Giải pháp khai thông bế tắc, tạo động lực phát triển thị trường lao động trong thời gian tới

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 20/08/2022 06:31 AM (GMT+7)
Sáng nay (20/8), Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại bền vững và hội nhập. Hội nghị nhằm tìm một số giải pháp trọng tâm phát triển thị trường lao động.
Bình luận 0

Nhiều yếu tố tác động bất lợi tới thị trường lao động

Thị trường lao động là nền tảng căn cơ giúp đất nước phát triển hội nhập. Sau 35 đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, đầy đủ và hội nhập quốc tế.

Tuy vậy, từ năm 2020-2022 thi trường lao động Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, qua đó bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh, những điểm yếu, hạn chế những nhân tố cần quan tâm khai thác để phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững trong ngắn và dài hạn.

thị trường lao động

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm tặng quà cho công nhân tại Bắc Giang. Ảnh: Thanh Hải

Đại dịch Covid -19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng mạnh đến thị trường lao động. Tính trong quý II năm 2022, cả nước vẫn còn hơn 8 triệu người chịu tác động của dịch Covid-19, 400.000 người bị mất việc, chiếm 5,3%; 0,5 triệu người không tìm được việc làm, chiếm 5,7% lực lượng lao động; 2,4 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 29,5% và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 81,7% tổng số lao động.

Thời gian tới, các xu hướng chủ đạo như già hóa dân số, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các nguy cơ bất ổn truyền thống và phi truyền thống từ bên ngoài như xung đột chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng sẽ tiếp tục mang đến các cơ hội và thách thức lớn cho phát triển thị trường lao động Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam phải tuân thủ các “luật chơi” chung, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, tiêu chuẩn về quản trị thị trường lao động hiện đại theo chuẩn mực quốc tế. Tác động của cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra những vấn đề mới; nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc đóng vai trò ngày một lớn trọng sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện tại.

Để phát triển thị trường lao động, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, điều hết sức chú trọng là cần chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Bởi lẽ, con người luôn phải là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị cần hoàn thiện và tăng cường các giải pháp để hỗ trợ chăm lo đời sống, việc làm cho công nhân, lao động. Tiếp tục tăng cường đào tạo đảm bảo nguồn nhân lực cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

Về trung và dài hạn, cần nghiên cứu và có các chính sách, giải pháp có tính hệ thống, tổng thể giải quyết căn cơ vấn đề việc làm, thu nhập, đời sống của NLĐ, nhất là với nhóm thu nhập thấp, người nhập cư, lao động nữ (gồm chính sách thu hút đầu tư, lương, bảo hiểm, đào tạo nghề, nhà ở, nơi học tập, khám chữa bệnh…). Điều này không chỉ đảm bảo nguồn nhân lực hiện tại, mà còn chăm lo nguồn nhân lực tương lai, thế hệ con cái của họ...

So với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp (quý II năm 2022 mới chỉ đạt 26,2%). Hơn 66% lao động có trình độ trung học phổ thông; chỉ 7,7% công nhân lao động học ngoại ngữ.  Do vậy vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục, phát triển thị trường lao động. 

4 giải pháp trọng tâm phát triển thị trường lao động trong thời gian tới

Để phát triển thị trường lao động, Thủ tướng chính phủ yêu cầu thực hiện 4 nhóm giải pháp. 

Giải pháp đầu tiên là tập trung phát triển thị trường lao động, tạo việc làm. Chủ động tham mưu báo cáo Chính phủ đảm bảo điều kiện phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Giải pháp thức 2 là xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình phát triển thị trường lao động tới năm 2030 và các chương trình phục hồi lao động.

Thứ 3 là đẩy mạnh chỉ thị 16 về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống cải thiện điều kiện làm việc của công nhân, lao động, giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo ổn định việc làm, đời sống lao động trong các khu công nghiệp, lao động phổ thông, lao động có thu nhập thấp gặp khó khăn.

phatr triển thị trường lao động

Để phát triển thị trường lao động, Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho công nhân, lao động. Ảnh: T.H

Giải pháp thứ 4 là đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo đặc biệt là đào tạo nghề. Nâng cao hiệu quả đào tạo và cơ hội tiếp cận giáo dục, đào tạo với mọi người dân, gắn kết chặt chẽ đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội. Ưu tiên đào tạo một số ngành mũi nhọn, có hàm lượng tri thức cao, nhu cầu lao động lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, các ngành có khả năng tạo động lực và dẫn dắt các ngành khác phát triển nhằm tạo độc lực giải quyết việc thiếu hụt nhân lực cục bộ, phục hồi kinh tế nhanh và bền vững.

Cũng trong hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về Phát triển thị trường lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Thủ tướng giao tất cả các bộ ngành cùng chung tay thực hiện nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem