Giảm lãi suất cho vay: “Big four dẫn đầu”, ngân hàng tư nhân giảm tới 4,5%/năm

Nhật Minh Thứ năm, ngày 02/04/2020 09:10 AM (GMT+7)
Tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD) đều đồng thuận cao,giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Hiện tại, đã có ngân hàng tư nhân công bố giảm sâu tới 3-4,5%/năm lãi suất cho vay.
Bình luận 0

Ngay sau quyết định cách ly toàn xã hội 15 ngày của Thủ tướng Chính phủ ban hành có hiệu lực kể từ lúc 0h ngày 1/4/2020, tại cuộc họp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với 20 TCTD (chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế). Tất cả các TCTD đều đồng thuận rất cao là giảm tối thiểu 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước khi có dịch.

Từ sự đi đầu của các ngân hàng lớn

Chủ tịch HĐQT Vietinbank Lê Đức Thọ cam kết tiếp tục xem xét giảm 2%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng kinh doanh các lĩnh vực phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân. "Trong ảnh hưởng của dịch bệnh lần này thì các lĩnh vực của nền kinh tế đều bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng có thể nói còn rất khó để có thể lường đoán. Nhưng mức độ rất lớn đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nói chung thì có thể nói ảnh hưởng ngay lập tức, trực tiếp và rất lớn", ông Thọ nhấn mạnh.

Trước cam kết hạ lãi suất mới, Vietinbank đã triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Đến hết tháng 3, ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1,5%/năm tùy khách hàng, tùy mục đích vay vốn cho gần 3.000 khách hàng.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cũng cho biết sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất 1 - 1,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu đến hết ngày 30/9/2020, thay vì hết tháng 4/2020 như công bố trước đây. Với chính sách này, Vietcombank ước tính giảm lợi nhuận 300 tỷ đồng để chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Đối với khoản cho vay mới, Vietcombank cũng sẽ dành một gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 2 - 2,5% so với hiện nay. Đặc biệt, lãi suất cho vay đối với các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu được giảm tối đa với mức áp dụng chỉ 4,5 - 5%/năm. Mức này thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động hiện nay và là "tiến bộ" mới của Vietcombank khi trước đó, ngân hàng chỉ tính phương án hỗ trợ trên quy mô dư nợ.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa cho biết sẽ dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Khách hàng là đối tượng của chương trình sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng Đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.

Ngân hàng tư nhân “nhập cuộc” giảm lãi suất tới 4,5%/năm

VIB là ngân hàng đầu tiên công bố tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5% đến 2% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ ở tất cả các lĩnh vực. Gói hỗ trợ áp dụng cho tất cả các khoản vay trung dài hạn bằng tiền VND (trừ trái phiếu) có lãi suất hiện hữu từ 9,5%.

Theo ước tính ban đầu, sẽ có khoảng 9.500 khách hàng với khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ ngay lập tức được hưởng hỗ trợ này trong nỗ lực của ngân hàng nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

img

Ngân hàng cổ phần tư nhân “nhập cuộc” giảm lãi suất tới 4,5%/năm

Tương tự, tại TPBank ưu đãi lãi suất lên tới 2,5% cho khách hàng vay mới, giảm lãi suất từ 0,5 - 1% cho khách hàng hiện hữu là những biện pháp được TPBank triển khai để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Với tổng dư nợ lên tới 12.000 tỷ đồng, ngân hàng này có các gói 5.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, gói 4.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn, và 3.000 tỷ dành cho khách hàng cá nhân.

Bên cạnh việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ gốc và lãi cho khách hàng theo quy định thì TPBank còn thực hiện giảm lãi suất từ 0,5% - 1% với các khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, với tổng số dư nợ có thể được xem xét lên tới 30.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết: “Trước mắt, chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp hỗ trợ này từ nay đến hết tháng 6/2020, sau đó sẽ tuỳ theo thực tế để xem xét triển khai tiếp. Các thủ tục để tiếp cận các gói vay mới cũng như các việc xem xét cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi... sẽ được ngân hàng đơn giản hoá tối đa nhưng vẫn đúng quy định, đảm bảo để khách hàng thuận tiện nhất trong quá trình giao dịch tín dụng tại ngân hàng”.

Sau gói hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn được triển khai ngay từ đầu mùa dịch Covid-19, VPBank vừa công bố chương trình đồng hành thứ 2 với mức giảm lãi suất tới 2% cho các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình được áp dụng cho cả khách hàng hiện hữu lẫn khách hàng mới có nhu cầu vay vốn tại VPBank.

Cụ thể, đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm, mức giảm lãi suất tối đa 1,5%/năm đối với khoản vay VND, 1%/năm đối với khoản vay USD. Đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm, VPBank áp dụng mức giảm lãi suất tối đa 2%/năm đối với khoản vay VND và 1%/năm đối với các khoản vay USD.

Đặc biệt, HDBank của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo triển khai gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2-4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước...

HDBank cũng thiết kế nhiều gói tín dụng cho nhiều đối tượng khách hàng trong mùa dịch Covid 19 như 10.000 tỷ đồng cho hỗ trợ bình ổn giá hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, lãi suất linh hoạt chỉ từ 6,5%/năm dành cho doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho cho các chuỗi siêu thị cho người dân; dành 5.000 tỷ đồng tài trợ ưu đãi cho các khách hàng SMEs; dành 3.000 tỷ đồng tài trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị-vật tư y tế nhằm đáp ứng nhu cầu đối phó dịch bệnh; gói 1.000 tỷ đồng cho chuỗi nông nghiệp nông thôn đảm bảo sản xuất cung ứng lúa gạo cho cả nước đồng thời tiếp sức cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang có khó khăn vì xâm hạn mặn ở ĐBSCL...

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem