Giá thép tăng chóng mặt, nhà thầu lo bị phá sản

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 11/05/2021 15:11 PM (GMT+7)
Giá thép tăng vọt lên tới 40-45% so với trước, khiến nhiều nhà thầu xây dựng lao đao, lo bị phá sản. Bộ Công Thương cho rằng nghi vấn đầu cơ thép là không có cơ sở trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ đã vào cuộc.
Bình luận 0

Từ đầu tháng 4 đến nay, giá thép trong nước đồng loạt tăng phi mã với mức tăng lên đến 40-45% so với trước đây. Mức tăng này được cho là bất thường, khiến các nhà thầu xây dựng lao đao, thậm chí có nguy cơ phá sản.

Giá thép tăng, có thể tăng tiếp

Theo khảo sát của Dân Việt, giá thép cuộn Hòa Phát CB240 trên thị trường hiện ở mức từ 17,2-17,4 triệu đồng/tấn tùy vùng, thép cây D10 CB300 từ 17,05-17,31 triệu đồng/tấn. Cũng hai loại thép này, Công ty thép Thái Nguyên báo giá lần lượt là 17,46 triệu đồng/tấn và 17,2 triệu/tấn.

Pomina bán thép cuộn CB240 đang là 17,31 triệu đồng/tấn, thép D10 CB300 17,41 triệu/tấn; mã CB240 của thép Việt Đức giá 17,61 triệu/tấn và thép cây D10 CB300 là 17,46 triệu/tấn. Mức giá thép này đã tăng hơn 1 triệu đồng/tấn trong vòng 1 tháng qua. Còn so với thời điểm quý III/2020, giá thép trong nước đã vọt tăng với mức tăng lên đến 40 - 45%, thậm chí tăng gấp rưỡi.

Giá thép tăng chóng mặt, nhà thầu lo bị phá sản - Ảnh 1.

Giá thép tăng chóng mặt, nhà thầu lo bị phá sản. Ảnh: H.P.

Đại diện Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết giá thép trong nước đã tăng đột biến trong quý I, đặc biệt là thời điểm tháng 4 vừa qua. Cụ thể, giá thép phi 6 Việt Mỹ quý IV/2020 chỉ 13.145 đồng/kg thì hồi tháng 4, giá bán tại Đà Nẵng đã tăng lên 18.370 đồng/kg, tương ứng tăng 40%.

"Không riêng thép Việt Mỹ mà tất cả các thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30 - 40% so với quý cuối quý IV/2020", đại diện VACC nhận định. Thậm chí, VACC còn cho rằng các nhà thầu xây dựng trên cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản vì giá thép đang tăng đột biến.

Phân tích cụ thể hơn, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước, đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký, vì vậy, họ phải tự bù lỗ.

Giá thép hiện chiếm khoảng 20% tổng giá trị dự án. Giá thép tăng mạnh tác động rất lớn đến các dự án, ảnh hưởng tiến độ xây dựng và doanh nghiệp không dám nhận thầu. Đó là chưa nói đến nhiều loại vật liệu xây dựng khác như gạch, cát, đá, xi măng cũng đồng loạt tăng giá theo, gây áp lực cho nhà thầu.

Đáng chú ý, nguy cơ các nhà thầu xây dựng vỡ trận càng trở nên hiện hữu khi Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo nhiều khả năng giá thép trong nước sẽ tiếp tục tăng hết quý III/2021 do ảnh hưởng tình hình tại Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, EU và nhiều thị trường lớn khác. 

"Các dự báo trước đó nói rằng, giá thép sẽ chỉ tăng tối đa là hết quý II/2021, nhưng hiện tại, mọi thứ đang thay đổi", phía Hiệp hội Thép nhận định.

Giá thép tăng: Chính phủ vào cuộc

Sốt ruột trước giá thép liên tục tăng cao, Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành sớm kiểm tra nguyên nhân, các Sở Xây dựng cập nhật đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu.

Hiệp hội các nhà thầu Việt Nam đặt nghi vấn liệu "có sự bắt tay" của các công ty thép hay không, bởi nguồn cung thép trong nước vẫn ổn định nhưng giá lại tăng vọt. Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng nghi vấn này là không có cơ sở.

Giải thích về giá thép tăng cao, theo Cục Công nghiệp, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của thép hiện nay như quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite đa phần phải nhập khẩu.

Đơn vị thuộc Bộ Công Thương xác nhận năng lực nguồn cung thép trong nước hiện nay có thể thừa nhưng cung ứng là chuyện khác vì dịch Covid-19 khiến các nhà máy đóng cửa; ngoài ra, nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất.

Bộ cho rằng với tình hình này, thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, giá thép sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung cầu. Do đó, nghi vấn có sự "bắt tay" của các công ty thép, nhằm tăng giá thép lên cao là không có cơ sở.

Vấn đề giá thép trong nước tăng cao đang "nóng" hơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng được yêu cầu phải nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem