Giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp bán lẻ "kêu trời" vì "mua đắt, bán rẻ"

Duy Hậu Thứ năm, ngày 21/05/2020 11:00 AM (GMT+7)
Khi giá xăng dầu giảm, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk " kêu trời" vì thua lỗ do mua đắt - bán rẻ. Không chỉ thế, tình trạng thiếu xăng dầu để bán khiến họ thêm mối lo mất thêm một khoảng tiền phạt.
Bình luận 0

Mua đắt, bán rẻ

Ông Lê Văn Quý, chủ doanh nghiệp (DN) tư nhân Quý Điều (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) vừa đại diện cho hàng chục DN bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh gửi đơn lên Bộ, ngành trung ương và cơ quan chức năng địa phương phản ánh những khó khăn, bất cập trong kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp bán lẻ "kêu trời" - Ảnh 1.

Giá xăng dầu giảm mạnh khiến DN bán lẻ thua lỗ do mua đắt, bán rẻ.

Theo đó, từ đầu tháng 5/2020 đến nay, từ khi giá xăng dầu giảm mạnh, các đơn vị cung cấp xăng dầu đã cắt giảm tối đa hoa hồng. Không chỉ thế, giá xăng dầu mua vào cao hơn giá bán ra khiến DN bán lẻ rơi vào cảnh thua lỗ.

Ông Quý cho biết, trước đây, cứ đầu mỗi kỳ điều chỉnh giá (15 ngày), thương nhân phân phối vẫn chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ ở mức có lời và chỉ cắt giảm hoa hồng vào ít ngày cuối kỳ nên vẫn chấp nhận được. Tuy nhiên, thời gian gần đây DN cung cấp xăng dầu đã cắt giảm hoa hồng suốt cả chu kỳ điều chỉnh giá khiến đơn vị bán lẻ càng bán càng lỗ.

"Ngày 18/5, Nhà nước quy định giá bán xăng A95 là 12.470 đồng/lít, dầu 10.040 đồng/lít. Cũng trong ngày này, thương nhân phân phối là Công ty TNHH Nhiên liệu Xăng dầu Miền Nam thông báo giá xăng A95 giao tận nơi là 12.570 đồng/lít, còn giá dầu là 10.090 đồng/lít. Như vậy, giá xăng mua vào cao hơn bán ra 100 đồng/lít, còn giá dầu cao hơn 50 đồng/lít", ông Quý dẫn chứng.

Bà Võ Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phương Thương (thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) thì cho biết, trong những ngày qua, thương nhân phân phối này đã thông báo bằng tin nhắn cho bà thể hiện giá xăng nhập vào cao hơn giá bán ra theo quy định là 200 đồng/lít, còn dầu cao hơn 600 đồng/lít. "Trung bình mỗi ngày tôi bán 3.000 lít, chưa kể chi phí nhân công, điện nước đã phải bù lỗ nhiều triệu đồng. Nếu tình trạng này kéo dài, DN chỉ có nước đóng cửa" - bà Thanh nói.

Ngoài những phản án trên, đơn của các DN bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn cho biết, Nghị định 83 của Chính phủ quy định về hệ thống kinh doanh xăng dầu thì mỗi đại lý chỉ được ký hợp đồng với 1 thương nhân phân phối. Trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của các DN ghi rõ đơn vị cung ứng xăng dầu, nên khi muốn thay đổi đầu mối cung ứng DN lại phải làm lại các thủ tục như thanh lý hợp đồng, làm giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh… mất thời gian, tiền bạc. Đây là điều kiện để các thương nhân phân phối ép chiết khấu.

Thiếu xăng dầu Nhà nước sẽ can thiệp

Bên cạnh tình trạng mua đắt bán rẻ, các DN còn phản ánh tình trạng cung cấp không đủ số lượng xăng dầu theo đề nghị. Tình trạng này khiến nhiều DN bán lẻ thiếu hàng phải tạm dừng bán. Việc này còn khiến các DN thêm mối lo khác là bị cơ quan chức năng xử lý.

Giá xăng dầu giảm, doanh nghiệp bán lẻ "kêu trời" - Ảnh 2.

Các DN bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phản ánh tình trạng khan hiếm nguồn hàng.

Ông Quý cho biết, cả 3 cửa hàng xăng dầu của ông chỉ đủ hàng bán trong vài ba ngày tới. "Tôi đã liên hệ với thương nhân phân phối để mua dầu nhưng họ nói không có hàng. Tôi đang lo khi hết dầu, lại bị cơ quan nhà nước xử phạt" - ông Quý nói.

Còn theo bà Thanh từ khoảng 10 ngày nay DN của bà luôn trong tình trạng thiếu xăng dầu do thương nhân phân phối không cung ứng đủ. Hiện nay, mỗi lần DN của bà chỉ được cung ứng nhỏ giọt từ 1.000- 2.000 lít nên bán 1 ngày, tạm dừng 1 đến 2 ngày. Do ký hợp đồng cung cấp xăng dầu cho một hãng xe buýt nên bà Thanh buộc phải mua lại xăng dầu của cây xăng nhà nước để cung ứng, chấp nhận nhiều chi phí phát sinh.

Trả lời chúng tôi về vấn đề trên, ông Trần Quốc Thái- Giám đốc Công ty TNHH Nhiên liệu xăng dầu miền Nam- cho biết DN đang phân phối cho hơn 20 DN bán lẻ xăng dầu, nguồn hàng được lấy từ nhiều nhà nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Vũng Tàu (nhận hàng tại kho Vũng Rô) không có hàng. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hiện cũng không bán cho thương nhân phân phối mà chỉ bán cho hệ thống của họ.

Hiện DN lấy xăng dầu từ Tổng Công ty XNK Thanh Lễ Bình Dương nhưng số lượng cũng nhỏ giọt, nguồn hàng hạn chế nên thương nhân phân phối không đủ hàng để cung cấp cho DN bán lẻ.

Về việc chiết khấu hoa hồng âm cho đại lý bán lẻ, ông Thái cho biết tại kho xăng dầu ở Bình Dương, Thanh Lễ chiết khấu cho thương nhân phân phối 100 đồng/lít xăng và 200 đồng/lít dầu. Trong khi đó, chi phí vận chuyển từ Bình Dương lên Đắk Lắk mất 500 đồng/lít. Như vậy, 1 lít xăng dầu tới Đắk Lắk, thương nhân phân phối đã mất 300 đến 400 đồng. Không còn cách nào khác là thương nhân phân phối cùng DN bán lẻ phải chia khó khăn.

Theo ông Nguyễn Văn Nghiêm, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk, Sở cũng vừa nhận được đơn kiến nghị của các DN bán lẻ xăng dầu và đang xem xét giải quyết. Tuy nhiên, trong đơn các DN chủ yếu phản ánh về giá cả. Việc này do liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định, hơn nữa đơn cũng được gửi tới Bộ Công thương nên Sở cũng phải chờ chỉ đạo.

Về việc các DN không đủ nguồn hàng, ông Nghiêm cho biết, kể từ khi dịch bệnh, giá xăng dầu liên tục giảm, các thương nhân phân phối và DN bán lẻ nhập cầm chừng vì sợ lỗ nặng. Sở đã làm việc với Công ty Xăng dầu Nam Tây Nguyên, đơn vị khẳng định không sợ thiếu nguồn hàng, họ sẵn sàng đáp ứng nếu xảy ra tình trạng khan hiếm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem