập khẩu vào Ấn Độ, hồ tiêu Việt Nam được nhập khẩu vào Sri Lanka với mức thuế chỉ 8% theo hiệp định thương mại giữa các thành viên của Hiệp hội Nam Á, nên hồ tiêu Việt Nam được bán ở Ấn Độ lại càng rẻ.

Đế nay, giá hồ tiêu đen của Ấn Độ đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Giới thương lái dự báo giá hồ tiêu có thể sẽ giảm sâu hơn trong năm tới.

Cà phê đang bất lực

Giá cà phê trong nước hôm nay đã tuột mất những thành quả "tích cóp" từ đầu tuần với một đợt giảm khá mạnh từ 400 đến 500 đồng/kg.

Theo đó, giá cà phê rại Lâm Đồng hiện chỉ còn 38.300 đến 38.500 đồng/kg, giảm 300 đến 400 đồng/kg.

Tại các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Kon Tum giá cà phê hiện dao động ở mức 39.000 đến 39.500 đồng/kg, giảm từ 400 đến 500 đồng/kg.

Giá cà phê R1 tại TP.HCM hiện giao dịch ở mức 40.400 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay giảm mạnh. Nguồn: tintaynguyen

Giá cà phê trong nước giảm mạnh do tác động từ 2 sàn kỳ hạn kết thúc phiên giao dịch rạng sáng nay, cả Robusta London và Arabica New York đồng loạt giảm.

Trong đó, giá robusta giao tháng 11.2017 giảm 21 USD/tấn, chốt ở mức 1.863 USD/tấn.; kỳ hạn giao tháng 1.2018 chốt ở mức 1.838 USD/tấn.

Giá arabica giảm 2,9 cent/pound, kỳ hạn giao tháng 12.2017 chốt ở mức 123,55s.

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết: Việt Nam mất 160 năm để đạt và hoàn thành thời kỳ đầu là trở thành nước sản xuất và chế biến cà phê nhân đứng thứ hai thế giới.

Năm 1991, sản lượng cà phê Việt Nam mới đạt 1% thị phần thế giới nhưng đến niên vụ 2015-2016, Việt Nam đã chiếm thị phần gần 20%.

Năm 2016, Việt Nam XK gần 1,8 triệu tấn cà phê nhân, đạt kim ngạch 3,2 tỷ USD. Đặc biệt, XK cà phê chế biến, rang, xay và hòa tan chiếm trên 10% tổng giá trị.

"Hiện nay, dư địa giá trị gia tăng với mặt hàng cà phê còn rất nhiều. Để phát triển ngành cà phê bền vững đòi hỏi phải chuyển sang thời kỳ mới với hai mục tiêu đặt ra: Một là giữ vững vị trí thứ hai về sản xuất và XK cà phê nhân trên thế giới. Thứ hai là đẩy mạnh khâu chế biến cà phê rang xay, hào tan, các sản phẩm khác, đưa giá trị gia tăng và kim ngạch XK đến năm 2030 lên 5-6 tỷ USD", ông Tự nói.

Diễn biến giá cà phê trên 2 sàn kỳ hạn. Nguồn: TTCP

Tuy nhiên có một thực tế tồn tại mà ngành cà phê Việt Nam phải giải quyết đó là khâu chất lượng.

Trong mua bán cà phê, tỷ lệ hạt đen vỡ càng ít, giá càng được trả tốt hơn. “Tuy Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu lớn thứ hai của thế giới chỉ sau Brazil, chất lượng cà phê cung ứng vẫn rất thất thường và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết,” một chuyên gia ngành hàng nhận định.

Do chất lượng thất thường và không đảm bảo, một vài nhà rang xay lớn nhất nhì thế giới đã thay đổi cách mua: trước đây mua trực tiếp từ một số nhà cung ứng Việt Nam do họ chọn, nay chuyển sang mua qua tay một số nhà môi giới với hy vọng các công ty môi giới có hàng cà phê của một nước thứ ba để thay thế nếu như chất lượng cà phê xuất khẩu không đảm bảo yêu cầu.

Đó là lý do tại sao thị trường cà phê nội địa bấy lâu khá yên ắng.

Hữu Bình