Giảm 50% lượng phân bón, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL vẫn thu hoạch mỏi tay

Trần Đáng - Quang Sung Thứ năm, ngày 23/02/2023 13:29 PM (GMT+7)
Nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đang làm “cuộc cách mạng về phân bón” khi có thể giảm 50% lượng phân bón mà sản lượng lúa không thay đổi nhờ vào một công thức phân bón thế hệ mới.
Bình luận 0

Nhờ trồng lúa theo công thức phân bón thế hệ mới này, ông Hai Nhẫn (Võ Văn Nhẫn, xã Kiên Bình, Kiên Lương, Kiên Giang) đã nâng sản lượng lúa từ 3 – 4 tấn/ha lên gấp đôi.

Giảm 50% lượng phân bón, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL vẫn thu hoạch mỏi tay - Ảnh 1.

Từ khi dùng công thức phân bón thế hệ mới, ông Hai Nhẫn (Võ Văn Nhẫn, xã Kiên Bình, Kiên Lương, Kiên Giang) đã nâng sản lượng lúa từ 3 – 4 tấn/ha lên 10 tấn/ha. Ảnh: Trần Đáng

Thế hệ mới trồng lúa

Vụ lúa đông xuân trễ này ông Hai Nhẫn trồng 200ha, trong đó, 60ha lúa ST24 đặc sản và 140ha lúa IR50404. Hôm chúng tôi đến thăm đồng, trà lúa ST24 đang trổ đòng và trà lúa IR50404 đang chuẩn bị thu hoạch.

Theo ông Hai Nhẫn, hơn 10 năm trước chính tay ông khai hoang cánh đồng đang trồng lúa IR50404 này. Khai hoang đất lung phèn khu Tứ giác Long Xuyên này đến đâu, ông Hai Nhẫn cho trồng lúa đến đó.

Tuy nhiên, theo ông Hai Nhẫn, mất đến mấy năm trời tìm mọi cách trồng lúa ông vẫn không nâng được sản lượng. Sản lượng lúa vẫn nằm ở ngưỡng 3 – 4 tấn/ha/vụ.

"Tôi tốn rất nhiều công sức, tiền của để khai hoang trồng lúa, nhưng sản lượng vẫn thấp lè tè khiến tôi rất nản lòng", ông Hai Nhẫn thổ lộ.

Vài năm trước, được người bạn thân giới thiệu, ông Hai Nhẫn tiếp cận một loại phân bón thế hệ mới có hoạt chất Eco – Nanomix của Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Phân bón Bình Điền II.

Theo ông Hai Nhẫn, loại phân bón này làm cho đất tơi xốp, giúp cây trồng hấp thụ triệt để phân bón. Hoạt chất Eco – Nanomix phá vỡ các chất cố định trong đất, giúp lúa hấp thụ chất dinh dưỡng có sẵn trong đất.

Sử dụng loại phân bón thế hệ mới này, ông Hai Nhẫn chỉ còn bón phân 2 lần/vụ, thay vì 4 lần như trước đây, giảm khoảng 40 - 50% lượng phân bón. Ngoài ra, bón loại phân bón này cho thấy trà lúa ít sâu bệnh, kéo theo ông Hai Nhẫn cũng giảm tối thiểu lượng thuốc trừ sâu bệnh. Việc sử dụng loại phân bón này còn làm giảm phát thải khí CO2 ra môi trường.

CLIP: Ông Hai Nhẫn (Võ Văn Nhẫn, xã Kiên Bình, Kiên Lương, Kiên Giang) chia sẻ việc nâng sản lượng lúa từ 3 – 4 tấn/ha lên gấp đôi bằng phân bón thế hệ mới của Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Phân bón Bình Điền II. CLIP: Quang Sung

Đặc biệt, theo ông Hai Nhẫn, dù giảm lượng phân bón đến 50% nhưng sản lượng lúa rất tốt. Ông Hai Nhẫn tính, hiện tại trà lúa IR50404 sắp thu hoạch có năng suất lúa khoảng 10 tấn/ha. Còn tại trà lúa ST24, năng suất lúa khoảng 8 tấn/ha. "Vụ lúa đông xuân này đạt năng suất nhất từ trước đến nay", ông Hai Nhẫn thổ lộ.

Nếu như ông Hai Nhẫn đã sử dụng loại phân thế hệ mới này được vài năm, thì ông Trần Văn Quang (xã Phú Lợi, Thanh Bình, Đồng Tháp) vụ lúa đông xuân này mới sử dụng. Hiện, trà lúa 1ha thử nghiệm loại phân bón thế hệ mới của ông Quang đang trổ đòng quằn hạt.

"Lúc mới sử dụng loại phân bón thế hệ mới này tôi cũng ớn, sợ lúa thất là chết với bả", ông Quang cười tủm tỉm.

Với trà lúa này, cho tới giờ ông Quang mới chỉ bón 2 đợt phân, 1 đợt xịt thuốc và chờ thu hoạch.

"So với việc trồng lúa trước đây, vụ lúa này rất tốt. Lúa cứng cây, lá đứng, cầm màu… êm lắm. Tôi tính, sản lượng cũng phải cả chục tấn cho trà lúa này. Vụ lúa sau, tôi sẽ dùng loại phân này cho cả 10ha lúa nhà", ông Quang nói chắc nịch.

"Một cuộc cách mạng" trồng lúa

Giảm 50% lượng phân bón, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL vẫn thu hoạch mỏi tay - Ảnh 4.

Phía sau ông Trần Văn Quang (áo sơmi sọc, xã Phú Lợi, Thanh Bình, Đồng Tháp) là trà lúa sử dụng phân bón thế hệ mới. Ảnh: Trần Đáng

Còn nhớ, để giảm áp lực giá phân bón tăng phi mã, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) Lê Thanh Tùng đã đề xuất giảm 50% lượng phân bón vụ lúa đông xuân 2021 – 2022. Nhiều nông dân không tin rằng có thể giảm lượng phân bón đến 50% mà vẫn giữ được năng suất lúa.

Tuy nhiên, giờ mới thấy, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã làm được điều này khi sử dụng phân bón thế hệ mới lúa xanh, chắc hạt của Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Phân bón Bình Điền II.

Theo TS Nguyễn Phú Tuân, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển sản phẩm Công ty Cổ phần Sinh thái xanh Việt Nam, loại phân bón thế hệ mới của Công ty Cổ phần Sản xuất và Kinh doanh Phân bón Bình Điền II được sản xuất với công nghệ mới có hoạt chất Eco – Nanomix.

Công nghệ nano được thế giới áp dụng nhiều. Sản xuất nano có tính chất enzyme dùng kích hoạt hệ vi sinh vật, làm cho cây tăng cường khả năng quang hợp. Enzyme có khả năng giữ lại phân trong đất không bị rửa trôi, mất đi. Enzyme cũng kích hoạt các quang xúc tác, tăng khả năng sinh khối trong cây trồng.

"Bản chất của loại phân bón thế hệ mới này là các loại nano có tính chất enzyme. Enzyme này khi áp dụng trong ngành nông nghiệp sẽ giảm phân bón số lượng lớn, giảm phát thải khí CO2 và tăng hiệu suất phân bón cho cây trồng", TS Tuân chia sẻ.

Giảm 50% lượng phân bón, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL vẫn thu hoạch mỏi tay - Ảnh 5.

Sẽ có một cuộc cách mạng trong việc giảm phân bón khi nông dân sử dụng loại phân bón thế hệ mới này để trồng lúa. Ảnh: Trần Đáng

Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết, các công thức bón phân trong trồng lúa lâu nay đều khuyến cáo nông dân phải bón 3 – 4 lần/vụ. Tuy nhiên, đối với loại phân thế hệ mới này đã cắt đi 1 – 2 lần bón phân/vụ.

Ông Dũng cho rằng, sắp tới sẽ xảy ra một cuộc cách mạng trong việc giảm phân bón khi nông dân sử dụng loại phân bón thế hệ mới này để trồng lúa. Điều này cũng phù hợp với xu hướng chung hiện nay khi Bộ NNPTNT đã khuyến cáo tiết giảm lượng phân bón khi trồng lúa.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem