Giải quyết bài toán xây dựng đô thị thông minh bằng giải pháp quản lý hạ tầng pháp lý rõ ràng

Thanh Tùng Thứ sáu, ngày 02/12/2022 06:05 AM (GMT+7)
Chiều 01/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam 2022. Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh vào các tiền đề phát triển thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển đô thị thông minh; mô hình triển khai hạ tầng công nghệ cho đô thị thông minh.
Bình luận 0

Còn thiếu hành lang pháp lý trong quá trình xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam

Hội nghị đã đặt ra nhiều vấn đề và hướng giải pháp trong quá trình hoàn thiện quy hoạch xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam. Theo đó, yêu cầu xây dựng và phát triển Đô thị thông minh là xu thế tất yếu của các thành phố, đô thị.

Tại Việt Nam việc phát triển đô thị thông minh bền vững đóng vai trò quan trọng trong khai thác phát huy tiềm năng và lợi thế về tài nguyên và con người, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sự phát triển bền vững và tăng cường hội nhập quốc tế.

Giải quyết bài toán xây dựng đô thị thông minh bằng giải pháp quản lý hạ tầng pháp lý rõ ràng - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị thành phố thông minh Việt Nam 2022. Ảnh: Thanh Tùng.

Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển thành phố thông minh, nhưng cũng gặp không ít thách thức. Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp công nghệ và lãnh đạo các đô thị đã rất nỗ lực phát triển các đô thị thông minh.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là hành lang pháp lý chưa rõ ràng, thuận lợi cho hợp tác công tư đặc biệt các thủ tục liên quan đến đầu tư, đấu thầu và thuế dịch vụ CNTT. Thêm vào đó, hiện các đô thị chưa chú trọng quy hoạch thông minh, thông minh hóa các hạ tầng cơ bản, thiết yếu.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết: "Về bản chất, phát triển ĐTTM cũng chính là thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi, quy mô đô thị và lấy người dân làm trung tâm. Đây là một quá trình liên tục, lâu dài và là vấn đề lớn cần tổ chức nguồn lực để triển khai. Đặc biệt là cần làm và có tư duy phát triển đô thị thông minh ngay từ khi lập quy hoạch, làm từ đầu khi quy hoạch phát triển đô thị.

Trong đó, các cơ quan trung ương tập trung vào ban hành chính sách, tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu, việc tổ chức triển khai hiệu quả là trách nhiệm của các địa phương".

Giải quyết bài toán xây dựng đô thị thông minh bằng giải pháp quản lý hạ tầng pháp lý rõ ràng - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Tùng.

Theo quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, bên cạnh một số kết quả đã đạt được thì hiện nay các địa phương hiện nay vẫn đang tập trung vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh, chủ yếu gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, chứ chưa chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề căn cơ các bài toán của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường,…

Từ đó dẫn tới hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn, chưa thực sự đi vào chiều sâu, chưa đạt được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hài lòng của người dân trong đô thị.

Chính vì vậy cần tổ chức lực lượng triển khai và cần có tư duy về đô thị thông minh ngay từ khâu quy hoạch phát triển đô thị, coi là nhiệm vụ phải làm từ đầu. Trong đó cơ quan trung ương tập trung ban hành chính sách tiêu chuẩn kết nối, tiêu chuẩn dữ liệu còn tổ chức triển khai hiệu quả là trách nhiệm của các địa phương.

Học hỏi kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh

Nói về kinh nghiệm trong xây dựng đô thị thông minh, mối quan hệ giữa chuyển đổi số và đô thị thông minh tại Việt Nam, TS. Nguyễn Nhật Quang – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA chia sẻ: "Cần cấy gen 3Q vào các đô thị, bao gồm: quy hoạch tức là hạn chế nguồn lực càng cần thông minh, thông minh hóa cái cũ, và cái mới thì phải thông minh từ đầu; quy chế phải thuận lợi mới khuyến khích mọi thành phần cùng chung tay vào cuộc; và quy chuẩn phải có chuẩn, chuẩn kết nối, liên thông, từ hạ tầng cơ bản đến hạ tầng số.

Giải quyết bài toán xây dựng đô thị thông minh bằng giải pháp quản lý hạ tầng pháp lý rõ ràng - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Nhật Quang – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA chia sẻ về kinh nghiệm trong xây dựng đô thị thông minh. Ảnh: Thanh Tùng.

Chúng ta đã bước qua các cuộc cách mạng cơ giới hoá, điện khí hoá, tự động hoá và thông minh hoá. Đặc trưng của thông minh hoá là hệ thống thực số. chuyển đổi số chuyển từ thực thể sang vật lý số, tích hợp công nghệ số vào thành phố tức là làm cho nó thông minh hơn hiện đại hơn trong thế giới thực.

Chuyển đổi số là quá trình, đô thị thông minh là đích đến. Giải pháp đô thị thông minh cần kết hợp công nghệ, các giải pháp công trình và giải pháp quản lý. Quy hoạch, quy chế, quy chuẩn cần nhất để xây dựng thành phố thông minh.

TS. Smich Butcharoen – Giám đốc Phát triển Dịch vụ 5G, Công ty Viễn thông Quốc gia Thái Lan đã chia sẻ tại hội nghị về kinh nghiệm của Thái Lan trong việc xây dựng đô thị thông minh. Thái Lan rất coi trọng xu hướng xây dựng các thành phố thông minh để giải quyết các thách thức, và có mối quan hệ không thể tách rời với tầm nhìn 20 năm xây dựng Thai Lan Số (Digiatal Thailand).

Chính phủ Thái Lan đã hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển các đô thị thông minh do Ủy ban Quốc gia về Smart City phụ trách bao gồm 4 tầng: tầm nhìn, kế hoạch quốc gia; khung chính sách; luật; và văn bản hướng dẫn. Điều này đã tạo thuận lợi lớn cho các đô thị nhanh chóng giải quyết được các thách thức, và triển khai hiệu quả.

Tại Việt Nam, thành phố thông minh giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp.

Theo chia sẻ của ông Steven Michael Furst – Giám đốc tư vấn cấp cao công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT, việc triển khai xây dựng đô thị thông minh thành công khi hạ tầng phù hợp và hỗ trợ quy hoạch vùng, đô thị tổng thể; các dịch vụ công và dịch vụ tư được cung cấp một cách thông minh, hiệu quả và liền mạch.

Do đó chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, xã hội cần phối hợp nhịp nhàng để đạt được các mục tiêu chung; các chương trình triển khai từ trên xuống được cân bằng với nhu cầu từ dưới lên của cộng đồng dân cư số có cam kết và năng lực; cuộc sống của người dân được cải thiện; thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tạo việc làm và sinh kế đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường cho tất cả mọi người.

Giải quyết bài toán xây dựng đô thị thông minh bằng giải pháp quản lý hạ tầng pháp lý rõ ràng - Ảnh 4.

Các chuyên gia, nhà quản lý tiến hành trao đổi, tìm kiếm giải phát bền vững cho vấn đề phát triển đô thi thông minh. Ảnh: Thanh Tùng.

Cũng trong phiên khai mạc sự kiện đã diễn ra triển lãm các gian hàng dành cho các giải pháp, nền tảng, dịch vụ cho Trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh, giao thông thông minh, tòa nhà thông minh, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế với các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng CNTT.

Trong hai phiên tổ chức, Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam 2022 sẽ cập nhật, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như thảo luận tập trung vào chủ đề hạ tầng thông minh với các phiên chuyên đề về hạ tầng pháp lý, hạ tầng công nghệ và các giải pháp công nghệ xây dựng các khu đô thị thông minh… Từ đó giúp quản lý hiệu quả hoạt động của thành phố và đem lại các tiện ích thiết thực, an sinh xã hội cho người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem