Giá xăng dầu hôm nay 27/11: Dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp, động thái "nóng" với dầu Nga

Nguyễn Phương Chủ nhật, ngày 27/11/2022 09:12 AM (GMT+7)
Giá dầu thế giới khép lại tuần giao dịch giảm thứ 3 liên tiếp, do lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc và kế hoạch áp giá trần của phương Tây đối với dầu của Nga.
Bình luận 0

Áp lực suy thoái kinh tế và triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu tiêu cực khiến giá dầu thô tiếp tục có tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp, trong đó dầu Brent đã trượt về mức hơn 83 USD/thùng.

Giá xăng dầu hôm nay 27/11: Giá dầu thô có tuần lao dốc thứ 3 liên tiếp 

Sau khi giảm 2% phiên cuối tuần, một phiên có giá trị giao dịch thấp, giá dầu thế giới khép lại tuần giao dịch giảm thứ 3 liên tiếp, do lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc và kế hoạch áp giá trần của phương Tây đối với dầu của Nga.

Giá dầu đi xuống ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 21/11), thậm chí có lúc giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng, sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn được gọi là OPEC+, sẽ xem xét mức tăng sản lượng lên tới 500.000 thùng/ngày tại cuộc họp của OPEC+ vào ngày 4/12.

Tuy nhiên, đà giảm của giá dầu đã được hạn chế sau khi Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia khẳng định vương quốc này vẫn kiên trì với chính sách cắt giảm sản lượng và không thảo luận về khả năng tăng sản lượng dầu với các nhà sản xuất dầu khác.

Điểm sáng duy nhất của thị trường trong tuần này là phiên 22/11, khi thị trường hướng sự chú ý tới diễn biến nguồn cung từ OPEC+, giữa lúc các thành viên chủ chốt của nhóm như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait nhấn mạnh liên minh này hướng tới mục tiêu ổn định thị trường dầu mỏ, bác bỏ thông tin cho rằng đã có các cuộc thảo luận nhằm tăng sản lượng dầu mỏ tại cuộc họp sắp tới của OPEC+.

Thị trường “vàng đen” liên tiếp đi xuống trong 3 phiên giao dịch còn lại của tuần. Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) xem xét việc áp mức giá trần khoảng 65-70 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga, cao hơn mức giá thị trường hiện tại.

Theo giới quan sát, với các ước tính rằng chi phí sản xuất dầu tại Nga chỉ vào khoảng 20 USD/thùng, mức trần nêu trên vẫn sẽ mang lại lợi nhuận cho nước này và giúp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay vẫn chưa đạt đồng thuận về trần giá đối với dầu mỏ xuất khẩu của Nga. Một số nước cho rằng đề xuất mức trần 65-70 USD/thùng của G7 được xem là quá thấp, trong khi một số nước cho rằng quá cao.

Đối với Ba Lan, Lithuania và Estonia, mức trần như vậy sẽ khiến Nga có quá nhiều lợi nhuận, do chi phí sản xuất khoảng 20 USD/thùng. Về phía nguồn cung, các nước có các ngành vận tải biển lớn như Cyprus, Greece và Malta cho rằng mức đó là quá thấp.

Giá dầu đã giảm hai quý liên tiếp và cũng đang giảm trong quý IV năm nay. Mức giảm trong quý II và quý III là mạnh nhất kể từ đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/11, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,71 USD (tương đương 2%) xuống 83,63 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,66 USD (tương đương 2,1%) còn 76.28 USD/thùng.

Cả hai loại dầu này đều ghi nhận tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp sau khi chạm mức đáy 10 tháng trong tuần này. Dầu Brent giảm 4,6%, còn dầu WTI mất 4,7%.

Hoạt động giao dịch được dự báo vẫn sẽ thận trọng trước khi có thoả thuận về mức trần giá dầu của Nga, dự kiến có hiệu lực vào ngày 5/12, khi các lệnh cấm của EU đối với dầu Nga bắt đầu, và trước khi OPEC+ tiến hành cuộc họp tiếp theo vào ngày 4/12 tới.

Giá xăng dầu hôm nay 27/11: Dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp, động thái "nóng" với dầu Nga - Ảnh 1.

Áp lực suy thoái kinh tế và triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu tiêu cực khiến giá dầu thô tiếp tục có tuần giảm giá thứ 3 liên tiếp, trong đó dầu Brent đã trượt về mức hơn 83 USD/thùng.

Trong một diễn biến, EU đã hoãn đàm phán về áp trần giá dầu nhập khẩu từ Nga sang tuần sau.

Trước đó vào hôm 24/11, các chính phủ EU đã bất đồng về mức trần giá áp lên dầu của Nga vốn được lên kế hoạch có hiệu lực vào ngày 5/12.

Ba Lan, Estonia và Litva đang thúc đẩy mức trần thấp hơn nhiều so với đề xuất 65-70 USD/thùng của G7. Ngược lại, Hy Lạp, Cyprus và Malta lại vận động để đưa mức trần lên cao hơn, hoặc có một số hình thức bồi thường cho tổn thất kinh doanh dự kiến đối với các công ty thuộc lĩnh vực vận chuyển quan trọng của họ.

Các nước châu Âu vẫn còn nhiều quan điểm khác biệt về vấn đề này và Mỹ chưa thể thuyết phục được họ xích gần nhau hơn.

Mục tiêu của kế hoạch áp giá trần nhằm cấm các công ty vận chuyển, bảo hiểm và tái bảo hiểm xử lý các lô hàng dầu thô của Nga trên toàn cầu, trừ khi chúng được bán với giá thấp hơn mức do G7 và các đồng minh đặt ra.

Do các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới đều đặt trụ sở tại các nước G7, nên mức giá trần sẽ khiến Moskva rất khó bán dầu với giá cao hơn trong khi đây là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của nước này, chiếm khoảng 10% nguồn cung thế giới.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước

Tại thị trường trong nước, ngày 21/11, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 21/11.

Thông tin từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, trong kỳ điều hành giá xăng dầu lần thứ 3 trong tháng 11, giá các mặt hàng xăng dầu đã giảm nhẹ sau 4 kỳ tăng liên tiếp.

Cũng trong kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và thực hiện trích lập quỹ đối với xăng RON 95 là 200 đồng/lít, xăng E5 RON 92 là 250 đồng/lít; dầu diesel là 300 đồng/lít; dầu hỏa 0 đồng/lít; dầu mazut là 300 đồng/lít.

Theo đó, giá xăng dầu áp dụng từ 15 giờ ngày 21/11 cụ thể như sau, giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 22.671 đồng/lít, giảm 40 đồng/lít. Giá xăng RON 95 không cao hơn 23.878 đồng/lít, giảm 80 đồng/lít.

Giá dầu diesel không cao hơn 24.801 đồng/lít, giảm 182 đồng/lít. Giá dầu mazut không cao hơn 24.640 đồng/lít, tăng 25 đồng/lít. Giá dầu hỏa không cao hơn 24.640 đồng/lít, giảm 107 đồng/lít.

Như vậy, sau 4 kỳ điều chỉnh vào các ngày 11/11, 1/11, 21/10 và 11/10, giá xăng dầu từ chiều ngày 21/11 đã quay đầu giảm nhẹ.

Giá xăng dầu hôm nay 27/11: Dầu giảm tuần thứ 3 liên tiếp, động thái "nóng" với dầu Nga - Ảnh 2.

Như vậy, sau 4 kỳ điều chỉnh vào các ngày 11/11, 1/11, 21/10 và 11/10, giá xăng dầu từ chiều ngày 21/11 đã quay đầu giảm nhẹ.

Sau khi thực hiện các mức chi, trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, hiện giá bán các loại xăng dầu được niêm yết phổ biến trên thị trường ngày 27/11 như sau: Giá xăng E5 RON 92: không cao hơn 22.671 đồng/lít (giảm 40 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); thấp hơn xăng RON 95-III 1.116 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 23.787 đồng/lít (giảm 80 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 24.801 đồng/lít (giảm 182 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 24.640 đồng/lít (giảm 107 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.785 đồng/kg (tăng 25 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).

Được biết, TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng về việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu còn 3 - 5 ngày/lần (kể cả ngày nghỉ) so với quy định hiện hành là 10 ngày. 

Bên cạnh đó, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng, dầu như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng.

Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối chia sẻ nguồn lợi nhuận cho đại lý, cửa hàng bán lẻ một cách hợp lý, trong đó bảo đảm mức chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít.

Bộ Công Thương mới đây cũng đã họp với các đơn vị đầu mối nhằm đưa ra kịch bản về nguồn cung xăng dầu năm 2023, đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống, cũng như góp ý bổ sung, sửa đổi Nghị định số 95 và Nghị định số 83.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra hai kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023. Theo đó, kịch bản 1, tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25 triệu 900 nghìn m3, tấn; kịch bản 2, tăng trưởng 15%, tương đương 26 triệu 760 nghìn m3, tấn. Sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng, quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý, sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.

Bộ Tài chính cũng vừa xây dựng 4 kịch bản áp thuế bảo vệ môi trường (BVMT) theo biến động giá nhiên liệu thế giới trong năm 2023 mà không phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ này kiến nghị 4 mức thuế áp dụng trong năm sau đối với xăng dầu tương ứng với kịch bản giá dầu thô thế giới. Cụ thể, trường hợp giá dầu thô thế giới dưới 70 USD/thùng, thuế BVMT với xăng sẽ quay trở về mức 4.000 đồng/lít, nhiên liệu bay 3.000 đồng/lít, dầu diesel 2.000 đồng/lít.

Đây cũng là mức thuế BVMT kịch khung trong biểu thuế suất BVMT với xăng dầu hiện nay. Trường hợp 2, giá dầu thô ở ngưỡng 70 - 80 USD/thùng, mức thuế suất BVMT với xăng, dầu và mỡ nhờn giảm 25% so với mức trần. Tức là, mỗi lít xăng sẽ chịu 3.000 đồng thuế BVMT, nhiên liệu bay 2.250 đồng; dầu diesel 1.500 đồng.

Trường hợp 3, nếu giá dầu thô thế giới 80 - 100 USD/thùng, thuế BVMT với xăng, dầu và mỡ nhờn còn một nửa so với quy định khung thuế: xăng là 2.000 đồng/lít, nhiên liệu bay là 1.500 đồng/lít, dầu diesel là 1.000 đồng/lít… Trường hợp cuối cùng, khi giá dầu vọt trên mốc 100 USD/thùng, mức thuế BVMT áp dụng với xăng, nhiên liệu bay cùng là 1.000 đồng/lít, dầu diesel 500 đồng/lít...

Các chuyên gia cho rằng, chính sách thuế BVMT theo đề xuất của Bộ Tài chính cơ bản chỉ làm tăng giá xăng dầu. Điều này không có lợi cho cả người dân và nền kinh tế. Theo nhiều chuyên gia, nên bỏ hẳn thuế này để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Nếu muốn tính, các Bộ ngành phải có nghiên cứu và chứng minh bằng cơ sở khoa học rõ ràng.

Giá xăng nhập đã không còn duy trì mức trên 100 USD/thùng như thời gian qua. Liên tiếp trong nhiều ngày qua, giá xăng A95 nhập từ Singapore liên tục giảm. Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Công Thương, giá xăng nhập chỉ còn 96 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất trong nửa tháng qua.

Trước đó, giá xăng trong nước (A95) đã 4 lần tăng liên tiếp vì giá xăng nhập tăng cao cũng như cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh mức chi phí cơ sở.

Giá dầu thô thế giới gần đây lao dốc không phanh, giá xăng nhập cũng giảm, dự báo giá bán lẻ xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành sắp tới có thể giảm sâu.

Theo doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, giá xăng dầu thế giới liên tục diễn biến thất thường trong tuần qua, nhưng nhìn chung là giảm mạnh. Việc dầu thế giới và giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore giảm có thể khiến giá bán lẻ mặt hàng này ở trong nước giảm theo.

Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo biến động giá xăng dầu thế giới. Do đó, nếu xu hướng giảm tiếp tục được duy trì, trong kỳ điều hành tới, cơ quan quản lý chắc chắn sẽ giảm giá bán lẻ xăng, dầu. Tuy nhiên, mức giảm còn tùy thuộc vào trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và diễn biến giá dầu thế giới trước ngày điều chỉnh.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem