Giá phân bón tăng sốc, cổ phiếu cũng "sốt" với kỳ vọng của nhà đầu tư vì những lý do này

Quốc Hải Thứ năm, ngày 25/03/2021 07:50 AM (GMT+7)
Giá phân bón tiếp tục duy trì đà tăng, cùng với chính sách thuế GTGT dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới (tháng 7/2021), là những nguyên nhân khiến nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào cổ phiếu nhóm ngành này.
Bình luận 0

Từ đầu tháng 3 đến nay, cổ phiếu ngành phân bón đã tăng mạnh theo đà tăng của giá phân bón trong nước và thế giới. 

Trong đó, tăng mạnh nhất là những cổ phiếu phân bón dầu khí với những cái tên quen thuộc như DCM, DPM; kế đến, nhóm NPK và lân cũng tăng trưởng mạnh so với thời điểm cuối năm 2020...

Phân bón tăng giá sốc, cổ phiếu ngành phân bón cũng "sốt" với kỳ vọng của nhà đầu tư vì những lý do này - Ảnh 1.

Cổ phiếu ngành phân bón tăng mạnh theo đà tăng của giá phân bón trong nước và thế giới (Ảnh: IT)

Giá cổ phiếu ngành phân bón tăng mạnh 

Hấp dẫn nhất trong nhóm cổ phiếu ngành phân bón những ngày qua phải kể đến cổ phiếu DCM (Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau). Mở cửa phiên giao dịch hôm nay 24/3, cổ phiếu DCM đã ở mức 17.400 đồng/cổ phiếu, tăng gần 25% so với đầu tháng 3, nhưng tăng gấp hơn 3 lần trong vòng 1 năm qua từ mức giá 5.500 - 6.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 3/2020.

Tương tự, cổ phiếu DPM (Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí) cũng tăng mạnh, tại phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu DPM cũng tăng lên 19.600 đồng/cổ phiếu, tăng gần 13% kể từ đầu tháng và tăng khoảng 90% trong vòng 1 năm qua.

Sở dĩ, hai mã chứng khoán phân bón dầu khí tăng mạnh thời gian qua, một phần cũng liên quan đến thị trường Urea trong nước và thế giới. Theo dữ liệu từ AgroMonitor, giá Urea trên thị trường thế giới đã tăng mạnh. 

Đầu tháng 3/2020, giá Urea giao ngay trên thị trường Trung Quốc đạt 365 USD/tấn, tăng 25,86% từ đầu năm. Trong khi đó, tại thị trường trong nước tính đến cuối tháng 2, giá Urea đã tăng từ 6.500 đồng/kg lên 8.700 đồng/kg, tăng 33,84% từ đầu năm.

Ngoài ưu thế độc quyền trong sản xuất Urea tại Việt Nam, một ưu thế khác khiến nhóm cổ phiếu phân bón ngành dầu khí hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư là việc chính sách thuế GTGT dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới (tháng 7/2021).

Theo đó, dự kiến khi diễn ra kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, khó khăn liên quan đến thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được giải quyết triệt để (đưa phân bón là mặt hàng chịu thuế VAT ở mức 0 - 5%).

Đây sẽ là cơ hội để nhóm ngành phân bón bứt phá trong năm 2021. Trong đó, DCM và DPM được dự báo là những doanh nghiệp được khấu trừ hàng trăm tỷ đồng tiền thuế nếu chính sách thuế này thông qua.

Phân bón tăng giá sốc, cổ phiếu ngành phân bón cũng "sốt" với kỳ vọng của nhà đầu tư vì những lý do này - Ảnh 3.

Sản xuất phân bón NPK tại Phú Mỹ (Ảnh: IT)

Ngoài cổ phiếu phân bón dầu khí, nhóm cổ phiếu phân bón DAP, NPK, lân cũng tăng khá mạnh trong thời gian qua.

Chẳng hạn, với cổ phiếu DDV của Công ty CP DAP - VINACHEM, từ mức giá 8.800 đồng/CP hồi cuối năm 2020 (phiên 31/12/2020), cổ phiếu này đã tăng mạnh theo đà "sốt" của phân bón DAP trong nước và thế giới. Có thời điểm, cổ phiếu DDV tăng tới 16.500 đồng/CP (phiên giao dịch 5/3/2021), tức tăng gấp 2 lần.

Cổ phiếu DGC của Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng hưởng lợi từ thông tin khan hiếm DAP thời gian qua. Từ vùng giá 51.000 đồng/CP hồi cuối năm 2020, có thời điểm cổ phiếu này tăng tới 75.400 đồng/CP (phiên 15/3), tăng tới hơn 40%.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu NPK và lân cũng tăng khoảng 15-30%. Chẳng hạn, cổ phiếu BFC của Phân bón Bình Điền tăng khoảng 25%, từ mức giá 17.450 đồng/CP hồi cuối năm 2020 lên mức giá 21.750 đồng/CP ở thời điểm hiện tại.

Tương tự, cổ phiếu SFG của Phân bón Miền Nam cũng tăng hơn 30%, từ vùng giá 7.400 đồng/CP hồi cuối năm 2020 lên vùng giá 9.700 đồng/CP ở thời điểm hiện tại.

Lợi nhuận quý 1 của nhiều doanh nghiệp phân bón dự báo tăng mạnh

Trong bối cảnh giá phân bón tăng mạnh thời gian qua, nhiều doanh nghiệp phân bón dự kiến lợi nhuận tăng mạnh trong quý 1/2021.

Công ty CP Phân bón Bình Điền (BFC) dự kiến trong quý I/2021, doanh nghiệp này đạt tổng doanh thu 1.665,7 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 60,5 tỷ đồng, trong đó riêng công ty mẹ là 50 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, mục tiêu doanh thu tăng 61% và lợi nhuận trước thuế hợp nhất gấp hơn 8,5 lần.

Cũng trong quý I/2021, Bình Điền đặt kế hoạch sản xuất 163.557 tấn, trong đó sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 178.057 tấn, lần lượt tăng 56% và 75% so với quý I/2020.

Phân bón tăng giá sốc, cổ phiếu ngành phân bón cũng "sốt" với kỳ vọng của nhà đầu tư vì những lý do này - Ảnh 4.

Ngành phân bón dự báo sẽ hưởng lợi trong năm 2021 (Ảnh: IT)

Tương tự, với Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) - Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính doanh thu và lợi nhuận quý I/2021 của Đạm Cà Mau có thể đạt 1.778 tỷ đồng và 183 tỷ đồng, tương ứng tăng 32% và 99% so với cùng kỳ năm 2020. Biên lợi nhuận gộp mở rộng lên 18% so với mức 14,9% trong quý I/2020.

Nhận định ngành phân bón năm 2021, Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) cho hay, với tình hình thời tiết dự báo thuận lợi, giá nông sản ở mức cao, kỳ vọng sản xuất nông nghiệp phục hồi, triển vọng ngành phân bón Việt Nam sẽ khả quan trong năm 2021 nhờ tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2021 dự báo hồi phục trở lại.

"Hiện tượng La Nina năm nay có thể kéo dài đến tháng 3/2021. La Nina kéo dài trong mùa khô, gây mưa nhiều hơn, kỳ vọng làm giảm tác động của hạn hán tại miền Trung, Tây Nguyên và xâm nhập mặn tại miền Tây Nam Bộ. Dự kiến, năm 2021 tổng nhu cầu phân bón tại Đồng bẳng Sông Cửu Long (khu vực tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước) sẽ hồi phục khoảng 4 - 6% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu tăng tiêu thụ phân DAP, NPK và các chủng loại khác như phân lân, phân hữu cơ…. Thêm vào đó, giá phân bón nội địa năm 2021 kỳ vọng sẽ tăng nhẹ theo giá thế giới", FPTS nhận định.

Theo SSI Research, trong năm 2020, giá urea giảm 15% nhưng vẫn thấp hơn mức giảm 33% của giá khí đã giúp các công ty sản xuất urea cải thiện lợi nhuận. Bước sang năm 2021, giá bán bình quân phân urea sẽ tăng cùng với xu hướng tăng của giá khí, nhưng áp lực cạnh tranh trên thị trường phân bón cũng gay gắt hơn do nhập khẩu dự kiến tăng.

Do đó, giá bán bình quân khó theo kịp đà tăng của nguyên liệu đầu vào. Điều này đang tiềm ẩn rủi ro đối với biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu để sản xuất phân đạm ở Việt Nam chủ yếu là than đá và khí thiên nhiên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem