Giảm nghèo cũng phải dân chủ

Thứ hai, ngày 17/12/2012 06:35 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Về vấn đề nhiều địa phương xảy ra tình trạng nể nang, “xin”, “cho” dẫn tới bầu sai đối tượng hộ nghèo, PV Dân Việt phỏng vấn ông Đỗ Mạnh Hùng – Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Bình luận 0

Bỏ phiếu còn cảm tính

Cả nước vừa kết thúc đợt điều tra, bình xét hộ nghèo năm 2012 để thực hiện chính sách cho năm tiếp theo. Ông có đánh giá gì về việc điều tra, bình xét hộ nghèo trong năm 2012?

- Giảm nghèo là một chính sách vừa dài hạn, vừa ngắn hạn. Việc đánh giá, bình xét hộ nghèo thực hiện theo năm, tức là theo một chu kỳ ngắn hạn. Cho tới nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn quy trình thực hiện chính sách điều tra, bình bầu hộ nghèo và công tác giảm nghèo bên vững. Về cơ bản, các địa phương đang thực hiện theo quy trình hướng dẫn đó. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đánh giá còn chưa thống nhất về tiêu chí, dẫn tới không chính xác.

img
Người dân nghèo ở xóm vạn đò Phú Vang (Quảng Văn, Quảng Phú, Quảng Bình).

Trước hết là về tiêu chí thu nhập để xác định có nghèo thật hay không còn khác nhau, chưa cụ thể. Ví như, thế nào là thu nhập trên 400 nghìn đồng ở nông thôn, từ đó có căn cứ xét hộ nghèo. Có những nơi quan niệm thu nhập trên 400 nghìn là những thứ thu nhập dựa trên tiêu chí “tiền tươi thóc thật”, còn những cái thu nhập có tính chất ổn định như ao cá, chăn nuôi gia súc, thuỷ sản, vườn bãi không tính vào thu nhập. Thế nên mới có những gia đình nhà to, tiện nghi đầy đủ có máy tính, tủ lạnh, xe máy… nhưng nếu tính thu nhập theo kiểu “tiền tươi thóc thật” thì vẫn chưa phải diện thoát nghèo.

Việc thực hiện, giám sát của cơ quan chính sách các cấp thế nào?

- Hội đồng nhân dân ở nhiều tỉnh cũng đã tiến hành giám sát về giảm nghèo. Hoạt động này cũng cho những tác dụng nhất định, với hiệu quả cao. Tuy nhiên, như tôi nói ban đầu, do tiêu chí đánh giá không thống nhất ở một số địa phương nên việc bầu không chính xác. Quá trình đi giám sát, tôi cũng đã trực tiếp tới một gia đình nghèo ở vùng núi thì thấy rằng nhà được lát gỗ, lợp ngói, có xe máy, có tivi… nhưng vẫn được xếp hộ nghèo. Tôi nói đùa nếu hộ nghèo nào cũng được thế này thì tốt quá.

Thực tế, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phát hiện sai phạm nào trong bình bầu hộ nghèo chưa? Nếu phát hiện thì xử lý thế nào?

- Nói là sai phạm thì cũng hơi quá, bởi việc bình bầu đều từ cơ sở, do chính người dân thực hiện. Tất nhiên, có những người cố tình lạm dụng, cố tình đưa tên vào danh sách hộ nghèo mà không qua bình bầu thì phải có điều tra rõ ràng. Sau các cuộc giám sát, chúng tôi đều có kiến nghị. Chúng tôi cũng phân loại kiến nghị, nếu có kiến nghị về chính sách thì gửi tới Chính phủ, các bộ ngành, nếu liên quan tới luật thì gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn nếu có những kiến nghị thuộc thẩm quyền trách nhiệm địa phương thì chúng tôi sẽ gửi tới các địa phương.

Dân chủ trong giảm nghèo

Ở các địa phương, tinh thần dòng họ còn rất cao, và nếu áp dụng việc bình bầu, biểu quyết hộ nghèo sẽ dễ dẫn tới dòng họ to thì người trong họ được lợi. Vậy cách làm bình bầu hộ nghèo ở thôn liệu có phù hợp?

- Theo tôi, việc bình bầu hộ nghèo từ thôn là hoàn toàn hợp lý, nhưng muốn bình bầu hộ nghèo một cách chính xác, trước hết cán bộ phải thật công tâm. Thứ hai, phải thống nhất được tiêu chí về thu nhập thực tế để khi đánh giá, việc bỏ phiếu, biểu quyết không còn mập mờ mang tính cảm tính. Làm được việc này, việc bình bầu sẽ không còn lo vì “họ nào to, họ đấy thắng” nữa. Các văn bản hiện nay cũng đã chỉ rõ mức tính cụ thể, nhưng thực tế thì khó có thể đo đếm được chuẩn xác mức thu nhập đó trong năm. Muốn làm được điều này cần phải giao trọng trách cho địa phương tính, thống nhất trên phạm vi một huyện, hoặc một tỉnh trên cơ sở các chỉ số giá cả, đặc thù địa phương.

“Có thể thấy, nguyên nhân chính là do chính sách giảm nghèo của chúng ta đang tạo tâm lý ỷ lại cho người dân. Do vậy nhiều người dân, thậm chí chính cán bộ cơ sở cũng không muốn mình hoặc người thân của mình được thoát nghèo để tiếp tục được nhận sự hỗ trợ qua các chính sách của Nhà nước”.

Theo ông, thời gian tới cần làm gì để việc bình chọn đúng đối tượng và thực hiện các chương trình hỗ trợ giảm nghèo có hiệu quả, bền vững nhất?

- Tôi nghĩ, đi liền với việc tuyên truyền cho người dân thì cần phải tăng cường dân chủ trong giảm nghèo. Hãy để cho người nghèo được tự chủ quyết định phương thức giảm nghèo của mình, đồng thời được quyết định sử dụng nguồn lực của Nhà nước và xã hội hỗ trợ cho họ.

Ví dụ như việc hỗ trợ cho người nghèo làm nhà. Nhiều nơi cứ áp đặt xây mô hình xây nhà nho nhỏ, rồi lợp tôn prô xi măng mà không chú ý đến phong tục, tập quán, văn hoá họ về nhà ở như thế nào. Như vậy người nghèo cũng bị mất dân chủ, bị áp đặt. Chưa kể đến một bộ phận cán bộ có suy nghĩ người nghèo hay bị coi khinh, nghĩ rằng cho thế nào thì phải nhận thế ấy.

Theo ông, giảm nghèo bền vững gắn với yếu tố nào? Nếu chỉ đơn giản là giảm số hộ nghèo, trong khi việc bình chọn còn chưa khách quan, công bằng thì liệu có giảm nghèo thực sự?

- Thực ra để giảm nghèo bền vững cần nhiều yếu tố, nhưng tôi cho rằng thời gian tới yếu tố quan trọng nhất cần làm là thực hiện dân chủ trong giảm nghèo. Khi mà phát huy được dân chủ trong giảm nghèo thì bản thân người nghèo sẽ ý thức được quyền lợi, trách nhiệm của mình trong giảm nghèo. Chính sự nỗ lực, cố gắng của họ mới là yếu tố đảm bảo công tác giảm nghèo được bền vững. Còn nếu giảm nghèo chỉ bằng nghị quyết sẽ không bao giờ bền vững được.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem