Giá xăng tăng 4.000 đồng/lít trong hơn 2 tháng, doanh nghiệp vận tải điêu đứng

Hiếu Đam Thứ năm, ngày 18/04/2019 14:08 PM (GMT+7)
Việc giá điện chính thức tăng 8,36% trong tháng 3, giá xăng tăng 4.000 đồng/lít trong vòng 2,5 tháng được chuyên gia đánh giá sẽ tác động tới mục tiêu lạm phát 4% mà Quốc hội đã đề ra. Chưa kể, việc tăng giá xăng khiến không ít doanh nghiệp vận tải điêu đứng, mà cụ thể là các hãng taxi, tuy bị ảnh hưởng nặng nhưng chưa dám tăng vì nhiều lý do.
Bình luận 0

Kiểm soát lạm phát, giá xăng dầu là một ẩn số khó lường

Mới đây, theo văn bản của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá các mặt hàng xăng dầu tiếp tục tăng trong kỳ điều hành lúc 15h chiều ngày 17.4.

Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 1.115 đồng mỗi lít; xăng RON 95 thêm 1.202 đồng. Các mặt hàng dầu cũng tăng 291-407 đồng một lít, kg tùy loại. Sau điều chỉnh, giá mỗi lít E5 RON 92 tối đa 19.703 đồng; RON 95 có mặt bằng giá mới 21.235 đồng. Giá dầu hỏa tối đa 16.262 đồng một lít; dầu diesel 17.384 đồng và dầu madut 15.617 đồng/kg.

Như vậy, tính từ tháng 2 đến nay, giá xăng đã tăng thêm 4.000 đồng/lít, tỉ lệ tăng 18,65% điều này tác động tới mục tiêu lạm phát 4% mà Chính phủ đặt ra trong năm nay như thế nào?

img

Giá xăng vừa tăng mạnh vào chiều ngày 17.4.2019.

Theo chuyên gia nhận định, việc giá điện chính thức tăng 8,36% trong tháng 3, giá xăng liên tục tăng trong những phiên gần đây ảnh hưởng lớn đến chính sách kìm lạm phát dưới 4% mà Quốc hội đã đề ra.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, trong tháng 3 và tháng 4, giá điện tăng 8,36%, giá xăng dầu hai lần tăng ở mức cao, mặc dù nhà nước đã dùng quỹ bình ổn, tuy nhiên việc xả quỹ bình ổn chưa hợp lý khiến nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu bị âm.

"Điện và xăng là hai mặt hàng quan trọng, thị trường bị ảnh hưởng nhiều bởi hai mặt hàng này. Nhìn vào thị trường, có thể thấy mặt hàng như sắt thép, xi măng đang rục rịch tăng giá... Bên cạnh đó, mặt hàng tiêu dùng như rau củ qủa có dấu hiệt tăng nhiệt, đặc biệt là thịt lợn cũng tăng sau đợt dịch. Đối với kiểm soát lạm phát, giá xăng dầu là một ẩn số khó lường", ông Long phân tích.

img

PGS.TS Ngô Trí Long. (Ảnh IT).

PGS, TS Long nhấn mạnh với việc giá xăng và giá điện tăng trong thời gian gần đây, giá sẽ tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái. "Đây là điều chắc chắn. Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% là một thách thức lớn với Ban điều hành giá Chính phủ. Tất nhiên là phải có thách thức, tuy nhiên, vấn đề nằm ở chúng ta, phải làm gì để vượt qua thách thức, phải làm như thế nào, làm ra làm sao", ông Long cho biết.

Vị giáo sư này cũng chỉ ra những việc cần làm để kìm cương mức lạm phát, và việc này cần phải áp dụng ngay từ bây giờ. "Từ thách thức đặt ra, đòi hỏi Nhà nước phải thật linh hoạt trong lĩnh vực tiền tệ, từ chính sách tỉ giá, chính sách lãi suất, nguồn cung tiền phải đảm bảo. Chính sách tài chính cũng phải hợp lý, phải thắt chặt, kiểm soát chi tiêu, chi tiêu hiệu quả. Nguồn thu phải đảm bảo, chống thất thu, trượt giá".

Đối với thương mại, phải xem sự biến động của nó để điều hòa cung cầu, đặc biệt là quản lý thị trường và tránh hiện tượng "tát nước theo mưa". Theo đó, đối với công tác quản lý giá, ông Long cho rằng phải tránh điều chỉnh những giá do nhà nước quản lý và những thời  điểm nhạy cảm. Giá dầu hiện nay vẫn là một ẩn số, tuy nhiên xu hướng cho thấy gần đây giá dầu bắt đầu có dấu hiệu giảm nhiệt. 

Doanh nghiệp vận tải trong vòng quay tăng giá xăng dầu

Với việc chỉ trong vòng 2,5 tháng, giá xăng tăng 4.000 đồng/lít đã tác động không nhỏ tới giá cả, đặc biệt là giá cước của các doanh nghiệp vận tải. Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết doanh nghiệp vận tải ảnh hưởng lớn từ việc tăng giá xăng dầu, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp phải chủ động và có phương án đối phó phù hợp.

"Xăng dầu chiếm từ 25 - 30% cấu thành giá, việc điều chỉnh theo quy định của Nhà nước buộc các doanh nghiệp vận tải phải có những phương án, kế hoạch để đối phó với việc này.

Việc giá xăng dầu tăng, buộc các doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh giá cước để phù hợp, tuy nhiên đến hiện nay các doanh nghiệp vẫn chưa tăng giá vì còn nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục, quy định. Cụ thể, muốn điều chỉnh giá cước taxi thì các hãng taxi phải đăng kí kê khai giá, báo cáo với Sở GTVT... Đó là chưa kể, khi điều chỉnh giá cước, các hãng taxi phải dừng hàng ngàn phương tiện, chi phí cho điều chỉnh cũng rất lớn, vì vậy doanh nghiệp vận tải đang chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng nhưng chưa dám tăng giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem