Giá thịt lợn neo cao, ai chịu trách nhiệm?
Cho dù từ đầu năm đến nay đã có rất nhiều cuộc họp yêu cầu có giải pháp tháo gỡ khó khăn và bình ổn giá thịt lợn, nhưng tới thời điểm này, giá thịt lợn này vẫn không ngừng tăng. Thậm chí, càng bàn cách để giảm giá thì giá lợn hơi lại càng tăng chóng mặt. Hiện có không ít ý kiến trái chiều về việc giá thịt lợn tăng cao như hiện nay, vậy ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm? Và chúng ta cần có những giải pháp gì để giá thịt lợn có thể bình ổn trở lại.
Nói như ông Nguyễn Tiến Dũng, Hội viên của Hội Chăn nuôi tỉnh Hải Dương thì lỗi để giá thịt lợn tăng đột biến kéo dài cho tới nay là do khâu quản lý, kiểm soát và phân bổ quy hoạch của ngành chăn nuôi. Một nghịch lý vẫn đang tồn tại: Trong khi Nhà nước kêu gọi tái đàn nhưng bên cạnh đó lại kêu gọi phải giảm giá thịt lợn, thì làm sao có thể người chăn nuôi mặn mà với việc tái đàn lợn được? “Hay nếu đưa thịt lợn từ châu Âu tràn vào Việt Nam thì ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ bị phá sản vì không cạnh tranh được. Vì vậy, Bộ NNPTNT nên cân nhắc và quan tâm hơn đến lợi ích của người chăn nuôi Việt Nam”- ông Dũng bày tỏ.
Cũng có ý kiến cho rằng, quan trọng nhất là vai trò của Bộ NNPTNT phải có những chính sách cụ thể. Bộ đưa ra yêu cầu cần phải tái đàn thì cần phải xem người dân tái đàn như thế nào? Con giống ở đâu? Công tác thú y phòng dịch như thế nào?.. Chứ không thể chỉ hô hào suông. Bên cạnh đó, các bộ ngành cần phải có tầm nhìn chiến lược, các số liệu thống kê của ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung cần phải chính xác, cụ thể.
Có một thực tế là hiện nay Bộ Công thương đang buông lỏng thị trường cho thương nhân thao túng, công tác quản lý còn khá là lỏng lẻo. Các bộ, ngành cũng cần xem xét để các doanh nghiệp được phép nhập khẩu thịt lợn, hoặc có thể miễn thuế phí cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn để thỏa “cơn khát” thịt lợn cho người dân ở thời điểm hiện tại.
Trở lại vấn đề không thể chỉ hô hào suông việc giảm giá thịt lợn, nói như ông Nguyễn Tiến Thỏa- Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, thịt lợn là một loại hàng hóa có quyền được tính trong CPI và tác động nhất định đến CPI, nên chúng ta phải điều tiết.
Vậy điều tiết thế nào? Theo ông Thỏa, đầu tiên là phải tổ chức tiêu thụ hết hàng hóa cho người sản xuất với giá bảo đảm nguyên tắc tối thiểu là bù đắp chi phí sản xuất, lưu thông và có lãi hợp lý. Trên cơ sở đó, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng với giá chấp nhận được.