Chuyên gia đưa ra “lời giải” bất ngờ cho “bài toán” nguồn cung nhà ở?

25/07/2023 18:34 GMT+7
Chuyên gia nhận định nguồn cung nhà ở bị hạn chế bởi các thách thức đa dạng như vấn đề thanh khoản, thủ tục phê duyệt dự án không rõ ràng. Ngoài việc tạo nguồn cung mới một cách kịp thời, việc đảm bảo các tòa nhà cũ vẫn phù hợp với thị trường cũng không kém phần quan trọng.

Theo ông Joseph Low, Chủ tịch Keppel Land Việt Nam, hiện nay nguồn cung nhà ở bị hạn chế bởi các thách thức đa dạng như vấn đề thanh khoản, thủ tục phê duyệt dự án không rõ ràng, còn phức tạp... Nếu không giải quyết, các vấn đề này sẽ làm tăng sự không ổn định trên thị trường, dẫn đến tăng chi phí xây dựng và cuối cùng là giá nhà cao hơn cho người dân Việt Nam.

"Chúng tôi nhận thấy rằng Chính phủ đang cố gắng tinh gọn và tăng tốc quy trình phê duyệt, nhưng điều quan trọng là đảm bảo những nỗ lực này sẽ giúp giảm khoảng cách giữa nhu cầu và nguồn cung nhà ở", ông Joseph Low chia sẻ.

Ngoài việc đưa nguồn cung nhà ở vào thị trường một cách kịp thời, việc đảm bảo rằng các tòa nhà cũ vẫn phù hợp với thị trường cũng không kém phần quan trọng. Tại Hà Nội và TP.HCM, không khó để nhận thấy sự hiện diện của vô số tòa nhà cũ, xuống cấp và không được sử dụng đúng mục đích trong các khu vực trung tâm. Những hình ảnh này là sự lãng phí cho những nỗ lực chúng ta trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà Việt Nam đã trải qua trong những thập kỷ qua.

Mặc dù luật bất động sản hiện tại ở Việt Nam cho phép bán chung hoặc tái phát triển các khu đất cũ sau khi nhận được sự đồng thuận từ ít nhất 75% chủ sở hữu, tuy nhiên, các quy định và yêu cầu quản lý hiện tại khá phức tạp. Hơn nữa, quá trình này yêu cầu sự cộng tác chặt chẽ giữa nhiều cơ quan và đơn vị hành chính. Những yếu tố này, cùng với khoản bồi thường cho mục đích tái định cư, không tạo một môi trường thuận lợi cho chủ đầu tư tiến hành công việc khổng lồ như vậy.

Chuyên gia đưa ra “lời giải” bất ngờ cho “bài toán” nguồn cung nhà ở?  - Ảnh 1.

Tạo nguồn cung nhà ở bằng cách cải tạo chung cư cũ, xuống cấp (Ảnh: TN)

Ông Joseph Low cũng cho rằng nếu Chính phủ có thể tiến hành một nghiên cứu để xem xét quy trình tái phát triển và đưa ra các chính sách khuyến khích, ví dụ như tặng một phần diện tích trong các khu đất cũ, điều này sẽ khuyến khích các chủ đầu tư cải tạo những tòa nhà cũ.

Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản đóng vai trò quan trọng đầu tiên trong hành trình hướng tới môi trường bền vững vì lĩnh vực này tạo ra khoảng 40% tổng lượng phát thải toàn cầu. Trong đó, carbon hoạt động, tức là carbon được phát thải từ một tòa nhà đang được sử dụng, chiếm gần 70% tổng lượng phát thải carbon mà lĩnh vực bất động sản tạo ra; 30% còn lại của lượng phát thải carbon trong ngành bất động sản đến từ khí thải carbon ngầm mà tòa nhà thải ra trong quá trình xây dựng và hủy bỏ.

"Tôi nghĩ rằng, mục tiêu phát triển thị trường bất động sản xanh là bền vững. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, nếu chưa thể có một hệ thống hạ tầng mới, đồng bộ thì có thể cải tạo các sản phẩm cũ theo tiêu chí mới hiện có để hướng tới phát triển bền vững, đưa ra mục tiêu để cải tiến thiết bị ít tiêu thụ năng lượng hơn. Chúng tôi đặt mục tiêu sử dụng hiệu quả năng lượng với một cách tiếp cận mới. Khó khăn với công trình cũ là khó áp dụng công nghệ mới nhưng phải cố gắng để hướng tới đạt hiệu quả về sử dụng năng lượng. Doanh nghiệp cũng đề ra mục tiêu phải tích hợp tất cả để giảm thiểu việc thất thoát năng lượng và đảm bảo làm mát, giảm sử dụng năng lượng.", ông Joseph Low nhận định.

Chủ tịch Keppel Land Việt Nam cũng cho biết, điều này rất cần sự phối hợp với các cơ quan chức năng và các đối tác; trong đó, sự hỗ trợ từ Chính quyền địa phương là cần thiết để kết hợp đưa ra tiêu chuẩn mới, bền vững cho các toà nhà thương mại của Việt Nam. Đó là cách tiếp cận để có công trình xanh hơn.

Dưới góc độ nhà đầu tư bất động sản, nhà đầu tư nước ngoài này muốn có sự đồng hành của chính quyền, cần có tiêu chí rõ ràng được đưa ra từ cơ quan quản lý; cụ thể là các sáng kiến của họ sẽ được xem xét thông qua, giúp mở rộng cơ hội của nhà đầu tư; thời gian vận hành sẽ được kéo dài hơn để nhà đầu tư tư nhân hoàn vốn; kỳ vọng những dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ có tương lai bền vững...


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục