Giá thủy sản “lao dốc”, tôm hùm rẻ hơn lúc “giải cứu”

06/04/2020 06:00 GMT+7
Hiện tại, giá tôm hùm baby (loại 0,3-0,4 kg/con) sống giảm còn 269.000 đồng/con. Trong khi đó, giá loại tôm này thời điểm "giải cứu" giữa tháng 2 là 333.000 đồng/con.

Hiện nay, tại các cửa hàng thủy hải sản tại một số quận trên địa bàn Hà Nội như Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm,… các mặt hàng như tôm hùm, ốc hương, cá lăng, mực nháy,… có số lượng bán ra giảm.

Theo chia sẻ của một chủ hàng hải sản, khi có lệnh cách ly toàn xã hội, cơ sở này chuyển sang kinh doanh lẩu hải sản mang về với khoảng từ giá 1 đến 2,8 triệu đồng.

Cũng theo chia sẻ của chủ hàng này, hiện tại, giá tôm hùm baby (loại 0,3-0,4 kg/con) sống giảm còn 269.000 đồng/con. Trong khi đó, giá loại tôm này thời điểm "giải cứu" giữa tháng 2 là 333.000 đồng/con. 

Theo đó, hiện tại, giá 1 kg tôm hùm baby sống rẻ hơn cách đây gần 2 tháng xấp xỉ 200.000 đồng. Ngoài ra, giá chế biến sẵn tôm hùm baby mua mang về cũng được điều chỉnh từ 383.000 đồng/con xuống 319.000 đồng/con.

Dịch Covid – 19: Giá thủy sản “lao dốc”, tôm hùm rẻ hơn lúc “giải cứu” - Ảnh 1.

Giá tôm hùm hiện tại đã rẻ hơn rất nhiều so với thời điểm cần "giải cứu".

Tại một điểm bán khác tại quận Hoàng Mai, giá tôm hùm baby loại 1 kg 3 con đã giảm từ 830.000 đồng/kg xuống còn 700.000 đồng/kg sau hơn 1 tháng. Chủ hàng cho biết giá giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Không chỉ tôm hùm, các mặt hàng thủy, hải sản tươi sống khác cũng giảm từ 30% giá bán so với thời điểm giữa tháng 2. Tại các cơ sở kinh doanh, tôm hùm Alaska loại 1-3 kg/con mua sống mang về có giá 1,05-1,25 triệu đồng/kg, cua Alaska loại 2,5-3,5 kg/con dao động 1,7-2 triệu đồng/kg.

Cá tầm mua sống mang về có giá 240.000-270.000 đồng/kg, tôm sú 370.000-450.000 đồng/kg, cua thịt và ghẹ mua 500.000-580.000 đồng/kg, sò huyết to loại 70-80 con/kg giá dao động 240.000-280.000 đồng/kg.

Nói về tình trạng trên bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện tại, nguồn cung thủy hải sản hiện nay rất dồi dào. Lãnh đạo Sở Công Thương đề nghị người dân thủ đô tiêu thụ giúp các doanh nghiệp mặt hàng như cá hồi, ngao, hàu và các loại thủy sản khác do xuất khẩu đi các nước gặp khó khăn.

"Hiện nay xuất khẩu kém, các nhà hàng, khách sạn nghỉ nên giá thuỷ, hải sản hầu hết giảm 30-50%. Người dân tiêu thụ các sản phẩm này là giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn", bà Lan cho hay.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tỷ lệ đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn khoảng 20-40%, bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy là 20-30%.

Theo thống kê từ Vasep, đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid - 19, các đơn hàng xuất khẩu đã ký bị khách yêu cầu cầu tạm hoãn khoảng 20 - 40%. Ngoài ra, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy ở mức 20 - 30%.

Trong đó, các thị trường có yêu cầu hoãn, hủy đơn hàng nhiều nhất là EU, Hàn Quốc và Trung Quốc (từ tháng 3, Trung Quốc bắt đầu có dần các đơn hàng trở lại); con số này ít hơn ở các thị trường Nhật, Mỹ, Nga.

Về việc ký kết các đơn hàng mới cũng rất khó khăn, đặc biệt tại các nhóm thị trường chính như Mỹ, Nhật, EU... Nhiều DN vừa và nhỏ gần như không có các đơn hàng mới trong quý II, quý III, một số doanh nghiệp khác có được đơn hàng mới nhưng không nhiều.

Theo nhận định của giới chuyên môn, hiện tại, việc các đơn hàng bị hoãn, hủy và không có các đơn hàng mới khiến kho lạnh của DN đã bị đầy và tạm thời ngưng mua nguyên liệu. Tuy nhiên, người nuôi lo sợ giá tiếp tục giảm nên thu hoạch sớm khiến giá tôm, cá tra nguyên liệu "lao dốc không phanh".

Thanh Phong
Cùng chuyên mục