Giá tiêu hôm nay 16/3: Biến động từng ngày lên 75.000 đồng/kg, nông dân nói điều bất ngờ!

Trần Khánh Thứ ba, ngày 16/03/2021 06:00 AM (GMT+7)
Giá tiêu hôm nay tại một số đại lý thu mua ở Bình Phước ghi nhận mức cao nhất đã đạt từ 74.500-75.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều người trồng tiêu cho biết, họ chưa muốn bán ra mà quyết định giữ lại, vì giá tiêu hiện nay chưa đủ lời để tái sản xuất sau nhiều năm họ lao khổ vì giá tiêu.
Bình luận 0

Giá tiêu tăng lên ngoài 100.000 đồng/kg mới bán!

Cập nhật giá tiêu hôm nay tại các huyện có trồng tiêu lớn trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giá tiêu phần lớn dao động ở mức 69.000-72.000 đồng/kg. Cá biệt, trong ngày hôm qua 15/3, giá tiêu đã được một số đại lý thu mua ở huyện Bù Gia Mập trả ở mức 74.500 lên đồng/kg. 

Mức giá tiêu hôm nay cao nhất thuộc về huyện Bù Đốp, đạt 75.000 đồng/kg.

Giá tiêu tăng cao và biến động từng ngày, tuy nhiên, nhiều người dân trồng tiêu vẫn chưa muốn bán ra mà quyết định giữ lại để chờ hồ tiêu tăng giá thêm.

Ông Trần Văn Tuân, sở hữu 6ha hồ tiêu ở xã Tân Tiến (huyện Bù Đốp) đang cho thu hoạch từ 3 năm nay. Nhờ chăm sóc tốt, 6ha hồ tiêu này của ông Tuân luôn cho năng suất khá, từ 2 -2,5 kg tiêu khô trên mỗi trụ tiêu.

Người dân Bình Phước phơi tiêu vừa thu hoạch xong

Người dân Bình Phước phơi tiêu vừa thu hoạch xong nhưng bà con chưa muốn bán ngày mà đợi giá tiêu tăng cao hơn nữa, đạt 100.000 đồng/kg mới bán.

Thấy diễn biến giá tiêu tăng lên từng ngày, nhưng ông Tuấn cho biết chưa bán ra mà tiếp tục trữ hàng chờ đợi. Theo ông, giá tiêu bán từ 65.000-70.000 đồng/kg, thì nông dân đã có lời nhưng ít.

Theo tính toán của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), bình quân giá thành sản xuất 1kg hồ tiêu ở Tây Nguyên là 45.000 đồng/kg, còn ở Đông Nam Bộ là 49.000 đồng/kg.

"Nếu cân đối hết các khoản đã đầu tư, cũng như nỗ lực giữ vườn xanh tốt trong suốt thời gian dài giá tiêu ảm đạm thì có bán hết tiêu, vẫn chưa được lời mấy" - ông Tuân nói.

Nông dân trồng tiêu Phạm Văn Lý ở xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp), cũng có cùng suy nghĩ khi chưa muốn bán tiêu lúc này. Theo ông Lý, giá tiêu phải ở mức từ 130.000-150.000 đồng/kg thì nông dân mới có lãi.

Khoản lãi này không đơn thuần chỉ là lấy giá bán trừ đi chi phí giá thành, mà còn phải phải đảm bảo cho nông dân duy trì được nguồn vốn để tái sản xuất, và đảm bảo được cuộc sống gia đình.

"Nếu giá tiêu vẫn giữ ở mức như hiện nay mà không tăng thêm, gia đình vẫn trữ lại và tính toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi hợp lý", ông Lý cho biết.

Giá tiêu Bình Phước đã tăng lên 75.000 đồng/kg

Giá tiêu Bình Phước đã tăng lên 75.000 đồng/kg

Trên địa bàn xã Hưng Phước cũng thuộc huyện Bù Đốp, HTX hồ tiêu sạch bền vững Hưng Phước hiện có 73 thành viên, với diện tích canh tác 100ha hồ tiêu.

Mùa vụ năm nay, HTX Hưng Phước dự kiến thu hoạch khoảng 150 tấn tiêu, chỉ đạt khoảng 30-40% so với sản lượng những năm trước đó.

Theo ông Bùi Quốc Hay, Giám đốc HTX tiêu bền vững Hưng Phước, với giá tiêu như hiện nay, hầu hết các thành viên đều trữ tiêu lại, chờ đến khi giá hợp lý, người trồng thực sự có lợi nhuận mới bán.

Giá tiêu hôm nay tăng cao, nhưng vẫn chưa đủ bù chi

Huyện Xuân Lộc hiện có hơn 3.540ha hồ tiêu, cũng là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn của tỉnh Đồng Nai. Giá tiêu tăng cao những ngày gần đây khiến nhiều nông dân ở huyện Xuân Lộc thu hoạch hồ tiêu với tâm trạng phấn khởi hơn so với những mùa vụ gần đây.

Hiện nay, giá tiêu đang được nông dân cân bán với giá từ 69.000-70.000 đồng/kg, cao hơn 25.000-30.000 đồng/kg so với cùng thời điểm giá của những năm trước. 

Chủ vườn tiêu ở Đồng Nai tự thu hoạch tiêu trong vườn vì giá nhân công tăng cao

Chủ vườn tiêu ở Đồng Nai tự thu hoạch tiêu trong vườn vì giá nhân công tăng cao

Giá tiêu hôm nay tăng và dự báo còn tăng nữa đã khiến bà con nông dân khấp khởi nuôi lại hi vọng có nguồn thu tốt hơn từ cây tiêu - loài cây từng được ví là "vàng đen" một thời. Nhưng nhiều hộ trồng tiêu đến giờ vẫn giữ tiêu lại, chưa bán ra.

Ở xã Xuân Thọ, ông Tạ Duy Thăng đang sở hữu vườn tiêu 8 năm tuổi với diện tích trên 0,5ha. Ông Thăng kể, xã Xuân Thọ từng là "thủ phủ" hồ tiêu của huyện Xuân Lộc với diện tích hơn 800ha.

Khi giá tiêu tuột dốc, đời sống khó khăn, nhiều nông dân phải chặt bỏ hồ tiêu, thay thế bằng các loại cây ăn trái khác để cứu vãn kinh tế gia đình. Nhiều cánh đồng hồ tiêu bạt, ngàn trù phú khi xưa, nay đã trở nên xơ xác, tiêu điều.

Do giá tiêu rớt xuống quá thấp suốt 4 năm qua, nhiều nông dân không còn mặn mà chăm sóc; năng suất vườn tiêu giảm thấp, bình quân chỉ từ 1,8-2 tấn/ha. 

Chỉ số ít vườn tiêu được đầu tư bài bản hoặc duy trì chế độ chăm sóc đúng kỹ thuật mới duy trì được năng suất từ 2,8-3 tấn/ha.

Nhiều nông dân trữ tiêu lại vì vì giá bán chưa đủ bù chi và tái sản xuất vụ sau

Nhiều nông dân trữ tiêu lại vì vì giá bán chưa đủ bù chi và tái sản xuất vụ sau

Chưa kể chi phí vật tư như phân thuốc tăng cao, giá nhân công thu hái cũng tăng theo, càng gia tăng thêm áp lực cho chủ vườn. Vào vụ hái, nhiều chủ vườn hoặc bỏ phế vườn tiêu, hoặc thuê công hái theo kiểu ăn chia.

Vườn tiêu nào có năng suất khá, người đi hái thuê được hưởng từ 50-70% sản lượng, số còn lại chia cho chủ vườn. Vườn nào năng suất thấp quá, nhân công chê, chẳng buồn hái vì có bán sạch số tiêu hái được trong ngày cũng không đủ trả tiền cho họ.

Khi giá tiêu ở ngưỡng trên dưới 50.000 đồng/kg, ông Thăng thuê 2 công, hái trong vòng 1 ngày hết 500.000 đồng. Họ hái được tầm 10 kg tiêu khô, đem bán ra được 500.000 đồng. Thế là trả hết tiền cho công hái, chủ vườn chẳng còn lại gì. 

"Đến mấy hôm nay, giá tiêu tăng lên mức 65.000-70.000 đồng/kg, mừng thì có nhưng bán tiêu ra thì chưa được mấy người. Đi qua mấy mùa tiêu lao tâm khổ tứ, không khó để giải thích vì sao nhiều người vẫn chần chừ giữ tiêu lại mà chưa muốn bán ra", ông Thăng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem