Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm

Văn Hoàng Thứ sáu, ngày 09/06/2023 07:01 AM (GMT+7)
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức nhận định: "Cái khó nhất với báo chí phòng, chống tiêu cực là có những lằn ranh, những vấn đề mà nhà báo khi điều tra không thể mang thẻ nhà báo ra để nói rằng "tôi đang hành nghề hợp pháp".
Bình luận 0

Nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 8/6, báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi Toạ đàm: "Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm.

Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm - Ảnh 1.

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh/ Đại Đoàn Kết

Khẳng định vai trò của báo chí trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023 nêu rõ: Trong những năm qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo triển khai rất quyết liệt với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Những kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hết sức quan trọng đã tạo được niềm tin và sự ủng hộ tích cực của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong đó, báo chí ngày càng khẳng định rõ vai trò và những đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, phát hiện, kiên trì đeo bám, phản ánh và đưa ra ánh sáng nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, giúp cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Sau ba lần tổ chức thành công, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng khẳng định được uy tín, vị thế trong các giải báo chí toàn quốc, đồng thời thu hút được sự quan tâm, đánh giá cao và tham gia tích cực từ đông đảo cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên và các tầng lớp nhân dân.

Chia sẻ về những dấu ấn quan trọng, cũng như ý nghĩa lớn nhất mà Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được sau 3 lần tổ chức, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng khẳng định, đến nay, công tác tổ chức giải luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ, động viên rất lớn từ các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước; điều đó thể hiện tại Lễ tổng kết và trao Giải thường xuyên có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đến dự, trao giải và phát biểu chỉ đạo.

Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 - 2023. Ảnh: Quang Vinh/ Đại Đoàn Kết

Qua các mùa tổ chức, số lượng cơ quan báo chí, tác phẩm tham dự giải đều tăng lên và điều quan trọng hơn chất lượng giải ngày càng được nâng lên. Tại mùa giải lần thứ ba đã có Giải đặc biệt do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trao tặng.

Đặc biệt, sự phối hợp trong công tác tổ chức của Ban tổ chức ngày càng chặt chẽ, bài bản, khoa học, đạt hiệu quả từ khâu tuyên truyền, tiếp nhận tác phẩm tham dự đến tổ chức trao Giải thưởng, đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân, độc giả và các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên trong cả nước.

Ông Vũ Văn Tiến, Trưởng Ban Tuyên giáo UBTƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức cho biết, trong thời điểm hiện nay, chiến dịch "đốt lò" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Qua 3 mùa giải đã qua, đề tài phanh phui tiêu cực xuất phát điều tra của phóng viên mà không phải dựa theo báo cáo thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng. Để thực hiện các đề tài điều tra độc lập này thì các phóng viên đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu.

Với mùa giải thứ tư này, ban tổ chức quan tâm tới hai nội dung. Thứ nhất, tên giải là "Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng tiêu cực", tên giải mùa trước là "Giải báo chí toàn quốc về chống tham nhũng, lãng phí" điều chỉnh từ lãng phí thành phòng chống tham nhũng tiêu cực thì phạm trù rộng rãi hơn.

Vấn đề thứ 2 là giá trị giải thưởng. Hiện nay các giải như giải Báo chí quốc gia, giải Búa liềm vàng, rồi giải Diên hồng cũng có giá trị rất cao. Vì vậy, ban tổ chức giải cũng phấn đấu tiền thưởng giải năm nay phải cao hơn để các phóng viên có động lực, nguồn động viên. Giá trị giải thưởng này có thể bù đắp rất nhỏ nhoi cho các tác giả hy sinh mồ hôi nước mắt, thậm chí cả tính mạng.

Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm - Ảnh 3.

Ông Vũ Văn Tiến, Trưởng ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam - Phó Ban tổ chức Giải. Ảnh: Quang Vinh/ Đại Đoàn Kết

Thông qua sự vinh danh của giải đã thực sự truyền cảm hứng cho nhà báo

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tổ chức nhận định: "Cái khó nhất với báo chí phòng, chống tiêu cực là có những lằn ranh, những vấn đề mà nhà báo khi điều tra không thể mang thẻ nhà báo ra để nói rằng "tôi đang hành nghề hợp pháp". Thế nên, trước tiên, việc bảo vệ nhà báo tác nghiệp bắt đầu từ chính bản thân nhà báo. Mỗi nhà báo khi hành nghề cần biết chúng ta được quyền hành nghề nhưng những cơ sở chính trị pháp lí của việc hành nghề ấy thì như nào?

Thứ hai, chúng ta luôn đối mặt với câu chuyện về bối cảnh hành nghề ấy sẽ cho chúng ta điều kiện tác nghiệp hợp pháp hay không.

Bản thân mỗi người chiến đấu trên một mặt trận nào đó thì bao giờ cũng là người làm chủ hoàn cảnh và tự họ sẽ phải phân tích bằng trí tuệ, bản lĩnh, sự khôn khéo của mình để tự xác định vấn đề. Sau đó khi cần tìm cho mình lực lượng hỗ trợ đứng sau, bất cứ lúc nào cũng có thể kết nối với họ như lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp, cộng tác viên, những người trong quá trình làm nghề…

Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm - Ảnh 4.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam – Phó Trưởng Ban Tổ chức Giải. Ảnh: Quang Vinh/ Đại Đoàn Kết

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt cho rằng: "Giải báo chí toàn quốc phòng chống tham nhũng, tiêu cực thật sự là niềm động viên rất lớn đối với cá nhân tôi và các đồng nghiệp.

Theo tôi, khó khăn nhất khi tham gia vào mảng báo chí đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là sự vất vả. Giải A Giải báo chí toàn quốc chống tham nhũng, tiêu cực (năm 2021) của chúng tôi đã đăng đến mấy chục kì. Đến giờ phút này, có đối tượng xử tù lên đến hơn 64 năm, nhiều đối tượng vẫn đang tiếp tục được điều tra xử lí. Loạt bài khi được đăng đã gây một sự chấn động rất lớn trong dư luận. Thông qua sự vinh danh của giải đã thực sự truyền cảm hứng cho nhà báo.

Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm - Ảnh 5.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, Phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt. Ảnh: Quang Vinh/Đại Đoàn Kết

Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho biết: "Dù đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ sự tiến bộ, hay bênh vực cho số phận con người, Báo Đại Đoàn Kết, các thế hệ làm Báo Đại Đoàn Kết đã thể hiện bản lĩnh của một tờ báo lớn trong làng báo chí cách mạng Việt Nam.

Báo và cá nhân tôi chịu những gì khi thực hiện các loạt bài điều tra chống tiêu cực, tôi xin thưa là nhiều, và không phải cái gì cũng giãi bày được. Tuy nhiên thường trực nhất là đe doạ, và đối mặt với trả thù. Điều này là đương nhiên, vì chống tham nhũng tiêu cực là đã chọn cho mình việc làm nặng nhọc, nguy hiểm vì đụng chạm lợi ích những người có máu mặt. Tuy nhiên, vì bạn đọc, vì sứ mệnh của tờ báo, những người cầm bút nếu chỉ lựa chọn các tác phẩm bình bình thì chẳng ai nhớ đến mình, chẳng ai tin nhà báo, tờ báo cứ mũ ni che tai, chọn cách an toàn trước thời cuộc"...

Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm - Ảnh 6.

Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết. Ảnh: Quang Vinh/Đại Đoàn Kết

Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng tin rằng, qua buổi tọa đàm trực tuyến này, những nội dung và sức lan tỏa bước đầu sẽ được truyền tải đến các cơ quan báo chí, đội ngũ các nhà báo, phóng viên trên cả nước.

Tác phẩm tham dự Giải báo chí toàn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 4, năm 2022 – 2023 là các tác phẩm được các cơ quan thông tấn báo chí trong nước sử dụng kể từ ngày 13/11/2021 đến 31/8/2023 và thời gian tiếp nhận tác phẩm được tính từ ngày phát động đến ngày 31/8/2023.

Cơ cấu giải thưởng gồm: Giải Đặc biệt, A, B, C và Khuyến khích cho các loại hình báo chí. Trong đó: Giải đặc biệt 100 triệu đồng; giải A mỗi giải 50 triệu đồng; giải B mỗi giải 30 triệu đồng; giải C mỗi giải 20 triệu; giải Khuyến khích mỗi giải 10 triệu đồng.

Lễ tổng kết và trao Giải: tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô, thành phố Hà Nội vào đầu tháng 11 năm 2023.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem