Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói gì về cơ hội khởi nghiệp của sinh viên?

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 11/01/2021 15:00 PM (GMT+7)
Tại Tọa đàm "Thanh niên - động lực của đổi mới sáng tạo quốc gia" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - GS.TS.Nguyễn Thị Lan cho rằng, có những chính sách để hỗ trợ thực sự cho các thầy, cô, sinh viên gắn kết với nhau để tạo ra những doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nhà trường.
Bình luận 0

Từ dự án khởi nghiệp thành doanh nghiệp lớn

Theo GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nếu chúng ta không có đổi mới sáng tạo, không có khoa học công nghệ thì khó thúc đẩy vào tạo sự "bứt phá" cho nền kinh tế phát triển.

"Chúng ta đã có Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 50 của Chính phủ đã đưa ra và nhấn mạnh các vấn đề về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.

Chúng ta thấy rằng, nội dung văn kiện Đại hội cho Đại hội XIII tới đây đã có một phần vô cùng quan trọng, đó là: Một trong những khâu đột phá, trụ cột rất quan trọng đó là vấn đề về con người, nguồn nhân lực, văn hóa và vấn đề về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng như công nghệ số, kỹ thuật số, chuyển đổi số. Đó là những vấn đề chúng ta đang rất chú trọng", GS.TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói gì về cơ hội khởi nghiệp của sinh viên? - Ảnh 1.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam - GS.TS Nguyễn Thị Lan chia sẻ tại tọa đàm.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết thêm, hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp đã xuất hiện những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thông minh. Hiện nay, khoa học công nghệ đã được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nói về vai trò của nông nghiệp, bà Lan cho biết, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nông nghiệp đã khẳng định được vai trò, vị thế, đó là "trụ đỡ" của nền kinh tế đất nước trong những lúc khó khăn.

Đối với Học viện Nông nghiệp Việt Nam khi thực hiện chủ trương khởi nghiệp, nhà trường đã có nhiều hoạt động: Đầu tiên là những hoạt động có tính chất gợi mở, nhưng những năm sau đó thì càng hoạt động sâu sắc hơn.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói gì về cơ hội khởi nghiệp của sinh viên? - Ảnh 2.

Gian hàng triển lãm đổi mới sáng tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Hiện nhà trường đã thực hiện rất nhiều chương trình khởi nghiệp và dự các cuộc thi sáng tạo, nhiều sinh viên đã có ý tưởng xuất sắc. Nhiều dự án khởi nghiệp đã thành công, hiện nay đã phát triển thành các doanh nghiệp, như: Chè Shan Tuyết, trang trại gà, trồng rau,...

"Gần đây chúng tôi đã phát động chủ trương trong toàn học viện, không những chỉ có sinh viên mà các thầy cô giáo, cán bộ trẻ phải phát huy được công nghệ để công nghệ đi vào cuộc sống.

Chúng tôi có những chính sách để hỗ trợ thực sự cho các thầy, cô, sinh viên gắn kết với nhau để tạo ra những doanh nghiệp khoa học công nghệ trong nhà trường. Đây là một chủ trương mà chúng tôi nghĩ cần phải thúc đẩy...", bà Lan cho biết.

Lan tỏa tâm thế đổi mới sáng tạo

Ông Bùi Văn Linh, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ, không có mẫu số chung cho mô hình thành công của hoạt động khởi nghiệp, nhưng tại Việt Nam, nhân vật trung tâm chính là các bạn trẻ, các sinh viên, thế hệ công dân vàng, bởi đây là lực lượng có năng lực đổi mới sáng tạo tốt nhất, có ý chí thay đổi lớn nhất, sẽ quyết định thành công của công cuộc đổi mới sáng tạo quốc gia.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói gì về cơ hội khởi nghiệp của sinh viên? - Ảnh 2.

Nhiều sản phẩm được trưng bày tại gian hàng triển lãm đổi mới sáng tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Theo ông Linh, Bộ đã phát đi thông điệp đổi mới sáng tạo không phải phong trào mà là một hoạt động chuyên môn, phải đi vào chiều sâu tại các trường đại học, cũng như các tổ chức ươm mầm cho khát vọng trẻ.

"Đất nước cần nhân lực trong nhiều ngành nghề khác như giáo dục, y tế, an ninh, sản xuất…, nhưng tâm thế đổi mới sáng tạo thì cần lan tỏa đến tất cả mọi chủ thể, nhất là các bạn trẻ" - ông Linh cho biết.

Tâm thế ấy, trước hết phải bắt đầu từ tư duy đổi mới, không chấp nhận nghèo khó, thường xuyên làm mới mình.

Đặc biệt, theo ông Linh, sinh viên cần có tâm thế tự tạo việc làm cho mình, cho bạn mình, thay vì chỉ nghĩ đến việc làm 30 - 40 bộ hồ sơ để đi xin việc.

"Chính tâm thế làm chủ sẽ dẫn dắt các bạn trẻ đến với đổi mới, sáng tạo và nếu được sự hỗ trợ phù hợp, chắc chắn sẽ tạo nên một văn hóa dám thay đổi để vượt qua chính mình", ông Linh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem