Giảm 50% đơn hàng xuất khẩu gỗ đi Mỹ và Châu Âu, doanh nghiệp "than" nếu kéo dài sẽ rất khó khăn

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 25/08/2022 14:33 PM (GMT+7)
Một số doanh nghiệp xuất khẩu gỗ ở Đồng Nai, Bình Dương cho biết, do tình hình lạm phát ở Mỹ và châu Âu nên các đơn hàng xuất khẩu đã giảm 50% so với năm 2020 và 2021.
Bình luận 0

Chia sẻ với Dân Việt, ông Trần Văn Thặng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Toàn Tâm Phát (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cho biết, 80% sản phẩm bàn, ghế, giường, tủ của công ty xuất khẩu đi thị trường Mỹ, còn lại là châu Âu.

Tuy nhiên, hiện nay, do ảnh hưởng của chiến sự giữa Nga và Ukraine, cộng với đó, chi phí logistic tăng cao và hiện nay, Mỹ và các nước châu Âu lạm phát rất cao khiến các đơn hàng của công ty này giảm mạnh tới 50%. Mặc dù nhà máy cần tới 900 công nhân để sản xuất nhưng do đơn hàng khan hiếm nên mới tuyển dụng được 50% lao động.

Ông Thặng cho hay, trong giai đoạn này, công ty phải đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng bởi lạm phát ở Mỹ, châu Âu dẫn đến nhu cầu sử dụng dồ gỗ giảm mạnh. Bên cạnh đó, xung đột Nga và Ukraine đẩy giá dầu lên cao khiến chi bí cũng bị đội lên.

Đơn hàng giảm 50%, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ "than"  - Ảnh 1.

Công nhân làm việc bên trong xưởng chế biến gỗ của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Toàn Tâm Phát (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: Minh Ngọc

Cũng giảm tới 50% đơn hàng xuất khẩu gỗ đi Mỹ, bà Zhang Ying - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Inni Home (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cho biết, nếu như năm 2020 và 2021 tổng giá trị xuất khẩu luôn duy trì từ 1 đến 1,2 triệu USD/tháng thì thời điểm này chỉ còn 600.000 - 700.000 USD/tháng.

Theo bà Zhang Ying, hiện, công ty có 600 công nhân đang làm việc nhưng phần lớn là hoàn thành các đơn hàng đã được đặt từ nhiều tháng trước đó. Còn hiện tại số đơn hàng về nhỏ giọt, công ty gặp rất nhiều khó khăn.

"Nếu từ nay đến cuối năm 2022, đơn hàng tiếp tục giảm thì công ty đứng trước nguy cơ phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất", bà Zhang Ying - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Inni Home nói với Dân Việt.

Theo báo cáo “Biến động về thị trường xuất khẩu của ngành gỗ: Từ góc nhìn doanh nghiệp” do Nhóm nghiên cứu của các hội, hiệp hội ngành gỗ khảo sát trên 52 doanh nghiệp vừa công bố cho thấy, tại thị trường Mỹ số lượng doanh nghiệp có đơn hàng giảm trung bình 45,4%; một số doanh nghiệp không còn đơn hàng. Tại thị trường châu Âu (EU), mức giảm trung bình của doanh nghiệp khoảng 44,6%, trong đó một doanh nghiệp có số đơn hàng giảm 80 - 100%. 

Thị trường Anh cũng chứng kiến mức giảm rất mạnh, trung bình 47,3% với một số doanh nghiệp giảm 100%. Số lượng đơn hàng xuất khẩu đến các thị trường khác cũng có mức giảm cao, trung bình khoảng 36,3%; một số doanh nghiệp bị giảm đến 80%.

Tình hình xuất khẩu tại các thị trường khác diễn biến tương tự nhưng mức độ suy giảm thấp hơn. Đơn cử, Hàn Quốc giảm 5% trong so với cùng kỳ năm 2021, ở mức 79,5 triệu USD. Hay Canada giảm 15% xuống 22,4 triệu USD. Các thị trường nhỏ hơn như Pháp, Đức giảm lần lượt 18% và 24%. Nhóm thị trường khác cũng giảm 23%. 

Tổng cục Hải quan thống kê trong tháng 7, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,31 tỷ USD, giảm 7% so với tháng trước đó. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,7 tỷ USD, cao hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ có sự biến động lớn nhất, lũy kế 7 tháng là 5,56 tỷ USD, giảm 5,6%.

Giảm 50% đơn hàng xuất khẩu gỗ đi Mỹ và Châu Âu, doanh nghiệp "than" nếu kéo dài sẽ gặp rất nhiều khó khăn - Ảnh 3.

Hiệp hội Gỗ và Thủ Công mỹ nghệ Đồng Nai cũng cho biết các doanh nghiệp thành viên đang phải đối mặt tình trạng giảm, chậm, hủy hay không có đơn hàng, kéo theo sụt giảm về nguồn lao động và khó khăn về tài chính. Ảnh: Minh Ngọc

Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cho biết, những con số trên phần nào phản ánh bức tranh thị trường gỗ thời gian qua. Bắt đầu từ tháng 4, 5 các đơn hàng có xu hướng sụt giảm xuất khẩu vào Mỹ và EU. Nguyên nhân do lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu, hơn nữa đồ nội thất cũng không quá quan trọng vào thời điểm này.

Cùng với đó, số lượng đặt hàng của nhà mua hàng bị biến động. Trong dịch Covid-19, các nhà mua hàng đặt nhiều để dự phòng khi đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn có hàng. Tuy nhiên, hậu Covid-19 thì lượng hàng tồn kho rất cao. Thời điểm này các nhà mua hàng đang phải tái cấu trúc lại hệ thống tồn kho, việc này mất từ 6 tháng đến 1 năm.

Hiệp hội Gỗ và Thủ Công mỹ nghệ Đồng Nai cũng cho biết, các doanh nghiệp thành viên đang phải đối mặt tình trạng giảm, chậm, hủy hay không có đơn hàng, kéo theo sụt giảm về nguồn lao động và khó khăn về tài chính.

Các doanh nghiệp phán đoán số lượng đơn hàng sang tất cả thị trường sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh trong những tháng còn lại của năm. Hiện, 80% doanh nghiệp cho biết doanh thu sụt giảm so với năm 2021. Mức sụt giảm đơn hàng trung bình tại các thị trường Mỹ, EU và Anh được dự báo là trên 40%. Có đến 60% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang phải chịu sức ép về tài chính; 70% doanh nghiệp chịu áp lực về chi phí cho lao động và nguyên liệu đầu vào.

Theo ông Phương, khi đơn hàng chậm lại, hàng không xuất được sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp dẫn đến khó thanh toán những khoản vay tới hạn cho ngân hàng. Thời điểm này các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhất là về vốn. 

“Các ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng những khoản nợ tới hạn phải trả thì cho gia hạn. Như vậy doanh nghiệp sẽ không vướng vào nợ xấu, và khi khủng hoảng đi qua các đơn hàng quay trở lại thì doanh nghiệp sẽ phục hồi nhanh. Một số doanh nghiệp hiện vẫn còn đơn hàng, có thể sản xuất tồn kho, doanh nghiệp cũng cần vốn lưu động để giải quyết các vấn đề về nguyên vật liệu và chi trả cho lao động", ông Phương cho biết.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem