Giảm 121 thủ tục hành chính trong 5 năm, Tổng cục Lâm nghiệp ghi điểm với doanh nghiệp

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 28/12/2020 11:32 AM (GMT+7)
Nhờ đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính về lâm nghiệp, giảm số thủ tục hành chính từ 154 thủ tục hành chính năm 2015 xuống còn 33 thủ tục hành chính tính đến tháng 3/2020, Tổng cục Lâm nghiệp được đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác cải cách hành chính của Bộ NNPTNT.
Bình luận 0

Xuất khẩu gỗ đạt con số ấn tượng

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 11/2020 đạt 1,24 tỷ USD, tăng 28,6% so với tháng 11/2019. 

Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,01 tỷ USD, tăng 32,1% so với tháng 11/2019. Trong 11 tháng năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,47 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019. 

Theo đánh giá, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng trưởng mạnh, là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước trong năm 2020. 

Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành gỗ trong thời gian qua là nhờ các chính sách của Chính phủ và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết như: CPTPP, EVFTA. 

Giảm 121 thủ tục hành chính trong 5 năm, Tổng cục Lâm nghiệp ghi điểm với doanh nghiệp - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ năm 2020 có thể đạt 12,5 tỷ USD. Ảnh: I.T

Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có mức độ cam kết cao, toàn diện sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới, giúp doanh nghiệp gỗ Việt Nam mở rộng thị phần xuất khẩu sang các thị trường. 

Các Hiệp định cũng tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở, thuận lợi, minh bạch cho hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu, dịch vụ, đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ. 

Các nước ký Hiệp định thường đưa ưu đãi mức thuế nhập khẩu về 0% ngay hoặc trong 4 - 6 năm cho ngành gỗ Việt Nam; giúp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm gỗ Việt Nam với sản phẩm từ các nước xuất khẩu gỗ khác. 

Bên cạnh cơ hội có được, thách thức đối với ngành gỗ cũng rất lớn. Hội nhập sâu rộng, dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt đối với các sản phẩm xuất khẩu của các nước sản xuất về giá cả, mẫu mã và chất lượng. 

Để phát triển ngành gỗ bền vững và đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng tới, ngành gỗ cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá thương hiệu ngành gỗ.

Cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm

Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, nhờ đẩy mạnh cải cách hành chính, Tổng cục Lâm nghiệp đã góp phần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ hoạt động hiệu quả. 

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020; Chương trình cải cách hành chính của Bộ NNPTNT giai đoạn 2011- 2020, Tổng cục Lâm nghiệp luôn xác định cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. 

Giảm 121 thủ tục hành chính trong 5 năm, Tổng cục Lâm nghiệp ghi điểm với doanh nghiệp - Ảnh 2.

Chỉ trong 5 năm, ngành lâm nghiệp đã giảm tới 121 thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp hoạt động. Ảnh: I.T

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, trong những năm qua, Tổng cục đã thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thể chế, hoàn thành việc xây dựng Luật Lâm nghiệp và hệ thống văn bản dưới Luật.

Việc giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Tổng cục Lâm nghiệp được thực hiện theo đúng quy trình của từng thủ tục hành chính từ tiếp nhận và trả kết quả được thực hiện đúng thời hạn giải quyết của thủ tục hành chính, không gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp. 

Nhờ đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính về lâm nghiệp, giảm số thủ tục hành chính từ 154 thủ tục hành chính năm 2015 xuống còn 33 thủ tục hành chính tính đến tháng 3/2020, Tổng cục Lâm nghiệp được đánh giá là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác cải cách hành chính của Bộ NNPTNT.

Về xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục Lâm nghiệp được thực hiện theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật. 

Công tác rà soát văn bản thuộc lĩnh vực lâm nghiệp được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát văn bản; không bỏ sót văn bản thuộc trách nhiệm rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát; tuân thủ trình tự, thủ tục thực hiện rà soát.

Bằng nhiều hình thức như thông qua đào tạo, tập huấn; hội nghị, hội thảo; phát hành các tài liệu về pháp luật lĩnh vực lâm nghiệp; xây dựng, cập nhật tủ sách pháp luật của đơn vị, Tổng cục Lâm nghiệp đã tăng cường phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản mới ban hành và văn bản có liên quan mật thiết đến chức năng, nhiệm vụ đến các cán bộ, người dân và doanh nghiệp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem