Giảm nghèo giai đoạn 2021-2025: Tăng sinh kế, giảm chênh lệch giàu nghèo

Thùy Anh Thứ ba, ngày 29/06/2021 19:00 PM (GMT+7)
Giai đoạn 2021-2025, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững đặt mục tiêu sẽ tạo nhiều việc làm, đảm bảo sinh kế giúp giảm khoảng cách, chênh lệch giàu nghèo.
Bình luận 0

Giảm nghèo đạt nhiều thành tựu: Tỷ lệ hộ nghèo trung bình giảm 1,43%/năm

Sáng nay (29/6), Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 21. Phiên họp nhằm xem xét, thảo luận về 2 nội dung lớn là: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 và Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH và quản lý sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể của Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội bàn về thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025. Ảnh: N.T

Toàn cảnh phiên họp toàn thể của Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội bàn về thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025. Ảnh: N.T

Báo cáo cho thấy, việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020 đã đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn.

Phong trào thi đua: "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" được triển khai sâu rộng, đạt kết quả tích cực. Đạt và vượt mục tiêu về Hỗ trợ tư vấn, kết nối việc làm cho đối tượng là thanh niên, lao động di cư. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dịch vụ việc làm từng bước được mở rộng góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết nối thị trường lao động.

Trong giai đoạn 2016-2020, hộ nghèo trung bình giảm 1,43%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm. Có hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo...

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch về thu nhập, đời sống người giàu-người nghèo còn lớn. Bên cạnh đó một số cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Sự chủ động thoát nghèo, phát huy nội lực của hộ nghèo còn hạn chế. Các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Lưu ý tránh chồng chéo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo

Tại phiên họp, nhiều đại biểu cho rằng, báo cáo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 cần xác định thêm các tiêu chí cụ thể nhằm tạo sinh kế, giảm chênh lệch giàu nghèo tại các vùng miền, đồng thời thống nhất đưa thêm nội dung đào tạo nghề vào Chương trình giảm nghèo.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Đại biểu đoàn Hà Tĩnh cho rằng, Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã mang tính bao trùm, đa chiều và bền vững. Tuy nhiên cần lưu ý, trong Chương trình mục tiêu quốc gia có 3 chương trình lớn là giảm nghèo, nông thôn mới và giảm nghèo vùng dân tộc miền núi có sự giao thoa nên rất dễ bị trùng lắp, chồng chéo.

Chị Hà Thị Thảo (Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Lộ, Yên Bái) được vay vốn mua máy xay xát gạo chăn nuôi gia súc, gia cầm để giảm nghèo. Ảnh: Trần Việt

Chị Hà Thị Thảo (Nghĩa Lợi, huyện Nghĩa Lộ, Yên Bái) được vay vốn mua máy xay xát gạo chăn nuôi gia súc, gia cầm để giảm nghèo. Ảnh: Trần Việt

 "Chương trình Mục tiêu quốc gia lần này được Chính phủ tiếp cận bền vững. Ngoài chính sách giảm nghèo trực tiếp, các chính sách về giáo dục nghề nghiệp, việc làm gắn với bình đẳng giới đã được đưa vào. Tuy nhiên việc phân định giữa 3 chương trình này rất khó. Có những việc mà chương trình giảm nghèo không thể thực hiện được, lấn sang phần của nông thôn mới nhưng cũng có phần của nông thôn mới tác động đến giảm nghèo. Nếu chuyển chương trình này về nông thôn mới cũng không thể hiện được", ông Sơn nói.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao kết quả giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Trước những tồn tại, hạn chế của giai đoạn trước, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu, việc xây dựng Chương trình giảm nghèo trong giai đoạn mới cần bảo đảm sự thống nhất với Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn và chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

 "Cần triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều; đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người nghèo, vùng nghèo, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thiện chính sách giảm nghèo phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế, đồng thời gắn với mục tiêu phát triển bền vững; người nghèo được tham gia và thụ hưởng các thành quả của tăng trưởng", ông Trần Thanh Mẫn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem