Giáo dục hot nhất: Ý kiến trái chiều quanh dự thảo tuyển sinh đại học, “khóc cười” chuyện trẻ mầm non đến trường

Anh Tuấn Chủ nhật, ngày 17/04/2022 12:08 PM (GMT+7)
Tuần qua, dư luận chứng kiến những câu chuyện “khóc cười” quanh việc trẻ mầm non ở nhiều nơi trên cả nước đến trường, ngoài ra, dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 của Bộ GDĐT cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Bình luận 0

Trẻ mầm non ở nhiều nơi được đến trường

Trong tuần qua, các tỉnh, thành trên cả nước như: Hà Nội, Lào Cai, Nam Định, Ninh Bình, TP.HCM, Cà Mau đã cho học sinh mầm non tới trường sau thời gian dài nghỉ để phòng chống dịch Covid-19.

Tại trường học ở Hà Nội và nhiều nơi đã chứng kiến các câu chuyện "khóc cười" quanh việc trẻ mầm non đến trường.

Giáo dục hot nhất: Ý kiến trái chiều quanh dự thảo tuyển sinh đại học, “khóc cười” chuyện trẻ mầm non đến trường - Ảnh 1.

Trẻ mầm non ở Hà Nội gào khóc khi đến trường sáng ngày 13/4. Ảnh: Gia Khiêm

Nhiều trẻ do ở nhà quá lâu nên khi tới lớp tỏ ra khá lạ lẫm, có trẻ bật khóc, bám chặt lấy cha mẹ, ông bà, nhưng cũng có trẻ hào hứng và tỏ ra vui vẻ khi được đến trường. Tại Hà Nội, có phụ huynh rơi vào tình huống "khó đỡ" khi không biết lớp con ở đâu hoặc đưa con nhầm sang cơ sở trông trẻ khác… Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, toàn thành phố có gần 540.000 trẻ mầm non, tỷ lệ đăng ký trở lại trường từ ngày 13/4 đạt 80%.

Bộ GDĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022

Bộ GDĐT đã công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2022. Tuy đây chưa phải là quy chế chính thức nhưng đã nhận được nhiều ý kiến của dư luận cũng như các chuyên gia, thầy cô trong ngành.

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2022 được cho là sẽ hạn chế tình trạng trúng tuyển ảo, tránh việc một thí sinh đỗ nhiều trường, nhưng gây lo ngại về tính công bằng đối với thí sinh tốt nghiệp năm trước. Ví dụ như thí sinh đã tốt nghiệp THPT khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển ĐH, cao đẳng không được cộng điểm ưu tiên khu vực (như khu vực 3), yêu cầu thí sinh đăng ký lại nguyện vọng xét tuyển sớm lên hệ thống chung…

Lãnh đạo một trường ĐH lớn tại Hà Nội cho hay, những điểm mới của tuyển sinh năm nay thuận lợi, công bằng cho thí sinh nhưng lại rất khó đối với các trường. Ông cho hay, đối với quy định lọc ảo chung tất cả các phương thức, các trường sẽ hoàn toàn bị động trong việc kết quả lọc có thể vênh với chỉ tiêu đưa ra trong đề án tuyển sinh.

Yêu cầu phục chức cho Hiệu phó trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

Bộ GDĐT vừa yêu cầu trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của TS Trương Thị Hiền, nguyên Phó hiệu trưởng nhà trường, đồng thời báo cáo Đảng ủy khối đại học, cao đẳng TP.HCM khôi phục ủy viên Ban thường vụ Đảng ủy trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM theo các quy định của Đảng đối với bà Hiền.

Thu hồi thông báo 07-TB-HĐT ngày 16/3/2021 về việc không giao thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền chức vụ phó hiệu trưởng đối với TS Trương Thị Hiền do hội đồng trường ban hành không đúng với quy định tại khoản 10, điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học.

"Xóa tên" ông Trịnh Văn Quyết khỏi Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội

Bộ Tư pháp đã đồng ý với đề xuất miễn nhiệm, "xóa tên" ông Trịnh Văn Quyết khỏi vị trí thành viên Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

Đề xuất này được Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội đưa ra, thông qua sau khi ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC - bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được Bộ Tư pháp công nhận theo Quyết định số 1738/QĐ-BTP ngày 11/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Hiện nay, danh sách thành viên Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội được đăng tải công khai trên website www.hlu.edu.vn của trường này đã không còn tên ông Trịnh Văn Quyết.

"Nóng" các vụ nữ sinh đánh bạn

Tại Quảng Trị, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Triệu Vân, huyện Triệu Phong cho biết, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã ra quyết định kỷ luật 2 học sinh T.L.K.T. và Đ.Th. (học sinh lớp 8) vì đã đánh bạn nữ tên L.T.L. (học sinh lớp 7), tạm dừng học tập ở trường 2 tuần đối với các em này và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GDĐT kể từ 13/4.

Nguyên nhân vụ việc xác định do các em có mâu thuẫn trong giao tiếp.

Giáo dục hot nhất: Ý kiến trái chiều quanh dự thảo tuyển sinh đại học, “khóc cười” chuyện trẻ mầm non đến trường - Ảnh 2.

Vụ nữ sinh đánh nhau ở Đắk Lắk. Ảnh cắt từ clip đăng trên mạng xã hội.

Tại Đắk Lắk, Hiệu trưởng Trường THCS Hòa Đông, huyện Krông Pắk cho biết, nhà trường sẽ xử lý theo quy định và phối hợp cùng gia đình, công an giáo dục các học sinh đánh nhau sau buổi học trưa 13/4. Vước đầu xác định nhóm nữ sinh đánh nhau thuộc khối lớp 7 và lớp 8 của trường. Các em đã đánh nhau sau buổi học ở trường và tiếp tục hẹn nhau đến địa bàn thôn Hòa Thắng (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk) để giải quyết mâu thuẫn.

Sở GDĐT Hà Nội khẳng định không kéo dài năm học

Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, trong khung thời gian năm học của UBND TP phê duyệt, các trường kết thúc năm học trước ngày 31/5, trong đó có 2 tuần dự phòng.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu các nhà trường nhận thấy cần thiết, có thể tận dụng khoảng thời gian 2 tuần cuối năm học để bù đắp, cũng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh đảm bảo, từ lớp 1-11 kết thúc năm học chậm nhất là 31/5.

"Riêng học sinh lớp 12, các trường kéo dài năm học hơn nhằm cho học sinh ôn tập, đáp ứng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Việc kéo dài thời gian năm học bao lâu phụ thuộc các trường để các đơn vị chủ động đảm bảo chất lượng dạy và học", ông Tiến nói.

Như vậy, Hà Nội sẽ không kéo dài năm học như dư luận đang xôn xao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem