Chậm giải bài toán pháp lý sẽ tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm thị trường bất động sản?

Hồng Trâm Thứ hai, ngày 20/03/2023 11:14 AM (GMT+7)
Những khó khăn, thách thức về vướng mắc pháp lý, siết vốn, trái phiếu… tiếp diễn như thời gian qua sẽ tạo thời cơ cho các nhà đầu tư tiềm lực tài chính mạnh thâu tóm các dự án bất động sản tốt, không loại trừ nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán, sáp nhập doanh nghiệp uy tín.
Bình luận 0

Gặp khó về pháp lý, "tắc" nguồn cung dự án

Nhiều năm qua, bất động sản luôn là một trong những kênh đầu tư phát triển kinh tế được nhiều người quan tâm. Đây không chỉ kênh đầu tư mang lại lợi nhuận, bất động sản còn góp phần cung cấp chỗ ở, nơi an cư cho hàng trăm ngàn người lao động, công nhân... trên các địa bàn lớn như TP.HCM.

Hiện nay, thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền, thanh khoản kém, thiếu nguồn cung sản phẩm, đặc biệt là nhà giá rẻ. Các chuyên gia nhận định khó khăn về tài chính nhiều khả năng sẽ được giải quyết sớm trong thời gian ngắn, tuy nhiên, vướng mắc về mặt pháp lý là tâm điểm khiến nhiều chủ đầu tư bất động sản, người mua nhà phải đau đầu.

TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao bộ phận tư vấn đầu tư Savills Việt Nam, cho rằng thị trường bất động sản sẽ phát triển mạnh mẽ khi nguồn vốn được "bơm" ra ở nhiều kênh khác nhau. Việc tắc nghẽn về pháp lý mới chính là vấn đề quan trọng làm ảnh hưởng đến nguồn cung, tiến độ dự án.

Giải bài toán pháp lý, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ có cơ hội sáng cửa? - Ảnh 1.

Vấn đề pháp lý quyết định đến bức tranh thị trường bất động sản TP.HCM. Ảnh: H.T

"Khi dòng tiền thị trường có nhưng nguồn cung về căn hộ, các sản phẩm bất động sản không có cũng làm ảnh hưởng đến thanh khoản và sự lưu chuyển dòng tiền trong lĩnh vực bất động sản", ông Khương chia sẻ.

Còn theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, thực tế hiện nay, pháp lý vẫn là vấn đề vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản khi triển khai các dự án.

"Những vướng mắc về pháp lý khi triển khai các dự án bất động sản chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thiếu thống nhất. Để gỡ điểm vướng này cần phải chờ đợi việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 được thông qua, đồng thời một số luật liên quan cũng được bổ sung, hoàn thiện", ông Đính nhận định.

Về góc độ doanh nghiệp, ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group nhận định: "Thị trường bất động sản tại TP.HCM và các tỉnh lân cận gặp khó vì tính pháp lý, các thủ tục liên quan đến việc xây dựng. Dự án để hoàn thiện pháp lý cần phải có thời gian dài, điều này khiến số lượng dự án được chào bán ngoài thị trường ít, cung không đủ cầu. Hiện nay, một dự án có pháp lý chuẩn chỉnh càng hiếm có trên thị trường".

Cơ hội cho nhà đầu tư bất động sản nước ngoài thâu tóm

Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định, trong 3 yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến khả năng đảo chiều của thị trường bất động sản (tăng trưởng tín dụng – lãi suất – chính sách điều hành của Chính phủ) thì tăng trưởng tín dụng và chính sách sẽ là 2 yếu tố mang lại tác động tích cực và đẩy nhanh tiến trình xoay chiều cho thị trường nhà đất. Thị trường có thể kỳ vọng thời gian phục hồi sớm, dự kiến vào khoảng cuối năm 2023.

Giải bài toán pháp lý, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ có cơ hội sáng cửa? - Ảnh 3.

Bất động sản TP.HCM có cơ hội sáng cửa nếu được gỡ nút thắt pháp lý. Ảnh: H.T

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các chính sách, quyết định được ban hành gần đây như gói hỗ trợ 120.000 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, thành lập 5 tổ công tác tháo gỡ đầu tư công, Nghị định 08 về quy định trái phiếu, Nghị quyết 33 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đã có tác động tích cực và đồng nhất với dự báo của Batdongsan.com.vn về tín hiệu đảo chiều của thị trường.

"Rõ ràng, những quy định về thành lập dự án đều được cơ quan quản lý nhà nước, pháp luật chỉ rõ và các chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định, trình tự… chúng ta phải thấy thủ tục thì càng ngày càng chặt chẽ, càng nhiều. 

Qua đó, doanh nghiệp sẽ phải có định hướng mới trong tương lai về việc xây dựng các thủ tục, lên phương án dài hạn để đáp ứng được các yêu cầu chuẩn chỉnh của pháp luật, để dự án bất động sản đầy đủ pháp lý nhất. Điều này trước sẽ giúp cho chủ đầu tư tạo uy tín, khách hàng an tâm đầu tư ở dự án mà doanh nghiệp đang phát triển", ông Ngô Quang Phúc chia sẻ.

Giải bài toán pháp lý, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ có cơ hội sáng cửa? - Ảnh 4.

Nhiều nhà đầu tư tiềm lực tài chính mạnh đã thâu tóm các dự án tốt. Ảnh: H.T

Dự báo về thị trường bất động sản thời gian tới, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM cho rằng, muốn bất động sản phục hồi mạnh mẽ trở, cơ quan chức năng cần hỗ trợ nhiều hơn về pháp lý, rút ngắn các thủ tục, quy định không cần thiết… Khi thanh khoản thị trường tốt hơn phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức thanh khoản ổn, tuy nhiên nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền với người tiêu dùng sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản.

Nhiều năm nay, vấn đề về pháp lý luôn được nhà nước quan tâm, cơ quan ban ngành tổ chức nhiều cuộc họp lắng nghe ý kiến của đơn vị, doanh nghiệp bất động sản để hiểu hơn về những vướng mắc, cùng nhau tìm hướng tháo gỡ, đề xuất trong công tác pháp lý. 

"Hy vọng, trong năm 2023, "nút thắt" pháp lý sẽ được gỡ. Chủ đầu tư sẽ dễ dàng thuận lợi hơn. Sẽ có hàng nghìn căn hộ được đưa ra để phục vụ nhu cầu về nhà ở cho người dân, an cư lập nghiệp", ông Châu nói.

Đồng thời, Chủ tịch HoREA cho biết nếu những khó khăn, thách thức về vướng mắc pháp lý, siết vốn, trái phiếu… tiếp diễn như thời gian qua sẽ tạo thời cơ cho các nhà đầu tư tiềm lực tài chính mạnh thâu tóm các dự án tốt. Không loại trừ trường hợp nhà đầu tư nước ngoài sẽ tham gia mua bán, sáp nhập dự án tốt, thương hiệu doanh nghiệp uy tín.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem