Giãn cách xã hội khiến ngành dược "ôm" tiền mặt và hàng tồn kho cao ngất, lợi nhuận sụt giảm

Quang Dân Thứ hai, ngày 09/08/2021 08:00 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 và giãn cách xã hội đã khiến kênh bán lẻ nhiều ngành dược bị sụt giảm và phân hoá mạnh mẽ bởi không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi từ dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp ôm hàng tồn kho và tiền mặt lớn nhưng lợi nhuận thì sút giảm mạnh.
Bình luận 0

Thống kê số liệu báo cáo tài chính quý II/2021 của 11 doanh nghiệp ngành dược niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu thuần 6 tháng đầu năm tăng 9% so với cùng kỳ, đạt 8.031 tỷ đồng và 1.050 tỷ đồng lãi ròng, tăng 15%.

Theo giải trình của một vài doanh nghiệp cho biết, trong kỳ giá vốn bán hàng tăng do nguyên vật liệu tăng giá và nguồn cung cho sản xuất không ổn định vì ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, dẫn đến giá vốn bán hàng tăng, khiến lãi gộp bình quân chỉ tăng 8%, đạt 2.924 tỷ đồng.

Ngành dược: "Ông lớn" tiếp đà tăng trưởng, DN nhỏ chật vật vượt qua dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo tài chính doanh nghiệp.

Chi phí tài chính nhóm khảo sát giảm 3%, về mức 118.606 tỷ đồng. Trong đó, CTCP Dược phẩm trung ương 1 (DP1) là đơn vị tiết giảm chỉ tiêu chi phí tài chính cao nhất với 85%, CTCP Traphaco (TRA) giảm 63%, tiếp đó là CTCP Dược phẩm OPC (OPC) và CTCP Dược Trung ương Mediplantex (MED) với mức giảm lần lượt 17% và 25%. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp các công ty có xu hướng leo dốc.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, 11 công ty dược đưa về 1.232 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong khi cùng kỳ chỉ đạt 1.095 tỷ đồng. 

Đáng chú ý, lợi nhuận có sự phân hóa mạnh khi 3 doanh nghiệp nằm ở nhóm đầu bao gồm CTCP Dược Hậu Giang (DHG Pharma - DHG), Công ty Cổ phần Pymepharco (PME), TRA (doanh thu trên 1.000 tỷ) chiếm đến 47% tổng lợi nhuận của nhóm ngành. Đây cũng chính là những đơn vị có đà tăng trưởng ấn tượng về kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trong khi đó, nhóm công ty quy mô nhỏ lại ghi nhận lợi nhuận giảm sút. Đơn cử như CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT) (-21%), MED (-54%), CTCP Dược phẩm trung ương 3 (DP3) (-14%), OPC và MPC có lãi trước thuế đi gần như đi ngang so với 6 tháng đầu năm 2020.

Ngành dược: "Ông lớn" tiếp đà tăng trưởng, DN nhỏ chật vật vượt qua dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Nguồn: Báo cáo tài chính các doanh nghiệp trong kỳ.

Như vậy, chỉ có CTCP Dược phẩm trung ương 1 (PBC) hoàn thành vượt xa kế hoạch lợi nhuận trong năm 2021 (đạt 27 tỷ đồng lãi ròng sau 6 tháng trong khi kế hoạch cả năm là 10 tỷ đồng); DP3 hoàn thành 85% kế hoạch; nhóm DHG, PME, TRA, DP1, PMC, OPC, DHT xấp xỉ hoăc hơn 50%. Riêng chỉ MED khó hoàn do chỉ mới thực hiện được 20% chỉ tiêu lợi nhuận.

Một điểm đáng chú ý tại 11 doanh nghiệp dược được kháo sát, chính là danh mục tiền ngắn hạn khá lớn. Cá biệt, một số công ty như DHG, PMC tiền còn chiếm đến hơn 50% tổng tài sản doanh nghiệp. Các đơn vị còn lại như TRA, DHT, MED, DP3 cũng ghi nhận danh mục tiền chiếm hơn 20%.

Tuy nhiên, danh mục hàng tồn kho có xu hướng đi lên khi tăng đến 15% so với hồi đầu năm, lên mức 1.557 tỷ đồng. Trong đó, một mình DHG đã chiếm đến 64% với 990 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính doanh nghiệp cho thấy, phần lớn là thành phẩm tồn kho và nguyên vật liệu tồn kho.

Thực tế cho thấy, việc giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành khiến kênh bán hàng bị gián đoạn cũng chính là nguyên nhân khiến kênh bán lẻ nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm.

Ngành dược: "Ông lớn" tiếp đà tăng trưởng, DN nhỏ chật vật vượt qua dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Nguồn: Báo cáo tài chính DN

Tính đến hết ngày 30/6/2021, nợ phải trả của 11 doanh nghiệp tăng lên mức 15%, đạt 6.746 tỷ đồng. Đối với nhóm ngành dược, đa số là các khoản nợ ngắn hạn. Thậm chí, DP1, PMC, MED, DP3 nợ dài hạn chỉ nằm ở ngưỡng 0 đồng.

Trước đó, theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam, giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng trung bình của ngành dược phẩm đạt 11,8%. Song tốc độ này đến năm 2020 đã chậm lại.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report cuối năm ngoái cũng cho thấy, không phải doanh nghiệp dược và vật tư y tế nào cũng được hưởng lợi nhờ Covid-19. Thay vào đó, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp dược sẽ tương đối phân hóa trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo Fitch Solutions, trong năm 2021 ngành dược phẩm Việt Nam sẽ phục hồi, tăng 8,7%, khiêm tốn so với giai đoạn 2010-2019.

Tuy nhiên, về ngắn hạn, ngành dược Việt Nam khó tăng đột phá vì nguồn nguyên liệu sản xuất phụ thuộc đến 90% vào nhập khẩu, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 80% nguồn cung. Đại dịch ập đến khiến thách thức tăng lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem