Giá tiêu giảm mãi không chịu tăng: Lỗi do chính nông dân?

Thứ hai, ngày 26/06/2017 19:10 PM (GMT+7)
Nông dân không nên bán hồ tiêu ở mức giá dưới 80.000 đồng/kg, đây là giải pháp trước mắt, cũng là lời khuyên được ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Viêt Nam (VPA) đưa ra nhằm “hãm đà lao dốc” của giá hồ tiêu thế giới khi trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0

img

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Viêt Nam (VPA). Ảnh: Quang Vũ

Những tháng đầu năm nay, giá hồ tiêu liên tục giảm sâu, có lúc xuống mức dưới 75.000 đồng/kg, ông đánh giá như thế nào về thực tế này?

- 5 tháng đầu năm nay, hồ tiêu Việt Nam đã có lượng xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước đến 13%, tức là đã bán được 101.000 tấn, tương đương với kim ngạch 600 triệu đô la. Tuy lượng tăng nhưng mức thu nhập lại giảm xuống 30% so với những năm trước do giá hồ tiêu xuống thấp. Nguyên nhân trước hết là do sản lượng hồ tiêu của Việt Nam những năm gần đây tăng mạnh.

Khi mà cung vượt cầu quá lớn thì chắc chắn giá cả sẽ phải giảm. Hơn nữa, khi giá hồ tiêu thế giới đang đà giảm thì Việt Nam lại bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tâm lý của người nông dân bao giờ cũng nghĩ rằng phải đẩy nhanh việc bán sản phẩm để bảo đảm bù lại toàn bộ chi phí bỏ ra, tức là không phải chịu lỗ, còn sau đó mới tính đến lãi. Ồ ạt bán ra cũng là một yếu tố làm cho giá cả hồ tiêu “lao dốc không phanh”.

Thực tế Việt Nam có sản lượng hồ tiêu năm 2016 đạt mức cao nhất thế giới với trên 193.000 tấn, chiếm gần 42% sản lượng hồ tiêu thế giới, vậy sao chúng ta vẫn bị chi phối nhiều bởi thị trường bên ngoài?

- Khoa học và thực tế đã chứng minh, bất cứ một nước nào, loại sản phẩm hàng hóa nào chỉ cần chiếm 30% sản lượng toàn thế giới đã có thể điều tiết được giá cả toàn cầu. Thế nhưng hồ tiêu Việt Nam đã chiếm gần 42%, năm 2017 dự kiến khoảng 60% sản lượng thế giới nhưng vẫn không thể làm chủ được thị trường là do nhiều yếu tố. Trong đó, một yếu tố theo tôi cũng khá quan trọng đó là do nông dân chúng ta “tự đẩy mình vào thế bất lợi” khi ồ ạt bán hồ tiêu vào những thời điểm “nhạy cảm”.

Nhiều năm trước khi giá hồ tiêu xuống thấp thì nông dân chúng ta không bán, giá lên mới bán do sản lượng ít. Nhưng hiện nay, một phần do sản lượng quá lớn, do chưa nhận định đúng nên bà con bán tháo sản phẩm làm cho giá bị đẩy xuống.

Vậy có cách nào để chúng ta có thể kiểm soát được thị trường hồ tiêu quốc tế?

- Việt Nam hoàn toàn có thể chi phối được giá cả hồ tiêu toàn thế giới. Điều này cần có sự thống nhất từ nhận thức đến hành động, sự chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ, vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và người sản xuất. Thực tế thì đến nay, Việt Nam chưa có được đơn vị, tổ chức nào là “đầu tàu” đứng ra chịu trách nhiệm dự báo, thông báo, kêu gọi nông dân ở mức giá như thế nào nên bán, mức giá thế nào nên dừng lại. Vai trò của Hiệp hội cũng chưa thật sự được xem trọng.

Để khắc phục điều này, với vai trò của mình, chúng tôi khuyên nông dân, bất cứ vì lí do nào, thời điểm nào cũng không nên bán hồ tiêu dưới mức giá 80.000 đồng/kg thì ắt sẽ chi phối được thị trường các nước khác. Hiệp hội cũng đang tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế để điều tiết, dự báo thị trường. Đặc biệt, những năm gần đây, Việt Nam đã chính thức có cán bộ làm việc tại Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế đặt trụ sở tại Indonesia. Chính phủ Việt Nam và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đang đề nghị được chuyển văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế về Việt Nam bởi chúng ta có sản lượng cao bậc nhất thế giới.

img

Người dân chăm sóc hồ tiêu. (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh giải pháp mang tính tạm thời là “ghim” giá mức từ 80.000 đồng/kg trở lên, để sản xuất hồ tiêu an toàn, nâng cao giá trị còn cần chú trọng vào những vấn đề nào khác?

- Đúng vậy, nâng cao giá trị hồ tiêu là cả một “bài toán khó” nhưng không phải không có cách giải quyết. Cách giải quyết ở đây không có con đường nào khác ngoài sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn, bền vững. Hồ tiêu là gia vị sử dụng trực tiếp nên nếu có các yếu tố độc hại thì dễ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Từ năm 2015, các nước khu vực châu Âu, nơi tiêu dùng hồ tiêu lớn nhất đã siết chặt việc quản lý dư lượng thuốc trừ sâu trên nông sản, trong đó có hồ tiêu Việt Nam. Qua đó, đã phát hiện ra Carbendazim mà một chất chống nấm, mốc có tỷ lệ tăng dần so với những năm 2014 trở về trước. Đây là chất có thể gây ung thư cho người. Từ thực trạng này, Hiệp hội Gia vị châu Âu đã kiến nghị các chính phủ không cho phép nhập khẩu các sản phẩm có nhiễm chất này. Một số lô hàng của Việt Nam cũng đã phát hiện có dư lượng các hóa chất vượt mức quy định và bị trả lại.

Qua tìm hiểu của Hiệp hội cũng như các ngành chức năng thì chất Carbendazim vốn được nhà nông Việt Nam sử dụng phun qua lá trong giai đoạn ra trái. Nhưng vì sao khi bán vẫn có, vì nhiều người đã sử dụng lúc bảo quản trong kho, bãi để tránh ẩm, mốc. Một nguyên nhân khác là trước đây thì chất này không nằm trong danh mục cấm nhưng hiện nay Bộ NNPTNT đã cấm sử dụng nên sắp tới tình hình sẽ được cải thiện.

Ông nghĩ như thế nào về việc Bộ NNPTNT chuẩn bị cấp mã số vùng trồng hồ tiêu Việt Nam?

- Hoạt động này đúng là một việc làm hết sức cần thiết, giải quyết được sự bức bách cho phát triển hồ tiêu bền vững của Việt Nam. Bởi xu hướng chung của người tiêu dùng thông minh toàn thế giới là sản xuất ra những sản phẩm tốt cho sức khỏe. Trong đó chú ý đến việc truy xuất nguồn gốc ở tất cả mọi khâu sản xuất từ đất, nước, giống, phân bón, đóng gói, sức khỏe nhà nông…

Nếu như Việt Nam vẫn sản xuất theo kiểu đại trà, nông sản không có nguồn gốc, không chỉ dẫn địa lý rõ ràng thì mãi sẽ phải xuất thô, không thể xâm nhập vào các thị trường khó tính, sức mua và giá mua cao. Nếu sản xuất theo vùng có mã rõ ràng cũng là một thuận lợi khi thu hút doanh nghiệp liên kết với nông dân, xây dựng nhà máy chế biến, bao tiêu sản phẩm.

Hồng Thoan (Báo Đăk Nông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem