Giá phân bón DAP tăng nóng, vẫn tranh cãi chuyện nên hay không áp thuế tự vệ

Quốc Hải Thứ năm, ngày 11/03/2021 17:03 PM (GMT+7)
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 715/QĐ-BCT (ngày 3/3/2021), gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu. Quyết định này đến nay vẫn gây tranh cãi, nhất là ở góc độ giải pháp này thực sự bảo vệ doanh nghiệp hay người nông dân?
Bình luận 0

Theo giải thích của Bộ Công Thương, trên cơ sở kết quả rà soát, cơ quan quản lý xác định việc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với phân bón DAP, MAP nhập khẩu là cần thiết để tiếp tục ngăn chặn thiệt hại của ngành sản xuất trong nước và đảm bảo hiệu quả của biện pháp, giúp ngành sản xuất trong nước có thêm thời gian cần thiết để điều chỉnh.

Giá phân bón DAP tăng nóng, vẫn tranh cãi chuyện nên hay không áp thuế tự vệ - Ảnh 1.

Sản xuất DAP tại Công ty CP DAP Vinachem (DAP Đình Vũ) với quy mô thiết kế là 330.000 tấn/năm, nhưng vẫn còn rất xa với nhu cầu sử dụng trong nước (Ảnh: IT)

Cơ quan quản lý nói cần thiết để kiểm soát DAP nhập khẩu…

"Trong quá trình điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ, các yếu tố kinh tế - xã hội đã được Bộ Công Thương đánh giá đầy đủ và có sự tham khảo, thống nhất ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn", đại diện Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) lý giải.

Tại bản kết luận điều tra cuối cùng của Cục Phòng vệ thương mại, theo tính toán, tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp tự vệ, mức thuế tự vệ chỉ tương đương tối đa khoảng 0,66% tổng chi phí của người trồng lúa.

"Tỷ lệ này tới nay có thể còn thấp hơn do mức thuế tự vệ được giảm dần theo lộ trình trong khi nhiều chi phí khác trong sản xuất lúa tăng lên", Cục Phòng vệ thương mại, thông tin.

Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng đánh giá, việc áp thuế tự vệ đã và đang thực hiện trong thời gian qua (từ 19/8/2017 đến nay), theo đó không đủ cơ sở để cho rằng việc áp thuế tự vệ là nguyên nhân làm tăng giá phân bón thị trường trong nước hiện nay.

Giá phân bón DAP tăng nóng, vẫn tranh cãi chuyện nên hay không áp thuế tự vệ - Ảnh 2.

Sản xuất phân bón tại nhà máy DAP Lào Cai (Ảnh: IT)

"Việc áp thuế tự vệ nhằm bảo đảm hài giữa phân bón sản xuất trong nước và nhập khẩu, chủ động nguồn cung bảo đảm vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm áp lực về giá cho nông dân, đồng thời đóng góp ngân sách nhà nước, do vậy cần tiếp tục áp dụng áp thuế tự vệ hiện nay đối với mặt hàng phân bón DAP và MAP", ông Hoàng Trung, bình luận.

Đại diện Cục Bảo vệ Thực vật cũng khẳng định, ngay khi giá mặt hàng DAP tăng mạnh, Cục đã liên hệ với các nhà máy sản xuất DAP trong nước đề nghị hạn chế tối đa xuất khẩu để ưu tiên tối đa thị trường trong nước để cân bằng ổn định nhu cầu trong nước.

Có thực sự "khan hiếm" DAP?

Câu chuyện về nên hay không nên áp thuế tự vệ với phân bón DAP thời điểm hiện tại, thực chất xuất phát từ việc trên thị trường xuất hiện hiện tượng khan hiếm cục bộ mặt hàng phân bón này. Tất nhiên không loại trừ yếu tố "găm hàng" của các đại lý, nhưng rõ ràng khi nông dân thực sự có nhu cầu (nhất là đối với mặt hàng DAP nhập khẩu), thì lại không mua được. Liệu phân bón DAP thực sự có "khan hiếm"?

Thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), nhu cầu phân bón DAP trong nước dao động khoảng 800.000 - 1 triệu tấn/năm. Trong những năm qua, nguồn cung phân bón DAP đến từ hai nguồn là sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Về năng lực sản xuất trong nước, hiện tại tổng công suất thiết kế của các nhà máy DAP trong nước là 810.000 tấn/năm. Trong đó, Công ty CP DAP Vinachem (DAP Đình Vũ là 330.000 tấn/năm), Công ty CP DAP số 2 Vinachem (DAP Lào Cai 330.000 tấn/năm) và Công ty CP Hóa chất Đức Giang (DAP Đức Giang 150.000 tấn/năm). 

Dựa trên những số liệu này, phía cơ quan quản lý cho rằng nguồn cung DAP trong nước là không thiếu, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu tiêu dùng cho ngành sản xuất nông nghiệp.

Thậm chí, năm 2020, do khó khăn về thị trường vẫn đang trong tình trạng dư cung, nên hai nhà máy DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai chưa huy động hết công suất, để giảm hàng tồn kho, hai đơn vị này phải tìm thêm thị trường xuất khẩu (!?).

Giá phân bón DAP tăng nóng, vẫn tranh cãi chuyện nên hay không áp thuế tự vệ - Ảnh 4.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, nguồn cung DAP trong nước hiện đang phục vụ nhu cầu sản xuất phân bón NPK là chủ yếu...

Về nguồn cung DAP nhập khẩu, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, sản lượng DAP nhập khẩu năm 2020 tăng 15,7% so với năm 2019. Riêng tháng 1/2021 nhập khẩu tăng 334% so với cùng kỳ, nửa đầu tháng 2 nhập khẩu tăng 137,4% so với cùng kỳ.

Trái lại, nguồn thông tin từ các công ty chứng khoán lại đánh giá, nguồn cung DAP trong nước chỉ đáp ứng được từ 30-35% nhu cầu. Số liệu từ Công ty chứng khoán FPT (FPT Securities) cho thấy sản lượng DAP sản xuất của Việt Nam tính chung trong 11 tháng/2020 chỉ đạt 339,4 nghìn tấn, còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu từ 800 nghìn – 1 triệu tấn của nền nông nghiệp.

Còn theo số liệu nghiên cứu của Công ty CP Phân tích và Dự báo Thị trường Việt Nam (AgroMonitor) cho thấy, nguồn cung sản phẩm DAP trên thị trường trong 3 tháng qua (từ tháng 12/2020 đến hết tháng 2/2021) lại có sự… "đuối sức" so với nhu cầu.

Cụ thể, theo AgroMonitor, trong tháng 12/2020, năng lực sản xuất trong nước là 49 nghìn tấn, nhập khẩu (cả chính ngạch và tiểu ngạch) là 39 nghìn tấn; nhưng lượng DAP tiêu thụ cho cây trồng lên tới 70 nghìn tấn, dùng làm nguyên liệu sản xuất (sản xuất NPK) lên tới 30 nghìn tấn, và xuất khẩu (chính ngạch) lên tới 15 nghìn tấn.

Bước sang tháng 1/2021, Việt Nam tiếp tục sản xuất được 49 nghìn tấn, nhưng nhập khẩu (cả chính ngạch và tiểu ngạch) giảm chỉ còn 36 nghìn tấn; nhưng lượng DAP tiêu thụ cho cây trồng đạt khoảng 60 nghìn tấn, dùng làm nguyên liệu sản xuất (sản xuất NPK) khoảng 20 nghìn tấn, và xuất khẩu (chính ngạch) tăng thêm 5 nghìn tấn, lên mức 20 nghìn tấn.

Và sang tháng 2/2021, năng lực sản xuất của Việt Nam dự báo chỉ 45 nghìn tấn (do vướng kỳ nghỉ tết Nguyên đán), trong khi hàng nhập khẩu dự báo sụt giảm xuống mức 20 nghìn tấn – giảm 15 nghìn tấn so với tháng 1, do sự suy giảm hàng xuất xứ Trung Quốc và giá thế giới tăng cao.

Tất nhiên, nếu tính cả với lượng tồn kho DAP đầu kỳ, trong ngắn hạn sẽ không thiếu phân bón DAP. Tuy nhiên, nếu tình hình nhập khẩu liên tục đi xuống thì khả năng thiếu DAP cho nhu cầu có thể sẽ trở thành hiện thực…

"Giá DAP thế giới đã giữ xu hướng đi lên từ tháng 5/2020 và đến đầu tháng 1/2021 đã đạt mức cao nhất trong vòng gần 2 năm lên mức trên 400 USD/tấn tại hầu hết các thị trường và tiếp tục tăng mạnh khoảng 35-60 USD/tấn trong tháng 1/2021. Đối với hàng Trung Quốc – đầu vào lớn nhất của Việt Nam thì giá xuất khẩu cuối tháng 1 cũng chào tăng lên mức 450-460 USD/tấn FOB. Dù giá tăng mạnh nhưng các nhà sản xuất Trung Quốc đã từ chối chào hàng do thiếu hàng xuất khẩu…", AgroMonitor, thông tin.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem