Giai đoạn 2022-2025, tiếp tục cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và MN, vùng ĐBKK

Phương Đông Thứ ba, ngày 11/01/2022 15:52 PM (GMT+7)
Tại hội nghị tổng kết 3 năm (2019-2021) thực hiện Quyết định số 45 của Thủ tướng Chính phủ diễn ra sáng nay 11/1, tại điểm cầu Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết, trong những năm tới, Nhà nước tiếp tục chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí và một số ấn phẩm khác cho vùng DTTS và MN, vùng ĐBKK...
Bình luận 0

Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được Ủy ban Dân tộc chủ trì tổ chức dưới hình thức trực tuyến với điểm cầu trung tâm đặt tại Hà Nội, kết nối với 49 điểm cầu tại 49 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chủ trì, chỉ đạo hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, cùng sự tham gia của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phạm Anh Tuấn. 

Thay đổi nhận thức, hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tích cực

Báo cáo tổng kết do đại diện Ủy ban Dân tộc và tham luận của đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố tại hội nghị khẳng định, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019-2021 là chính sách đúng, đáp ứng trúng nhu cầu, nguyện vọng của đồng bào. 

Giai đoạn 2022-2025, tiếp tục cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và MN, vùng ĐBKK - Ảnh 1.

Giai đoạn 2022-2025, tiếp tục cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và MN, vùng ĐBKK - Ảnh 2.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị.

Qua 3 năm thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đạt được những kết quả đáng mừng. Theo đó, Ủy ban Dân tộc với tư cách là cơ quan thường trực của chính sách đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong công tác chỉ đạo thực hiện Quyết định số 45. 

Kết quả thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg được thể hiện ở 6 mặt công tác. Đó là công tác quản lý chất lượng nội dung, hình thức, hiệu quả tuyên truyền trên các báo, tạp chí; công tác định hướng tuyên truyền các sự kiện chính trị, nội dung trọng tâm liên quan đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc; công tác xuất bản, phát hành, quản lý và sử dụng ấn phẩm; công tác quản lý, sử dụng kinh phí; công tác kiểm tra; công tác từ thiện nhân đạo...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, các ấn phẩm báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45 của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; truyền tải, lan tỏa sâu rộng bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; lan tỏa các mô hình sản xuất hay, cách làm tốt, giúp đồng bào dân tộc thiểu số các vùng miền chia sẻ, học tập, nhân rộng các mô hình điển hình...

Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, thông qua các ấn phẩm báo, tạp chí, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cơ bản đã tiếp nhận được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, từ đó, đồng bào thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi theo hướng tích cực; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; văn hóa-giáo dục, đảm bảo quốc phòng-an ninh...

"Rõ ràng nhất là trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian qua. Đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện rất tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phòng, chống dịch Covid-19. Có được điều đó cũng nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, trong đó có đóng góp của các ấn phẩm báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 45 của Thủ tướng Chính phủ...", Bộ trưởng Hầu A Lềnh khẳng định.

Tiếp tục thực hiện chính sách trong giai đoạn 2022-205

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự tại điểm cầu trung tâm ở Hà Nội và các đại biểu tại các điểm cầu ở các tỉnh, thành phố đều kiến nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần tiếp tục duy trì thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. 

Đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc các tỉnh Hà Giang, Bình Phước còn kiến nghị Nhà nước cấp miễn phí điện thoại thông minh cho một số đối tượng thụ hưởng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khóa khăn như người có uy tín, già làng, trưởng bản để đồng bào tiếp nhận thông tin từ báo điện tử.

Một số đại biểu kiến nghị, ngoài các ấn phẩm báo, tạp chí in, Nhà nước cần hỗ trợ cung cấp tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn các ấn phẩm xuất bản trên báo điện tử, phát thanh, truyền hình.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phạm Anh Tuấn khẳng định, trong những năm tới, việc cung cấp thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn ngoài hình thức ấn phẩm báo, tạp chí giấy thì sẽ khuyến khích thêm, tăng cường báo điện tử, kênh phát thanh, truyền hình. 

Giai đoạn 2022-2025, tiếp tục cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và MN, vùng ĐBKK - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phạm Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ chủ trì nâng cao công tác giám sát, kiểm tra, tập trung vào số lượng báo, tạp chí phát hành, khắc phục tình trạng ở một số nơi, ở một số thời điểm việc phát hành báo, tạp chí còn chậm.

Về việc phát hành ấn phẩm là báo điện tử, kênh phát thanh, truyền hình cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn khẳng định, về cơ bản cơ sở hạ tầng viễn thông, thông tin đáp ứng được trong bối cảnh năm 2022, 100% số xã, thị trấn (bao gồm cả các xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn) của Việt Nam sẽ phủ sóng 3G và 4G.

"Việc cấp báo, tạp chí, phát hành báo điện tử, kênh phát thanh, truyền hình cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn phải nâng cao về chất lượng, hiệu quả. Phải đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền làm sao để giúp bà con phát triển kính tế-văn hóa. Muốn thế các báo, tạp chí phải bám sát vào chương trình, kế hoạch của Chính phủ; các tác phẩm báo chí phải có nội dung chuyên sâu, có giá trị lâu dài...", Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn gợi ý.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, sau khi kết thúc việc thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg, giai đoạn 2019-2022, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, có chính sách tiếp tục cấp một số báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. 

Việc này đã được thể hiện tại Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025.

Để thực hiện Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Hầu A Lềnh đã yêu cầu các đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc nhanh chóng, tích cực tham mưu; đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan tích cực phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý, kế hoạch thực hiện nhằm sớm tổ chức việc cấp một số báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn trong giai đoạn mới.

Bộ trưởng Hầu A Lềnh cũng thông tin, trong giai đoạn tiếp theo, việc cấp một số báo, tạp chí vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ có điểm mới. Đó là, ngoài việc cấp một số báo, tạp chí in thì còn có "cấp thêm một số ấn phẩm báo chí khác". Ấn phẩm báo chí khác ở đây có thể là báo điện tử, kênh phát thanh, truyền hình.

Trong giai đoạn mới, Bộ trưởng Hầu A Lềnh đề nghị các báo, tạp chí cần nâng cao, đổi mới nội dung, hình thức các ấn phẩm trên phương châm thực hiện phải bài bản hơn, hiệu quả hơn...



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem