Giá xăng dầu hôm nay 4/6: OPEC+ tiếp tục làm "nóng" giá xăng dầu

Nguyễn Phương Chủ nhật, ngày 04/06/2023 08:12 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 4/6: Tính chung tuần, cả hai loại dầu đều giảm giá khoảng 1%, đây là tuần giảm đầu tiên của dầu trong 3 tuần qua. Các nhà giao dịch dầu mỏ sẽ theo dõi sát cuộc họp ngày 4/6 của OPEC+.
Bình luận 0

Giá dầu phiên cuối tuần tiếp tục tăng sau khi Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận trần nợ giúp ngăn chặn tình trạng vỡ nợ của chính phủ. Dữ liệu việc làm khả quan tại Mỹ đã thúc đẩy hy vọng về khả năng tạm dừng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giá xăng dầu hôm nay 4/6: Tuần giảm giá đầu tiên trong 3 tuần

Giá dầu thế giới đã tăng hơn 2% trong phiên ngày 2/6 sau khi Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận trần nợ giúp ngăn chặn tình trạng vỡ nợ tại nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Phiên này, số liệu việc làm của Mỹ đã thúc đẩy hy vọng về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tạm dừng tăng lãi suất.

Sự chú ý của thị trường còn hướng đến cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, vào ngày 4/6.

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,85 USD (2,5%) lên 76,13 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,64 USD (2,3%) lên 71,74 USD/thùng. Thị trường đã ghi nhận mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 26/5 đối với dầu WTI và từ ngày 29/5 đối với dầu Brent.

Trong phiên 1/6, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng. Giá dầu Brent cũng tăng nhờ tâm lý lạc quan về thỏa thuận trần nợ. Sự lạc quan về thỏa thuận trần nợ dường như cho phép thị trường dầu mỏ đứng vững.

Những hy vọng về việc Mỹ tránh được nguy cơ vỡ nợ đã giúp thị trường không chú ý đến nguồn cung dầu thô của Mỹ tăng mạnh. Theo dữ liệu do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố, các kho dự trữ dầu thô thương mại của Mỹ đã tăng 4,5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 26/5, trái với kỳ vọng sụt giảm của thị trường.

Trước đó, nỗi lo về nhu cầu dầu là yếu tố khiến thị trường dầu đi xuống phiên 31/5. Dữ liệu kinh tế vĩ mô và thị trường lao động yếu đã đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư mặc dù nhu cầu dầu mỏ đã đi lên vào mùa hè.

Giá dầu đã giảm tới 4% trong phiên 30/5, khi quyết định của OPEC+ liên quan đến chính sách sản lượng vẫn chưa rõ ràng.

Tính chung tuần, cả hai loại dầu đều giảm giá khoảng 1%, đây là tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần.

Giá xăng dầu hôm nay 4/6: OPEC+ tiếp tục làm "nóng" giá xăng dầu - Ảnh 1.

Các nhà giao dịch dầu mỏ sẽ theo dõi sát cuộc họp ngày 4/6 của OPEC+.

Các nhà giao dịch dầu mỏ sẽ theo dõi sát cuộc họp ngày 4/6 của OPEC+. OPEC+ đang nhóm họp tại Vienna (Áo) để thảo luận về chính sách sản lượng của mình. Nhiều nguồn tin cho biết, nhóm này đang cân nhắc cắt giảm thêm sản lượng tới 1 triệu thùng/ngày. Nếu quyết định này được đưa ra, cùng với việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1,6 triệu thùng/ngày trong cuộc họp hồi tháng 4 và 2 triệu thùng/ngày cuối năm ngoái, tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ sẽ lên tới 4,6 triệu thùng/ngày, tương đương 4,5% nhu cầu toàn cầu.

Liệu giá dầu sẽ tăng tốc hay hạ nhiệt? Câu trả lời sẽ có vào hôm nay (4/6) khi OPEC+, nhóm cung ứng khoảng 40% lượng dầu thô cho thế giới, ra quyết định về chính sách sản lượng của mình. Trong tháng 4/2023, tổ chức này đã bất ngờ thông báo cắt giảm sản lượng 1,16 triệu thùng mỗi ngày, nhưng đà tăng giá đã phai nhạt.

Giá xăng dầu tại thị trường trong nước

Tại thị trường trong nước, ngày 1/6, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 1/6.

Ở kỳ điều chỉnh ngày 1/6, giá xăng dầu trái chiều, xăng tăng 390 - 516 đồng/lít, dầu giảm 11 - 275 đồng/lít, kg.

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu này, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ BOG: Thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước), xăng RON 95 ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu điêzen ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít (như kỳ trước); dầu mazut ở mức 300 đồng/kg (như kỳ trước). Chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu: Không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.

Giá xăng dầu hôm nay 4/6: OPEC+ tiếp tục làm "nóng" giá xăng dầu - Ảnh 2.

Ở kỳ điều chỉnh ngày 1/6, giá xăng dầu trái chiều, xăng tăng 390 - 516 đồng/lít, dầu giảm 11 - 275 đồng/lít, kg.

Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ BOG giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 4/6 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 20.878 đồng/lít (tăng 390 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1,137 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 22.015 đồng/lít (tăng 516 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 17.943 đồng/lít (giảm 11 đồng/lít so với mức bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 17.771 đồng/lít (giảm 198 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.883 đồng/kg (giảm 275 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).

Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 22/5/2023-01/6/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như ảnh hưởng từ các động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+; những lo ngại về vấn đề trần nợ công của Mỹ; hoạt động công nghiệp bị đình trệ và lãi suất cao hơn làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế… các yếu tố này tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 22/5/2023 và kỳ điều hành ngày 01/6/2023 là: 87,438 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 2,292 USD/thùng, tương đương tăng 2,69% so với kỳ trước); 92,433 USD/thùng xăng RON95 (tăng 2,800 USD/thùng, tương đương tăng 3,12% so với kỳ trước); 87,903 USD/thùng dầu hỏa (giảm 1,285 USD/thùng, tương đương giảm 1,44% so với kỳ trước); 89,059 USD/thùng dầu điêzen (giảm 0,126 USD/thùng, tương đương giảm 0,14% so với kỳ trước); 424,785 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 10,792 USD/tấn, tương đương giảm 2,48% so với kỳ trước).

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước đang được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã phục hồi trở lại.

Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: giữ nguyên mức trích lập Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu như kỳ trước và tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước cơ bản phù hợp với biến động của giá xăng dầu thế giới; tiếp tục duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5 RON 92 và xăng khoáng RON 95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (nếu có).

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, giá xăng đã có 16 đợt điều chỉnh, trong đó có 9 đợt tăng, 6 đợt giảm và 1 đợt giữ nguyên.

Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước vừa qua, cho rằng nguồn cung trong nước vẫn còn bị động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn tối thiểu đã được Bộ Công Thương phân giao từ đầu năm (cả về số lượng và chủng loại) để đảm bảo cung cấp liên tục xăng dầu cho khách hàng; phải chủ động nguồn hàng trong mọi tình huống (cả nguồn trong nước và nhập khẩu).  

Bộ trưởng cũng lưu ý, các doanh nghiệp đầu mối cần có sự trao đổi thống nhất, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ để có được tiếng nói chung và hài hòa về lợi ích.

Theo báo cáo của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) 4 tháng đầu năm, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại, chiếm tới 35-40% tổng nguồn cung xăng dầu.

Tính đến giữa tháng 5, tình hình hoạt động của các nhà máy vẫn ổn định. Trong tháng 6 và quý III, quý IV, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn dự kiến vận hành sản xuất như sản lượng đã đăng ký với Bộ Công Thương.

Điểm khó khăn nhất là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm 35-40% thị phần, nhưng thường xuyên không ổn định, trong khi chúng ta phải ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhà máy này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng giải pháp lúc này là cần có phương án dự phòng nếu nhà máy tiếp tục bị trục trặc, làm thế nào để các đầu mối khác kịp nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh địa chính trị có nhiều bất ổn, giá cả thất thường.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem