Giảm doanh thu, nhiều công ty cắt giảm nhân sự trong mùa dịch Covid-19

Trung Kiên Thứ hai, ngày 16/03/2020 04:55 AM (GMT+7)
Không chỉ nhà hàng, quán bia, những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 cũng đang khiến nhiều công ty, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Bình luận 0

Ảnh hưởng kép của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (Nghị định 100) và diễn biến khó lường của dịch Covid-19 thời gian qua đã khiến hàng loạt hệ thống nhà hàng, quán bia lớn tại Hà Nội cũng như cả nước phải ngừng kinh doanh hoặc thu hẹp mặt bằng để cầm cự vượt qua giai đoạn khó khăn.

Dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực như hàng không, du lịch, khách sạn,… do số lượng khách của những ngành này liên tục giảm những tháng gần đây.

Cùng với những ngành, lĩnh vực kể trên, diễn biến khó lường của dịch Covid-19 cũng bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động của các công ty, doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác.

Chị Phương, giám đốc một Công ty trong lĩnh vực Truyền thông khu vực Cầu Giấy, cho biết những năm gần đây lĩnh vực mình kinh doanh có sự cạnh tranh khốc liệt, đã khiến công ty cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính. Những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của doanh nghiệp.

Để có thể cầm cự và vượt qua giai đoạn khó khăn, chị buộc phải cắt giảm số nhân viên của công ty xuống chỉ còn 4 người. Chị Phương chia sẻ, quyết định buộc phải cắt giảm bớt nhân sự thực sự rất khó khăn vì có những người đã gắn bó với công ty trong nhiều năm qua.

Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế khó khăn thì đây là điều bắt buộc phải làm bởi không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Chị cũng hy vọng sau khi vượt qua giai đoạn khó khăn sẽ gọi những người cũ của công ty trở lại làm việc.

img

Các doanh nghiệp cơ khí cũng đang nỗ lực xoay sở để vượt qua những khó khăn trong mùa dịch Covid-19

Anh Hưng – giám đốc một công ty làm trong lĩnh vực cơ khí tại Hà Đông cũng cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều công trình xây dựng bị dừng triển khai. Với những công trình làm trong nhà dân thì nhiều người ngại tiếp xúc với người lạ trong thời gian này nên lượng đơn hàng trong những tháng đầu năm 2020 cũng bị suy giảm so với thời gian trước.

Để giữ sự ổn định về tình hình sản xuất của công ty và đảm bảo thu nhập cho nhân viên, anh cũng đã buộc lòng phải cho vài công nhân nghỉ việc. Anh chia sẻ nếu giữ nguyên số lượng công nhân như trước đây thì thu nhập của mọi người sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là những người giàu kinh nghiệm sẽ “nhảy việc”. Điều này khiến anh buộc phải đưa ra quyết định cắt giảm bớt nhân sự của mình.

Anh còn cho biết, hiện tại có rất nhiều công ty, doanh nghiệp có quy mô và doanh thu tốt hơn mình nhưng cũng đang phải chờ nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn do những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chị Huế, kế toán cho một Trung tâm tiếng Anh lớn tại Hà Nội, cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến trung tâm nơi mình làm đã phải tạm thời đóng cửa từ đầu năm 2020 đến nay.

Thời gian qua, trung tâm không phát sinh doanh thu từ người học, trong khi vẫn phải chi những khoản tiền lớn để thanh toán tiền mặt bằng, dịch vụ văn phòng hàng tháng. Do đó, phía trung tâm đã có quyết định cắt giảm về nhân sự.

Với những người tiếp tục ở lại làm việc tại nhà như chị trong thời gian này, mức lương cũng giảm tới 50%. Chị Huế cho biết, điều này đã ảnh hưởng đáng kể tới thu nhập của bản thân và gia đình bởi chồng chị cũng đang công tác tại một trường tư thục.

Chị cũng thừa nhận với việc Hà Nội đã có những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên thì không biết đến bao giờ trung tâm mình làm có thể mở cửa đón người học trở lại. Nếu việc đóng cửa tiếp tục kéo dài, rất có thể trung tâm sẽ tiếp tục có những đợt thực hiện cắt giảm nhân sự nữa trong thời gian tới.

Trong khi đó, anh Tuấn – một thợ chạm gỗ có nhiều năm kinh nghiệm - chia sẻ sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2020, công ty anh làm cũng đã chấm dứt hợp đồng lao động với nhiều công nhân do lượng đơn hàng và doanh thu giảm.

Theo anh Tuấn, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho tình hình tiêu thụ các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của các công ty, doanh nghiệp cũng suy giảm rất nhiều. Việc bỗng dưng thất nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế và đời sống gia đình những người làm công nhân như anh.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 16,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9,4 nghìn doanh nghiệp, giảm 31,4%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,1%, trong đó có 2,5 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 13,4%.

Trong đó, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy 1.011 doanh nghiệp, giảm 20,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo 344 doanh nghiệp, giảm 0,3%; xây dựng 245 doanh nghiệp, giảm 23,9%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác 173 doanh nghiệp, giảm 5,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống 157 doanh nghiệp, giảm 12,3%; vận tải, kho bãi 109 doanh nghiệp, giảm 23,2%.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem