Giá tiêu hôm nay 10/4: Có thể lên 100.000 đồng/kg được không, vì sao nên để cỏ um tùm trong vườn tiêu?

Thiên Ngân Thứ bảy, ngày 10/04/2021 18:48 PM (GMT+7)
Giá tiêu hôm nay 10/4 tại các vùng nguyên liệu tiếp tục giảm nhẹ 500 đồng/kg, dao động từ 70.000 - 74.000 đồng/kg. Đà giảm kéo dài khiến nhiều người tiếc hùi hụi vì không bán tiêu lúc giá lên 80.000 đồng/kg. Đáng chú ý, trước đó có chuyên gia cho rằng, giá tiêu năm nay có thể tăng tới 100.000 đồng/kg vì sản lượng giảm mạnh.
Bình luận 0

Giá tiêu khó tăng lên 100.000 đồng/kg?

Theo ghi nhận của PV, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai và Đồng Nai cùng ở mức 70.000 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay 10/4 tại Đắk Lắk, Đắk Nông giảm 500 đồng/kg còn 72.000 đồng/kg. 

Giá tiêu hôm nay tại Bình Phước hiện đạt 73.000 đồng/kg, còn ở Bà Rịa - Vũng Tàu giữ nguyên mức 74.000 đồng/kg. 

Thị trường hạt tiêu trong nước 2 tuần gần đây khá trầm lắng, do giá tiêu giảm từ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với mức giá cao kỷ lục hồi tháng 3. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm 2020, giá tiêu hiện nay vẫn cao hơn gấp đôi (chỉ đạt 35.000 - 37.000 đồng/kg). 

Giá tiêu hôm nay 10/4: Có thể lên 100.000 đồng/kg được không, vì sao nên để cỏ um tùm trong vườn tiêu? - Ảnh 1.

Nông dân Gia Lai thu hoạch tiêu. Hiện giá tiêu tại Gia Lai được thu mua ở mức 70.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng/kg so với đầu vụ thu hoạch. Ảnh: Trần Hiền

Trước đó, một số ý kiến nhận định giá tiêu năm nay sẽ tăng cao, thậm chí có thể lên tới 100.000 đồng/kg do sản lượng giảm mạnh. Điều này khiến nhiều hộ nông dân thu hoạch tiêu xong chỉ bán đi một phần để trang trải chi phí nhân công, phân thuốc, còn hầu hết trữ lại chờ giá cao. 

Theo một số nông dân ở Đắk Lắk, dù giá tiêu vẫn đang ở mức tốt, nhưng vụ năm nay sản lượng bị giảm mạnh, thậm chí có nơi giảm đến 30-40%. Thêm vào đó, bệnh hại trên cây tiêu chưa được xử lý triệt để cũng làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng vườn tiêu.

Thực tế, lượng tiêu vụ mới bung ra thị trường chưa nhiều. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, giá tiêu khó có thể tăng lên tới 100.000 đồng/kg do nhu cầu thị trường không có đột biến. Đợt giá tiêu tăng cao bất thường thời gian qua cũng gần tương tự đợt giá hồ tiêu tăng phi mã đầu năm 2015. 

Từ chỗ 160.000 đồng/kg, giá tiêu thời điểm đó nhanh chóng tăng lên 180.000 đồng/kg chỉ trong 3 tuần và lên tới đỉnh điểm 210.000 đồng/kg. Sau đó, giá quay đầu, giảm dần xuống 150.000 rồi 100.000 đồng/kg. 

Trao đổi với PV, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh cho biết, đến bây giờ vẫn còn nhiều người "ôm" hàng chục tấn tiêu từ thời giá cao.

Mùa thu hoạch tiêu dự kiến cuối tháng 4 sẽ kết thúc. Lúc đó sản lượng tiêu tăng lên, cộng thêm lượng hồ tiêu từ Campuchia, Indonesia và hàng tồn kho thì giá tiêu có thể sẽ không còn được như bây giờ nữa. Bởi thực tế, mặt hàng này không hề thiếu so với nhu cầu thế giới. Theo đó, giá tiêu càng khó có thể tăng lên 100.000 đồng/kg như một số dự đoán. 

Vì sao nên "nuôi" cỏ trong vườn tiêu?

3 năm qua, giá tiêu liên tục ở mức thấp khiến nhiều người chán nản chặt bỏ, hoặc không còn vốn đầu tư nên bỏ bê không chăm sóc vườn. Nhưng bằng những cách khác nhau, nhiều nông dân không những giữ lại được vườn hồ tiêu mà còn tạo ra năng suất lớn.

Giá tiêu hôm nay 10/4: Có thể lên 100.000 đồng/kg được không, vì sao nên để cỏ um tùm trong vườn tiêu? - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Dũng, ở thôn 6, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp - Đắk Nông) trồng cỏ lạc trong vườn tiêu.

Anh Phạm Quang Chung ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước) cho biết, sản lượng hạt tiêu Bình Phước cũng như cả nước năm nay sẽ sụt giảm. Đây cũng là điều đã được dự báo trước. Riêng với 2ha hồ tiêu trồng theo hướng hữu cơ của mình, anh Chung cho biết vụ này vẫn được mùa. "Vụ trước chỉ thu 4,5 tấn, vụ này dự kiến đạt khoảng 6 tấn" - anh Chung nói.

Là giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ trên địa bàn xã, những kinh nghiệm và hiệu quả của cách làm làm hữu cơ, sinh thái lại được anh Chung chia sẻ cho các xã viên khác. Nhất là với những bà con đang chăn nuôi dê kết hợp trồng tiêu, không những giữ được vườn tiêu mà còn tạo ra năng suất tiêu dài lâu.

Một trong những biện pháp, đó là trồng cỏ lạc tiên trong vườn tiêu. Lớp cỏ này giúp chống xói mòn và giữ ẩm cho đất. Sau khi cắt, lớp cỏ lạc này vừa bổ sung mùn hữu cơ cho vườn tiêu vừa làm thức ăn nuôi dê. "Nguồn phân thải từ chuồng dê lại được ủ hoai mục để bón ngược lại cho vườn tiêu, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất" - anh Chung chia sẻ.

Giá tiêu hôm nay 10/4: Có thể lên 100.000 đồng/kg được không, vì sao nên để cỏ um tùm trong vườn tiêu? - Ảnh 4.

Trồng cây lạc dại trong vườn hồ tiêu mang lại rất nhiều lợi ích.

Còn ông Nguyễn Văn Dũng, ở thôn 6, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp - Đắk Nông) cho biết, cây lạc dại rất dễ trồng, chỉ cần trồng quanh trụ tiêu và có thể ủ vào gốc tiêu để giữ ẩm, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây tiêu. Việc trồng cây lạc dại có một số tác dụng khác như: Tổng hợp chất dinh dưỡng, giúp chuyển đổi đạm khó hấp thu thành đạm dễ hấp thu cung cấp lại cho cây tiêu. Hạn chế cỏ dại, đỡ tốn công làm cỏ và sử dụng thuốc hóa học. 

Vào mùa nắng lạc dại giữ được độ ẩm cho đất, giúp giảm chi phí tưới nước; vào mùa mưa thì giúp chống xói mòn đất rất hiệu quả.

Ông Dũng cho biết: "Từ khi trồng cây lạc dại trong vườn tiêu, cây tiêu lúc nào cũng xanh tốt và hầu như không xuất hiện bệnh dịch. Chỉ 1 ha tiêu nhưng năm nào gia đình cũng thu về khoảng 5 tấn tiêu hạt. Thấy cách làm này hiệu quả nên nhiều hộ cũng đang học theo mua lạc dại về trồng trong vườn tiêu, cà phê".

Tác dụng "thần kỳ" của cây lạc dại

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, trồng cây lạc dại trong vườn hồ tiêu mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân. Bởi cây lạc dại không hút chất dinh dưỡng và không gây tuyến trùng cho các loại cây ăn trái, cây công nghiệp như nhiều người nghĩ. Trái lại, cây lạc dại cải tạo đất rất tốt, tăng khả năng chống chọi sâu bệnh cho cây hồ tiêu lên nhiều lần.

Người dân nên quan tâm đến hệ sinh thái xanh này bởi rễ cây lạc dại tiết ra nhiều axít sinh học làm cho các đối tượng nấm hại trong đất giảm mật độ, giúp vườn hồ tiêu phát triển ổn định.

Sau khi trồng khoảng 1 năm, cây lạc dại đã phát triển xanh tốt, người trồng tiêu có thể cắt rồi ủ vào gốc tiêu để giữ độ ẩm và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây hồ tiêu. Đặc tính của cây lạc dại là khi cắt vẫn tiếp tục tái sinh và phát triển bình thường. Mô hình trồng xen lạc dại trong vườn hồ tiêu được xem là mô hình tốt, không chỉ phù hợp với vườn tiêu mà cả các cây trồng khác.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem