“Giam” tiền bồi thường đất đai của dân

Thứ năm, ngày 16/05/2013 08:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Anh Tống Phước Sanh và 2 người cô ruột của mình (ở phường Vĩ Dạ, TP.Huế) rơi vào cảnh khốn khổ do bị Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư (viết tắt là HĐBT) của UBND TP.Huế “giam” hơn 3 tỷ đồng tiền bồi thường thu hồi đất.
Bình luận 0

Chưa đền bù đã cưỡng chế

Anh Sanh và 2 người cô ruột là các bà Tống Thị Thí, Tống Thị Mùi (hiện đang sống chung) là những người thừa kế thửa đất 1.409m2 tại tổ 25 (phường Vĩ Dạ) theo di chúc của bà Huỳnh Thị Lý (mất năm 2000).

img
Bị cưỡng chế giải tỏa nhà và đất nhưng không được nhận tiền bồi thường, cuộc sống của anh Sanh và 2 người cô ruột rơi vào cảnh khốn khổ.

Năm 2012, Nhà nước thu hồi 540,7m2 trong số diện tích đất nói trên để xây dựng hạ tầng Khu quy hoạch Vĩ Dạ 7 và phê duyệt giá trị bồi thường thiệt hại với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Ngày 18.5.2012, HĐBT của UBND TP.Huế có công văn thông báo kế hoạch chi trả kinh phí bồi thường cho anh Sanh và các đồng thừa kế vào ngày 23.5.2012. Sau đó, anh Sanh và 2 người cô ruột của mình đã 5 lần thực hiện thủ tục nhận tiền bồi thường theo quy định của pháp luật nhưng HĐBT của UBND TP.Huế không chi trả.

Theo anh Sanh, trong các lần anh và bà Thí, bà Mùi lập thủ tục nhận số tiền bồi thường trên, ông Nguyễn Anh Tuấn- Phó Chủ tịch chuyên trách HĐBT của UBND TP.Huế cho rằng di chúc của bà Lý không có giá trị pháp lý nên không giải quyết thủ tục nhận tiền. Trong khi đó, vào tháng 12.2012, dù chưa chi trả tiền đền bù nhưng UBND TP.Huế vẫn cưỡng chế thu hồi diện tích đất trên.

Theo luật sư Trần Nguyễn Hữu Chi, người con nào của vợ chồng bà Lý không đồng ý với các đồng thừa kế theo di chúc thì phải yêu cầu tòa án giải quyết. Ông Nguyễn Anh Tuấn trong cương vị là cán bộ HĐBT tự cho di chúc của bà Lý không hợp pháp để không chi trả tiền bồi thường là đã coi mình như thẩm phán.

Sau khi bị cưỡng chế, cuộc sống của anh Sanh và 2 người cô ruột bị đẩy vào cảnh khốn cùng vì không có tiền xây nhà ở, nơi thờ tự cũng bị đập bỏ. “Việc ông Tuấn không chịu chi trả tiền bồi thường là cố ý lợi dụng chức vụ và quyền hạn để làm trái. Gần nửa năm rồi tôi và 2 người cô già yếu phải sống chui rúc trong cái chòi dột nát, chỉ cần có gió lớn là bị sập”- anh Sanh nói.

Cố tình làm khó dân

Bà Lý và chồng là ông Tống Phước Song (qua đời năm 1985) có 6 người con, trong đó người con trai duy nhất là Tống Phước Diệp- bố ruột của anh Sanh- đã qua đời vào năm 1970. Sau khi ông Song qua đời, năm 1998, những người con của ông bà đều có giấy khước từ phần tài sản thừa kế về thửa đất của gia đình và giao tài sản này cho bà Lý toàn quyền sử dụng. Cùng thời gian này, UBND phường Vĩ Dạ cũng có giấy chứng nhận bà Lý là chủ sử dụng lô đất nói trên.

Theo luật sư Trần Nguyễn Hữu Chi (Đoàn Luật sư Thừa Thiên- Huế), từ năm 1998, bà Lý đã là người toàn quyền sử dụng lô đất nên bản di chúc của bà là hợp pháp. Mặt khác, di chúc này cũng được UBND phường Vĩ Dạ xác nhận được lập trong tình trạng bà Lý minh mẫn, không bị ai ép buộc… Như vậy, việc anh Sanh, bà Thí và bà Mùi được nhận khoản tiền bồi thường trên là đúng theo pháp luật.

Tại buổi làm việc với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Anh Tuấn vẫn cho rằng bản di chúc của bà Lý được lập trái pháp luật. Ông Tuấn nói, cũng như anh Sanh, bà Thí và bà Mùi, 3 người con khác của vợ chồng bà Lý phải được hưởng phần tiền bồi thường nói trên, nên cơ quan này không chi trả tiền bồi thường cho riêng anh Sanh, bà Thí và bà Mùi.

Có dư luận cho rằng, vì thấy khoản tiền bồi thường quá to nên ông cán bộ HĐBT cố tình “làm khó” dân (?)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem