Giá thịt lợn quá cao, tiểu thương vừa bán vừa “giải thích”

Thanh Phong Thứ ba, ngày 19/05/2020 14:52 PM (GMT+7)
Theo chia sẻ của một số tiểu thương tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, những ngày qua, việc giá thịt lợn quá cao khiến nhiều người kinh doanh rơi vào tình trạng vừa bán, vừa phải “giải thích” để “xoa dịu” khách hàng.
Bình luận 0

Hôm nay (19/5), giá lợn hơi tại miền Bắc tiếp đà tăng "sốc" đạt đỉnh lịch sử 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, Miền Trung cũng tăng vọt lên 2.000 đến 3.000 đồng/kg, Miền Nam ghi nhận tăng từ 1.000 – 5.000 đồng/kg.

Tại Hà Nội, giá lợn hơi đang ghi nhận ngưỡng cao nhất của cả nước khi đạt đỉnh 100.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg. Đây cũng là mức tăng được ghi nhận tại Hưng Yên, Bắc Giang.

Bên cạnh đó, tại Phú Thọ, Thái Bình và Tuyên Quang tăng thêm 1.000 đồng/kg lên ngưỡng 94-95 nghìn đồng/kg. Các địa phương cũng ghi nhận số lượng lợn nuôi trong dân rất ít.

Ngoài ra, cũng trong ngày 19/5, chợ đầu mối Hà Nam ghi nhận giá lợn hơi dao động khoảng 95.000 – 98.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, số lượng lợn về chợ giảm mạnh, chỉ bằng một nửa trước đó.

Giá lợn quá cao, tiểu thương vừa bán vừa “giải thích” - Ảnh 1.

Nhiều tiểu thương phải vừa bán, vừa giải thích vì sao giá thịt lợn lại cao

"Mỗi ngày chỉ còn khoảng hơn 400 con lợn, rất hiếm hàng nên giá còn tăng lên nữa trong những ngày tới nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn", quản lý chợ cho biết.

Trước tình trạng thiếu nguồn cung, giá lợn hơi tăng "phi mã" kéo theo giá thịt lợn tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cũng "lập đỉnh". Theo chia sẻ của một số tiểu thương, trong khoảng một tuần trở lại đây, giá lợn móc hàm trung bình ở mức 133.000 – 134.000 đồng/kg.

Theo đó, giá lợn hơi "neo" ở mức khoảng 98.000 đồng/kg, một số tiểu thương nhận định đây là mức giá quá cao so với mức chi tiêu của người dân. Tuy giá thực tế rất cao, nhưng theo chia sẻ của các tiểu thương, người dân nghe thông tin từ các kênh báo chí, truyền thông và tin rằng giá lợn hơi đã xuống 65.000 đến 70.000 đồng/kg.

Do đó, hàng ngày, các tiểu thương phải chịu rất nhiều áp lực do bán hàng không có lãi vì phải nhập với giá cao. Bên cạnh đó, nhiều người dân liên tục phản ứng vì cho rằng tiểu thương "làm giá". Do đó, số lượng lớn tiểu thương đã bỏ chợ, số khác chấp nhận bán không có lãi để duy trì công việc. Thậm chí phải vừa bán vừa "giải thích" nhằm xoa dịu sự nghi ngờ của người dân.

Anh Tuấn, một tiểu thương chợ Nghĩa Tân cho hay, nếu tình trạng trên tiếp diễn, đời sống cả dân lẫn tiểu thương sẽ rất khó khăn. Theo đó, anh Tuấn cho rằng, nguyên nhân của sự hiểu lầm phần lớn xuất phát từ thông tin bộ ngành đưa ra thiếu thực tế.

"Nếu biết nguồn cung thiếu sao các bộ luôn nhấn mạnh từ "sẽ" giảm xuống mức này mức nọ mà sao không nghe giá hiện tại từ dân". Hiện tại, chúng tôi chỉ mong muốn làm sao giá bình ổn trên mọi phương diện, đừng có kiểu chỉ đạo một đằng nhưng thực tế một nẻo.

Những tiểu thương như chúng tôi, hằng ngày đã phải lo chuyện kinh tế cho gia đình, tính toán, thức khuya dậy sớm rất mệt mỏi lại luôn bị người dân châm chỉa kiểu như "bán đắt, lãi nhiều, tự động lên giá…". Trong lúc bán hàng, chúng tôi phải rất giữ bình tĩnh nếu không sẽ xảy ra tình trạng cãi vã liên tục", anh Tuấn bày tỏ.

Giá lợn quá cao, tiểu thương vừa bán vừa “giải thích” - Ảnh 2.

Dự kiến sang năm 2021, nếu tái đàn thành công số lượng lợn mới trở về như lúc chưa có dịch

Tương tự, chị Liêm một tiểu thương khác cũng chia sẻ, từ ngày ti vi thông báo các công ty lớn bán giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg, việc bán hàng gặp vô vàn khó khăn bởi người dân vẫn suy nghĩ đấy là mức giá thực tế, việc giá lợn cao là do người bán ngụy biện để có cớ nâng giá.

"Có nhiều người không ngần ngại chửi thẳng mặt chúng tôi mặc dù chúng tôi có giải thích. Nên tôi cần đưa ra thông tin chính xác", chị Liêm than thở.

Mới đây, trong cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức, giải thích về tình trạng giá thịt lợn "leo thang", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, nguyên nhân của tình trạng trên là do vấn đề cung cầu.

Hiện tại, nguồn cung đang rất thiếu, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT trong giai đoạn từ 2018 đến 2019 đã thiếu khoảng 20 đến 21% tổng đàn lợn và cũng như sản lượng thịt cung cấp cho thị trường. Đến ba tháng đầu năm 2020, đàn lợn tiếp tục lại thiếu hơn 20% so với 3 tháng đầu năm 2019.

Để ứng phó tình trạng thiếu nguồn cung, theo ông Hải, vấn đề cốt yếu là phải tái đàn. Theo đó, đây là biện pháp tối ưu, cơ bản, bền vững nhất và cũng tạo công ăn việc làm cho người nông dân, người chăn nuôi. Tuy nhiên, ông Hải cũng cần lưu ý, hoạt động này không thể bù đắp được lượng thiếu ngay lập tức.

"Theo tính toán, nhất là các địa phương và doanh nghiệp chúng tôi đã hỏi trực tiếp họ bảo sớm nhất là phải hết năm 2020, nếu không có gì đột biến thì số lượng lợn cung cấp mới có thể tương đương với thời gian trước khi có dịch. Như vậy, từ nay đến cuối năm, nguồn cung chắc chắn thiếu", ông Hải cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem