Giải cơn khát vốn của doanh nghiệp - Bài 2: Vì sao ngân hàng ngại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay?

Quốc Hải - Phương Uyên Thứ sáu, ngày 31/03/2023 10:00 AM (GMT+7)
Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã đưa nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) như gói hỗ trợ lãi suất, gói cho vay phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, hạ lãi suất vay… nhưng thực tế nhiều DN vẫn chưa thể tiếp cận nguồn vốn
Bình luận 0
Giải cơn “khát vốn” của doanh nghiệp - bài 2: Ngân hàng “ngại” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay? - Ảnh 1.

Các DN nhỏ và vừa chủ yếu dùng nguồn vốn tự có, vay mượn gia đình, người thân để hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Quốc Hải

Tín dụng vẫn dồi dào

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với DN nhỏ và vừa tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng DN nhỏ và vừa phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%), công nghiệp và xây dựng (40,85%).

Các ngân hàng thương mại của Nhà nước đang cho vay DN nhỏ và vừa chiếm 48,05%, khối ngân hàng thương mại cổ phần cho vay chiếm 47,43%, khối ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, công ty tài chính và ngân hàng hợp tác xã tham gia cho vay 4,52%.

Giải cơn “khát vốn” của doanh nghiệp - bài 2: Ngân hàng “ngại” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay? - Ảnh 2.

Các DN nhỏ, kinh tế hộ gia đình thường tìm đến các gói vay nhỏ từ Agribank. Ảnh: Quốc Hải

Trong khi đó, ghi nhận của Dân Việt thời gian gần đây cũng cho thấy, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào và công bố nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi giảm 1-2 điểm % so với lãi suất hiện hành.

Không thể hạ chuẩn tín dụng!

"Trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng,… Do đó, không thể thực hiện các giải pháp về "hạ chuẩn" điều kiện cấp tín dụng"

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước

Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) mới đây đã quyết định dành nguồn vốn 1.000 tỷ đồng với lãi suất giảm bình quân khoảng 2 điểm % so với lãi suất thông thường nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh.

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc nhà băng này cũng khẳng định, OCB đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đã giảm từ 1% đến 3% trong vài tuần qua đối với một số lĩnh vực để hỗ trợ DN.

"Thời gian tới, dự kiến mắt bằng lãi suất còn giảm thêm. Bởi, lãi suất cho vay cao thực chất là rủi ro cho ngân hàng vì nguy cơ nợ xấu rất lớn và các ngân hàng đều muốn giảm lãi suất chứ chẳng ai muốn neo cao như hiện tại", ông Tùng nói.

Trước đó, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, tại hội nghị kết nối ngân hàng, DN mới đây, 16 ngân hàng thương mại tại TP.HCM cũng đã ký cam kết cho 64 DN vay 11.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn 7%/năm và trung - dài hạn 10%/năm.

DN vẫn khó vay, vì sao?

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho hay, trước đây DN của mình được ngân hàng cho vay từ 30-50 tỷ đồng. Đùng một cái, năm 2018 ngân hàng "ngắt vốn" đột ngột khiến DN trở tay không kịp.

"Chúng tôi đang đầu tư một số dự án nhưng phải bỏ dở do nguồn tiền không liên tục. Để có vốn, DN phải bán bớt đất nông nghiệp đang canh tác. Càng xót xa hơn, những dự án chúng tôi đã đầu tư tới 70% trước đó như nhà xưởng, nhà máy sơ chế, kho trữ nông sản… ở nhiều tỉnh như Bến Tre và các tỉnh miền Trung giờ phải "trùm mền" chờ vốn, cỏ mọc um tùm và tài sản dần xuống cấp mà xót ruột ", ông Vũ nói.

Nhìn nhận thực tế là DN vẫn khó vay, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhấn mạnh, dù Chính phủ đã đưa nhiều chính sách hỗ trợ cho DN trong năm qua như gói hỗ trợ 2% lãi suất, gói cho vay phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, hạ lãi suất vay… nhưng thực tế nhiều DN vẫn chưa thể tiếp cận do không có tài sản để thế chấp, hệ thống báo cáo tài chính chưa chuẩn chỉnh, việc quản trị dòng tiền còn nhiều hạn chế…

"Để vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, các DN nhỏ và vừa có xu hướng tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ tài chính, vay vốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh nhưng đa phần sẽ phải chịu lãi suất cao", ông Hồng Anh nhận định. Ông Anh cũng nhấn mạnh rằng, với lãi suất vay trên 10-13%/năm, rất nhiều DN rơi vào tình trạng càng khó khăn, thậm chí có trường hợp đứng trước bờ vực phá sản vì lợi nhuận không đủ trả lãi vay.

Bà Phạm Thị Thanh Huyền - Quản lý Chương trình phát triển phát triển cơ sở hạ tầng tài chính Việt Nam và Campuchia (Nhóm tư vấn các định chế tài chính thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IFC) thông tin, có đến 70% DN vừa và nhỏ Việt Nam khó hoặc không thể tiếp cận được nguồn tài chính.

Lý do thường thấy, theo bà Huyền, là do DN thiếu tài sản bảo đảm, thiếu minh bạch về tài chính kế toán, chưa có phương án kinh doanh, quản trị dòng tiền yếu…

Giải cơn “khát vốn” của doanh nghiệp - bài 2: Ngân hàng “ngại” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay? - Ảnh 5.

Thực tế nhiều ngân hàng vẫn ngại cho các DNNVV vay. Ảnh: Quốc Hải

"Có một thực tế dở khóc dở cười là các DN nhỏ và vừa hiện nay có ít nhất là… 2 báo cáo tài chính. Một báo cáo là để nộp cho thuế, cái còn lại nộp cho ngân hàng nên khi thẩm định để cho vay thì không ngân hàng nào dám", bà Huyền nói.

Trước khó khăn của các DN và "thế khó" của các ngân hàng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại Hội nghị kết nối ngân hàng - DN TP.HCM năm 2023 vào cuối tháng 2 vừa qua, đã yêu cầu các ngân hàng khi triển khai các chính sách cần cung cấp thông tin công khai, minh bạch để các DN kịp thời nắm bắt thông tin, tiếp cận nguồn vốn, đồng thời cơ cấu lại nợ cũng như các vấn đề về lãi suất, tín dụng ưu đãi…

"Về phía các DN, đơn vị nào gặp khó khăn, cần trao đổi thẳng thắn với ngân hàng để ngân hàng có thể sắp xếp hoặc hỗ trợ. Đặc biệt, khi sử dụng nguồn vốn này, DN cần tái cơ cấu sản xuất kinh doanh để sử dụng vốn vay đạt hiệu quả cao nhất", ông Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu trước đó cũng nhận định, một số tập đoàn, DN bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động.

Ngoài ra, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, một số tập đoàn, DN bất động sản "đói vốn" nên phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, hay phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40% giá hợp đồng)…



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem