Giáo dục sửa đổi… đến bao giờ?

Minh Hương Thứ ba, ngày 14/05/2019 19:30 PM (GMT+7)
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà luật thay đổi “theo giờ”, điển hình là giáo dục, thay đổi theo thực tiễn nhưng có phù hợp hay không lại là một hệ quy chiếu khác.
Bình luận 0

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi phiên bản ngày 12/4/2019 được đưa ra, nhiều trường tư thục đã thể hiện rõ mối băn khoăn, lo lắng khi nhiều điều trong bản Dự thảo chưa phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục cũng như cam kết bảo hộ của Nhà nước đối với quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư giáo dục.

Có quá nhiều ý kiến phản đối về việc này, các nhà đầu tư của nhiều trường phổ thông tư thục trên địa bàn Hà Nội đã có văn bản kiến nghị gửi tới Bộ trưởng Bộ GDĐT và Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kiến nghị về các điều 49, 56 và 100 của Dự luật Giáo dục (sửa đổi). Theo họ, những điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới 2 quyền trụ cột nhất của các nhà đầu tư trường tư thục, đó là quyền sở hữu và quyền điều hành.

img

Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Marie Curie Hà Nội - bày tỏ nhiều băn khoăn về những điều khoản cụ thể của Dự thảo Luật Giáo dục mới tại hội thảo "Quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, trường tư thục".

Vậy các nhà nghiên cứu về luật có để ý đến những biện chứng mà các nhà làm giáo dục đưa ra hay không? Họ có nghiên cứu đến các vấn đề mà nhà đầu tư băn khoăn hay không? Hay chỉ đưa ra theo quan điểm cá nhân và cái tôi của mình.

Phân tích của ông Hoàng Xuân Hóa - Chủ tịch HĐQT kiêm Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie Hải Phòng cho biết, Hội đồng trường như Dự thảo luật Giáo dục sửa đổi phiên bản 12/4/2019 và Hội đồng quản trị trường tư thục bản chất là không thể thay thế, vì hai loại trường công lập và tư thục đều có những điểm giống nhau và những điểm khác biệt. Điểm giống nhau là cả hai loại trường cùng có nhiệm vụ giáo dục và đào tạo con người lao động trong tương lai, trong cùng một chương trình, cùng một sách giáo khoa, cùng một tiến độ giảng dạy theo quy trình của Bộ GDĐT. Sản phẩm của hai loại hình trường này cũng cùng được nghiệm thu chung trong kỳ thi THPT quốc gia. Vì điểm giống nhau này mà tổ chức và nhiệm vụ của ban giám hiệu nhà trường có cơ cấu gần như nhau.

Điểm khác biệt duy nhất và quan trọng là nguồn đầu tư khác nhau. Trường công lập do Nhà nước đầu tư, trường tư thục do cá nhân đầu tư, vì vậy cơ cấu tổ chức và phương thức quản trị về cơ sở vật chất, tài chính của hai loại trường này tất yếu phải khác nhau, không thể đồng nhất về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường như Điều 56 Dự thảo Luật Giáo dục đưa ra.

Ông Hóa cũng bức xúc vì theo ông, Điều 56 là trái với pháp luật hiện hành như Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, bởi tuy trường tư thục không phải doanh nghiệp vì sản phẩm của nó là con người chứ không phải là hàng hóa. Nhưng về mặt đồng quản trị về tài chính, đồng quản trị trường tư thục không hề khác với hoạt động quản trị của doanh nghiệp. Chính vì thế mà trường tư thục hiện nay cũng phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều 56 đã tước bỏ quyền quản trị của những người đầu tư. Đây là căn cứ thứ hai để không thể chấp nhận đồng nhất giữa Hội đồng quản trị với Hội đồng nhà trường như vậy.

Tuy nhiên, sau khi nghe các ý kiến phản ánh trái chiều thì lại tổ chức ra một buổi đối thoại để cùng lắng nghe ý kiến. Tại buổi làm việc, đại diện ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra Dự án luật Giáo dục (sửa đổi) và các chủ đầu tư đi đến thống nhất sẽ phải sửa lại dự thảo luật rõ ràng hơn theo hướng tất cả các trường tư thục muốn thành lập trường thì trước hết phải thành lập công ty (một tổ chức kinh tế) để sở hữu và quản lý trường theo Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện hành. Đối với những trường đã thành lập từ lâu mà không có công ty sở hữu, thì sau khi luật được ban hành sẽ thực hiện theo hướng dẫn của nghị định.

Rõ ràng, có kiến nghị là lại sửa đổi, xong lại ra dự thảo luật mới. Trong khi đó giáo dục là một trong những mũi nhọn cần chú trọng của quốc gia. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, giáo dục là rường cột của quốc gia, nhưng từ rất lâu rồi giáo dục luôn bị đem ra làm thử nghiệm. Từ thay đổi sách giáo khoa đến luật giáo dục. Từ nhà quản lý đến giáo viên và học sinh đều chạy theo sự thay đổi “theo giờ” đó. Vậy đến bao giờ thì giáo dục sẽ ngừng thay đổi?

Đến nay, dù các chủ đầu tư có thể yên tâm “thở phào nhẹ nhõm” bởi quyền sở hữu và quyền điều hành của những người đầu tư thành lập trường đã không còn nguy cơ bị đe dọa. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng sẽ phải chờ tới khi Dự thảo luật được trình Quốc hội trong kỳ họp khai mạc vào cuối tháng 5 tới.

Kết quả ra sao thì chưa ai biết chắc, nhưng ít ra thì sự cởi mở, dân chủ và tinh thần cầu thị, tiếp thu của những nhà làm luật đã làm hài lòng chủ đầu tư - những người trực tiếp liên quan tới dự thảo này. Đó là một cách làm văn minh và cần thiết trước khi ban hành những chính sách có tác động lớn đến đời sống, xã hội, trong lúc chờ câu trả lời, cũng là mơ ước, rằng bao giờ thì giáo dục sẽ ngừng thay đổi?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem