Giá vàng tăng vọt: Một cá nhân nợ lãi hơn 2.000 chỉ vàng SJC, ngân hàng rục rịch rao bán

Huyền Anh Thứ tư, ngày 02/03/2022 11:19 AM (GMT+7)
Công ty quản lý nợ Agribank mới đây đã thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của ông Trần Anh T. tại Agribank Chi nhánh TP.HCM theo Hợp đồng tín dụng đã ký năm 2008. Trong đó, nợ lãi bao gồm hàng nghìn chỉ vàng SJC.
Bình luận 0

Căng thẳng quanh vấn đề Nga – Ukraine đã liên tục kéo giá vàng đi lên vài ngày gần đây. Chốt phiên giao dịch đêm qua 1/3 (giờ Việt Nam), mỗi ounce vàng thế giới giao ngay tăng 36,6 USD lên 1.945 USD. Trong phiên, giá có thời điểm chạm 1.950 USD. 

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng trong nước sáng nay cũng bật tăng, lấy lại mốc cao nhất lịch sử khi neo trên mức 67 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng tăng vọt: Một cá nhân nợ lãi hơn 2.000 chỉ vàng SJC, ngân hàng rục rịch rao bán - Ảnh 1.

Giữa lúc căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, giá vàng tăng nóng, một cá nhân nợ lãi ngân hàng hơn 2.000 chỉ vàng SJC.

Giữa lúc căng thẳng Nga – Ukraine leo thang, giá vàng tăng nóng, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank AMC LTD) ra thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của cá nhân, trong đó nợ lãi lên tới hàng nghìn chỉ vàng SJC.

Cụ thể, giá trị ghi sổ khoản nợ của ông Trần Anh T. tại Agribank Chi nhánh TP.HCM theo các hợp đồng tín dụng số phát sinh vào năm 2008 tạm tính đến ngày 20/09/2021 là hơn 78,1 tỷ đồng, trong đó, dư nợ gốc là gần 31,8 tỷ đồng.

Nợ lãi gồm 2.095,20 chỉ vàng SJC và 34,6 tỷ đồng. Nếu ước tính tỷ giá vàng hạch toán ngày 20/9/2021 là 5,6 triệu đồng/chỉ vàng SJC, nợ lãi của ông T. lên đến hơn 46,3 tỷ đồng. Tiền lãi tiếp tục phát sinh kể từ ngày 20/9/2021 cho đến khi ông T. thanh toán hết nợ gốc tiền vay tại Agribank.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ trên bao gồm 2 căn nhà tại Quận 1, TP.HCM, có diện tích đất lần lượt là 91m2 và hơn 98m2. Ngoài ra còn có một căn nhà tại Quận 9, TP.HCM với tổng diện tích sử dụng 114,5 m2 và diện tích đất 786,1 m2.

Giá khởi điểm đấu giá khoản nợ là gần 51,5 tỷ đồng. Mức giá trên chưa bao gồm các loại thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Giá vàng tăng vọt: Một cá nhân nợ lãi hơn 2.000 chỉ vàng SJC, ngân hàng rục rịch rao bán - Ảnh 2.

Thông tin rao bán khoản nợ của cá nhân, gồm nợ lãi hơn 2.000 chỉ vàng SJC. (Nguồn: Agribank)

Theo ngân hàng Agribank, đấu giá là một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp được xem là tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn khi xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ. Song đây cũng là giai đoạn cuối cùng và khó khăn nhất trong hoạt động tín dụng của ngân hàng.

Về nguyên tắc, khi khách hàng đặt quan hệ tín dụng với ngân hàng nếu vay có tài sản bảo đảm thì khách hàng phải ký hợp đồng thế chấp tài sản (có thể là thế chấp tài sản của bên thứ ba hoặc thế chấp tài sản của chính khách hàng vay) và khi khách hàng không trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản đã thế chấp để thu hồi nợ.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng tỏ ra lo lắng vì thiếu vắng sự hỗ trợ của hành lang pháp lý khiến nợ xấu khó giao bán và sẽ bật tăng mạnh nửa cuối năm nay.

Điển hình là việc Sàn giao dịch nợ xấu đã ra mắt được 4 tháng và nợ xấu các ngân hàng đã sẵn sàng, nhưng các tổ chức tín dụng và VAMC vẫn chưa thể hiện thực hóa mua bán trên sàn.

"Sàn thành lập rồi, nghĩa là đã có chợ rồi, nhưng chưa có hành lang pháp lý. Hiện chưa có hướng dẫn về thẩm định giá trị khoản nợ, kế thừa nợ xấu, quy định về quyền chủ nợ…, nên việc bán nợ trên sàn rất khó khăn. Cần nhanh chóng rà soát, ban hành các hành lang pháp lý để VAMC và các tổ chức tín dụng có thể bán nợ trên sàn. Châu Âu đã giảm nợ xấu rất nhanh nhờ giải pháp bán nợ, tôi hy vọng Việt Nam cũng sẽ sớm như vậy", ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 09/2015/TT-NHNN về mua bán nợ. Tuy nhiên, theo các ngân hàng thương mại, Dự thảo vẫn chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về cách thức xác định giá bán nợ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia đề nghị, Luật Xử lý nợ xấu tới đây phải xác định rõ vai trò các chủ thể tham gia quá trình xử lý nợ xấu, trong đó cần chi tiết, cụ thể hai nội dung là mua bán nợ xấu và chứng khoán hóa nợ xấu. Theo đó, với hoạt động mua nợ, các cơ quan liên quan phải hoàn thiện quy định về xây dựng thị trường mua bán nợ lành mạnh, thúc đẩy các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem