Người Việt Nam làm việc ở nước ngoài được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng cách này

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 22/07/2022 18:02 PM (GMT+7)
Chăm sóc sức khỏe cho người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là vấn đề quan trọng, tuy nhiên lâu nay chưa được quan tâm. Để giúp lao động chăm sóc tốt hơn về sức khỏe, nhiều đơn vị đang xúc tiến việc ban hành cuốn sổ tay sức khỏe người di cư.
Bình luận 0

Cần sớm ban hành sổ tay sức khỏe người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Hôm nay (22/7), Cục quản lý Lao động ngoài nước Bộ LĐTBXH phối hợp với Tổ chức lao động Quốc tế (IOM) tổ chức Họp chuyên đề Giới thiệu Sổ tay sức khỏe thân thiện cho người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Ông Đặng Sỹ Dũng - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, có khoảng 600.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thuộc 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Số kiều hối chuyển về nước ước đạt 3-4 tỷ USD.

Năm 2019, có hơn 147.000 người việt nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó, ba thị trường phổ biến nhất là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), và Hàn Quốc. Trong đó Nhật Bản và Đài Loan là hai thị trường chính, chiếm tới 90% lao động đi làm việc ở nước ngoài.

người việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước và đại diện Tổ chức IOMlaays ý kiến doanh nghiệp góp ý xây dựng nội dung cuốn sổ tay. Ảnh: N.Thắng.

Theo ông Dũng, vấn đề đảm bảo sức khỏe cho người việt nam đi làm việc ở nước ngoài là vấn đề quan trọng, tuy nhiên chưa được quan tâm. Vừa qua Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã nghiên cứu về vấn đề “Tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong đại dịch Covid-19”. Từ nghiên cứu này nhóm đã đề xuất làm cuốn sổ tay hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và tiếp cận dịch vụ y tế thân thiện với người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Dự kiến sổ tay chăm sóc sức khỏe lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ được chia làm 9 phần. Trong đó có một số phần cơ bản như: Hướng dẫn đến phòng khám, bệnh viện; phần bệnh truyền nhiễm; phần chăm sóc sức khỏe tinh thần; phần sức khỏe nghề nghiệp; sức khỏe giới tính, sức khỏe sinh sản; các số điện thoại đường dây nóng; đóng BHXH, BHYT...

"Vấn đề chăm sóc sức khỏe rất quan trọng nhưng người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hầu như chưa quan tâm và cũng không có kiến thức về vấn đề này. Vì thế, việc ban hành sổ tay chăm sóc sức khỏe được xem là cơ hội giúp chăm sóc tốt hơn cho nhóm lao động này".

Bà bà Aiko Kaji -Chuyên gia sức khỏe di cư của Tổ chức di cư quốc tế (IOM) Việt Nam

Sổ tay chăm sóc sức khỏe trước mắt được làm thí điểm và phát cho lao động đi làm việc ở 2 thị trường là Hàn Quốc, Nhật Bản. Sau đó, nếu thành công sẽ nhân rộng ra ở các thị trường khác.

Ông Nguyễn Như Tuấn - Phó trưởng phòng Thông tin truyền thông (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho rằng vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không chỉ có ích với người lao động mà còn có ích với cả chủ sử dụng lao động. Lao động có khỏe mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh mới được duy trì và phát triển.

"Ngoài sức khỏe chung, mỗi đơn hàng, hay một công việc lại đòi hỏi lao động phải có đủ sức khỏe để đáp ứng công việc khác nhau. Ví dụ với lao động đi làm nông nghiệp, công việc nhặt trứng gà thì không thể có vấn đề sức khỏe về cột sống được", ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, hiện nay một số doanh nghiệp đã đưa vấn đề sức khỏe vào dạy định hướng, tuy nhiên các kiến thức mới chỉ dừng lại ở kiến thức cơ bản, chưa cụ thể.

Nhiều người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài không thể tiếp cận dịch vụ y tế

Từng là lao động đi làm việc tại Hàn Quốc, chị Nguyễn Thị Vân, 34 tuổi (Hải Phòng) cho biết, thời gian trước đây khi còn làm việc ở Hàn Quốc, chị từng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe.

"Thể trạng yếu lại làm trong trang trại chuyên chăm sóc gia cầm, phải bê vác nặng nhọc nên tôi thường xuyên bị ốm. Đó là chưa kể phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe giới tính sinh sản... nhưng không có điều kiện đi thăm khám. Một phần vì sợ chi phí thăm khám đắt đỏ, phần vì là lao động bất hợp pháp sợ bị bắt", chị Vân kể lại.

Bà Trần Tuyết Lương - cán bộ dự án IOM Việt Nam cho biết, không riêng gì chị Vân nhiều lao động khác của Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc hay Nhật bản đều rơi vào tình trạng như vậy. "Đa phần người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là lao động trẻ. Nhu cầu yêu đương hay quan hệ tình dục là rất cao, nhưng khi học đối mặt với các vấn đề sức khỏe, sinh sản hay tình dục thì lại không có kiến thức, không biết tìm tới đâu để được hỗ trợ", bà Lương nói.

Nhiều lao động còn không hiểu gì về pháp luật sở tại, không nắm được các nguyên tắc hoạt động chăm sóc sức khỏe nước sở tại nơi mình làm việc, vì thế khi gặp vấn đề về sức khỏe thì bỏ qua.

"Ví dụ như Hàn Quốc, lao động bị cấm nạo phá thai, lao động không được tự ý mua thuốc tránh thai. Nếu không có kiến thức thì khi xảy ra tình huống khẩn cấp lao động sẽ không biết tìm tới đâu để được hỗ trợ", bà Lương nói.

Bên cạnh đó, kết quả của những nghiên cứu cũng cho thấy, hầu hết lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chỉ chú ý tới vấn đề làm việc, kiếm tiền. Nhiều người tăng ca tới kiệt sức. Một số khác (nhiều nhất là lao động bất hợp pháp) thì đối mặt với các áp lực từ công việc, có dấu hiệu trầm cảm nhưng không được phát hiện kịp thời và để lại hậu quả đáng tiếc. Rất ít lao động đi khám bệnh khi ốm.

Ở góc độ đơn vị phái cử lao động, bà Nguyễn Thị Kim Bình - Trung tâm lao động ngoài nước đánh giá cao ý nghĩa của việc ban hành cuốn sổ tay chăm sóc sức khỏe. Bà Bình mong cuốn sổ tay sớm hoàn thiện để phát cho lao động. "Ngoài sổ tay chăm sóc sức khỏe, chúng tôi cũng kiến nghị bổ sung thêm sổ tay pháp luật cho lao động", bà Bình nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem