Giảm sức mua tháng 7, bước lùi lấy đà của thị trường ô tô?

An Nhi Thứ hai, ngày 13/08/2018 12:16 PM (GMT+7)
Lượng ô tô bán ra ở thị trường ô tô Việt Nam tháng vừa qua đã sụt giảm đáng kể so với tháng liền trước.
Bình luận 0

img

Phía sau sự sụt giảm bất ngờ của sức mua ô tô tháng 7 lại là một diễn biến dễ đoán của thị trường.

Báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, tổng sản lượng bán hàng ô tô trên toàn thị trường tháng 7/2018 chỉ đạt 21.466 chiếc, giảm 8% so với tháng 6/2018.

Trong đó, các loại xe du lịch chỉ đạt đạt 14.124 chiếc, giảm đến 9%,; các loại xe thương mại đạt 6.948 chiếc, giảm 4%; các loại xe chuyên dụng rơi vào tình cảnh ảm đạm nhất khi giảm đến 19%, chỉ đạt vẻn vẹn 394 chiếc.

Tháng 7 cũng chứng kiến cú giảm sâu của cả hai mảng thị trường xe lắp ráp trong nước (CKD) lẫn xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU).

Cụ thể, tổng sản lượng bán hàng của ô tô CKD trong tháng đạt 18.093 chiếc, giảm 6% so với tháng liền trước. Rào cản Nghị định 116 của Chính phủ tiếp tục đẩy ô tô CBU vào trạng thái bấp bênh, do đó lượng xe về nước trong tháng cũng chỉ đạt 3.373 chiếc, giảm đến 18%.

Xét thuần túy về con số, cú sụt giảm của sức mua ô tô tháng 7 vừa qua là một bất ngờ. Tuy nhiên, phía sau con số bất ngờ đó lại là một diễn biến dễ đoán của thị trường.

img

Sức mua ô tô theo tháng tính từ đầu năm đến nay.

Hai nguyên nhân có thể lý giải cho hiện tượng giảm mạnh sức mua ô tô tháng 7.

Nguyên nhân đầu tiên vẫn là tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng. Thời gian qua, một mặt người tiêu dùng chờ đợi phiên bản mới của một số mẫu xe như Toyota Vios và Yaris hoặc vài mẫu xe hoàn toàn mới như Mitsubishi Xpander, Toyota Rush hay Hyundai Kona…; mặt khác, người tiêu dùng tiếp tục chờ đợi đợt đổ bộ ào ạt hơn của các loại xe miễn thuế nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia.

Nguyên nhân thứ hai là tình trạng khan hàng mà phần lớn là do sự bấp bênh của kim ngạch nhập khẩu ô tô CBU. Mặc dù trong tháng 7 lượng xe nhập khẩu đã về nước nhiều hơn song chưa thực sự “thấm” so với nhu cầu thực tế của thị trường.

Cả hai nguyên nhân này đều rất dễ “giải quyết” trong thời gian tới. Dự kiến trong quý 3/2018, một loạt mẫu xe mới sẽ liên tiếp có mặt tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, sau khi đã hoàn thành hết các thủ tục nhập khẩu theo quy định, các doanh nghiệp ô tô đang đẩy nhanh tốc độ nhập khẩu xe CBU, nhất là các loại xe mang xuất xứ từ các nước khu vực Đông Nam Á.

Do đó, có thể coi sự sụt giảm sức mua trong tháng 7/2018 chỉ là một bước lùi để lấy đà cho đợt tăng tốc mạnh mẽ của thị trường ô tô giai đoạn cuối năm nay. Bởi sau khi các mẫu xe mới được ra mắt, sau khi lượng xe CBU tràn về số lượng lớn, “cơn khát” trên thị trường ô tô sẽ được giải tỏa và gần như đương nhiên, sức mua thực tế trên thị trường sẽ có cơ sở để tăng trưởng mạnh mẽ.

img

So sánh sức mua theo tháng giữa các loại xe lắp ráp trong nước với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Trở lại với các con số thống kê. Cũng theo báo cáo của VAMA, tổng sức mua ô tô cộng dồn 7 tháng năm 2018 trên toàn thị trường đạt 148.536 chiếc, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, lượng xe du lịch đạt 98.311 chiếc, tăng 9%; lượng xe thương mại đạt 45.314 chiếc, giamr 19%; lượng xe chuyên dụng đạt 4.911 chiếc, giảm sâu đến 42%.

Cũng trong giai đoạn này, trong khi sản lượng bán hàng các loại xe CKD đạt 124.771 chiếc, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái thì lượng xe CBU lại giảm đến 45%, chỉ đạt 23.765 chiếc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem