"Giáo sư Bùi Danh Lưu và cuộc nhậm chức Bộ trưởng đầy ấn tượng trong đời làm báo của tôi"

Nhà văn Nguyễn Hiếu Thứ hai, ngày 21/06/2021 13:00 PM (GMT+7)
Tốt nghiệp Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp, tôi được Đài Tiếng nói Việt Nam tuyển làm phóng viên. Một sự ngẫu nhiên hay sự run rủi của số phận là ngay sau khi bắt tay vào nghiệp phóng viên, tôi được cơ quan phân công theo dõi ngành Giao thông vận tải.
Bình luận 0

Vậy là tính từ năm 1970 đến khi về hưu, trừ 3 năm biệt phái sang CP90 (Đài Phát thanh Giải phóng), tôi lập nên một kỷ lục nho nhỏ trong làng báo. Tôi là phóng viên trọn 39 năm làm báo chính thức theo dõi một ngành kinh tế trải qua vừa tròn chục vị Bộ trưởng.

Nếu tính từ vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành Giao thông vận tải (GTVT) mà tôi theo dõi là tướng Phan Trọng Tuệ thì đến Giáo sư Bùi Danh Lưu là vị Bộ trưởng thứ năm. Đây cũng chính là vị Bộ trưởng Bộ GTVT mà theo tôi chẳng những là người có tâm, có tầm đối với ngành với những quyết sách có ảnh hưởng lâu dài đối với ngành, mà còn là một vị Bộ trưởng được anh em nhà báo, văn nghệ sĩ yêu mến.

Trong giai đoạn hiện nay, chỉ riêng việc Giáo sư Bùi Danh Lưu được chọn làm Bộ trưởng cũng có nhiều điều cần suy ngẫm.

Nhậm chức Bộ trưởng trên đường công tác

Tôi biết Giáo sư Bùi Danh Lưu từ khi ông còn làm Phó Viện trưởng Viện Khoa học kĩ thuật giao thông vận tải. Từ năm 1982, ông bắt đầu có sự thuyên chuyển từ vị trí Viện phó lên Vụ trưởng Vụ Khoa học kĩ thuật. Giáo sư thụ lý chức vụ này tròn 17 ngày thì ông được thăng lên Thứ trưởng và cũng chỉ 4 năm sau - vào năm 1986 ông được Chính phủ (hồi đó là Hội đồng Nhà nước) đưa lên làm Bộ trưởng Bộ GTVT và Bưu điện (GTVT và BĐ). Có lẽ đây cũng là một kỉ lục quan lộ.

"Giáo sư Bùi Danh Lưu và cuộc nhậm chức Bộ trưởng đầy ấn tượng trong đời làm báo của tôi" - Ảnh 1.

Ông Bùi Danh Lưu (người đứng giữa, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Trưởng ban Chỉ đạo công trình) báo cáo về công trình xây dựng cầu Chương Dương với Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng và Phó Thủ tướng Chính phủ Đồng Sỹ Nguyên, năm 1985. (Ảnh: Vương Xuân Nguyên)

Việc cất nhắc của Giáo sư Bùi Danh Lưu cách đây hơn 30 năm. Thời của Giáo sư Bùi Danh Lưu, việc lên chức của ông thật thanh thản, nhẹ nhàng, bởi đó là thời con người được xếp vào vị trí nào đều do tài năng và đức độ của chính họ.

Tôi ấn tượng và nhớ rất rõ ngày Giáo sư Bùi Danh Lưu được Chính phủ tín nhiệm cử làm Bộ trưởng Bộ GTVT và BĐ vì đó là ngày 21/6/1986 - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Hôm đó, Thứ trưởng Bùi Danh Lưu đang đi công tác tại các tỉnh biên giới phía Bắc. Ông Đặng Hạ - cố vấn của Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên trong giờ báo tin Đài Tiếng nói Việt Nam vừa thông báo Bộ GTVT và BĐ có Bộ trưởng mới.

Ông Đặng Hạ nói hình như vị Bộ trưởng này họ Bùi. Rồi ông đoán có lẽ là anh Bùi Do. Thứ trưởng Bùi Danh Lưu bảo: "Tóm lại ai cũng được, còn mình cứ làm tròn nhiệm vụ của mình đã". Ông nói thế vì trong hàng thứ trưởng, ông là thứ trưởng mới nhất đứng hàng thứ tư sau Thứ trưởng thường trực Lê Khả, Thứ trưởng Nguyễn Đình Doãn, Thứ trưởng Đoàn Xê.

Nhưng thật bất ngờ khi ông đến Văn phòng Tỉnh ủy Lai Châu thì ông Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này ôm bó hoa thật đẹp tiến về Thứ trưởng Bùi Danh Lưu. Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu trao hoa bắt tay, ôm thật chặt Thứ trưởng và nói: Xin chúc mừng Bộ trưởng mới của Bộ GTVT và BĐ.

Đấy, việc lên Bộ trưởng một bộ thuộc hai ngành kinh tế lớn của Giáo sư Bùi Danh Lưu cách đây 34 năm bất ngờ và nhẹ nhàng như vậy.

Cái tầm của một vị Bộ trưởng có tâm

Giai đoạn Giáo sư Bùi Danh Lưu lên đảm nhận vị trí Bộ trưởng bộ GTVT và BĐ là thời kì có thể nói là cực kì khó khăn của nền kinh tế nước ta nói chung và ngành GTVT và BĐ nói riêng. Tôi nhớ để chống lại sự lạm phát gia tăng phi mã, Chính phủ đã áp dụng một biện pháp cực chẳng đã là đổi tiền với hi vọng kìm hãm được phần nào lạm phát.

"Giáo sư Bùi Danh Lưu và cuộc nhậm chức Bộ trưởng đầy ấn tượng trong đời làm báo của tôi" - Ảnh 2.

Cố Giáo sư, Bộ trưởng Bộ GTVT và BĐ Bùi Danh Lưu (người áo trắng đeo kính đi giữa) trong một chuyến đi khảo sát đảo Vân Đồn - Quảng Ninh. (Ảnh: Tư liệu sưu tầm)

Cuộc đổi tiền rầm rộ quy mô toàn quốc diễn ra ngày 14/9/1985 thì sau 3 tháng vào cuối tháng 12/1985 dư nợ tín dụng gấp 3,1 lần so với trước. Đến cuối năm 1986 dư nợ này đã là 17,7 lần. Năm 1987 lên 35,5 lần. Năm 88 lên 152,4 lần. Cơn lũ lạm phát tưởng được ngăn bằng đồng tiền mới rốt cuộc lại làm đợt sóng của cơn lũ này ngày càng dữ dội.

Bức tranh của ngành GTVT cũng cực kì bi đát. Cầu Thăng Long vừa làm xong thì đống sắt thép thừa mất dần mất mòn trong khi hai tòa tháp đầu cầu vẫn dang dở, những đơn vị cầu lớn xoay ra làm nón, khung xe đạp. Giữa Hà Nội, chiếc cầu Long Biên hơn trăm tuổi đang oằn mình vì lượng người và xe chật cứng, ùn tắc.

Hạ tầng cơ sở ngành GT quá nghèo nàn lại đang xuống cấp. Các quốc lộ lớn như QL1, QL5 nứt nẻ, lở lói vì không có kinh phí duy tu, sửa chữa. Đội ngũ xe khách, xe tải quốc doanh hầu hết là xe cao tuổi quá đát, người dân cực kì khốn khổ khi có nhu cầu đi lại. Vận tải quá cảnh, viễn dương vì quá khốn khổ với phương tiện cũ nát và tệ kiểm tra ngặt nghèo của hải quan nên càng gia tăng buôn lậu, đi nhặt đồ phế thải của nước ngoài.

Hàng loạt nhà máy đóng tàu, sửa chữa ô tô hoạt động lay lắt, cầm chừng với sản phẩm nghèo nàn… Đó là chưa kể các tư lệnh vùng ở các liên hiệp xây dựng GT còn xảy tình trạng tranh giành, manh mún kiểu "sứ quân" không ai chịu ai.

Giữa tình hình xuống dốc thảm hại như vậy, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu đã tung 11 quyết sách táo bạo. Và, khi những quyết sách này được triển khai đi vào thực tế đã thực sự tạo ra những chuyển biến lớn và cơ bản.

Trong 11 quyết sách đó, tôi đánh giá cao quyết sách thứ năm, thiết lập kỉ cương, nâng cao ý thức phục vụ khách hàng, phục vụ nhân dân. Song song với việc từng bước cải thiện phương tiện là việc Bộ trưởng thực sự dũng cảm khuyến khích phương tiện vận tải tư nhân, mặc dù quyết sách này gặp không ít sự bảo thủ ngăn cản dưới sự lên án "xe biển trắng" (đây cũng là thời kì Bí thư Vĩnh Phú Kim Ngọc áp dụng biện pháp khoán trong nông nghiệp).

Hay như quyết sách thứ bảy đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, đi tắt đón đầu. Nhanh chóng tiếp cận với trình độ quốc tế. Kĩ thuật, thiết bị khoan nhồi tiên tiến trong xây dựng cầu được áp dụng khi chiếc máy khoan nhồi đầu tiên có độ khoan đường kính 1,2 mét lần đầu tiên được đội ngũ thợ cầu Việt Nam áp dụng khi xây dựng cầu Việt Trì thay cho kĩ thuật giếng chìm chở nổi lạc hậu.

Tiến bộ kĩ thuật mang tính đột phá này khiến trong thời Bộ trưởng Bùi Danh Lưu mới có hàng loạt cầu lớn, đẹp ra đời như cầu Mỹ Thuận, cầu Phong Châu, cầu Đò Quan, cầu Lạc Quần, cầu Sông Gianh… Kĩ thuật làm đường tiên tiến ASSTO của Mỹ được các đơn vị làm đường của ta áp dụng trong thi công và nhờ đó khiến nhà thầu xây dựng giao thông Việt Nam thắng thầu ở các công trình quốc tế lớn như đường 13 Bắc Lào trước các nhà thầu lớn như Thụy Điển, Úc, Hàn Quốc… Hay như quyết sách thứ 11 là đẩy mạnh quan hệ quốc tế, tranh thủ nguồn vốn vay ODA từ nguồn các ngân hàng thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các nguồn vốn FDI…

Với quyết sách này nên hàng loạt công trình giao thông lớn như đường Thăng Long - Nội Bài, QL1, QL5, QL3…, các dự án GT nông thôn… mới được nâng cấp, cải tạo và tạo tiền đề đến thời kì kế nhiệm là Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn, ngành GTVT nước ta mới bước vào giai đoạn đỉnh cao của việc vay các loại vốn ODA xây nên nhiều công trình giao thông, tạo bước chuyển biến cơ bản cho hạ tầng giao thông Việt Nam…

Cũng cần nói thêm, Giáo sư Bùi Danh Lưu được đào tạo có bài bản kiến thức và ông trưởng thành trong ngành GT nên ở vị Bộ trưởng này có mối thiện cảm và sự am hiểu, thông cảm rất lớn đối với người thợ GT dù ở bất kì lĩnh vực, nghề nghiệp nào. Có lẽ vì vậy nên ông nổi tiếng là vị Bộ trưởng đi nhiều nhất tới các công trường, các địa phương dù heo hút, xa xôi đến đâu, không chỉ vì ở đó có công trình, có công nhân ngành ông mà còn vì ở đó có vấn đề đang vướng mắc về GT.

Với Bộ trưởng Bùi Danh Lưu, tôi có một kỉ niệm sâu sắc mà từ đó thêm một lần tôi hiểu được tình cảm và cách nhìn của vị đứng đầu ngành GT. Số là vào năm 1990, tôi đoạt giải nhất cuộc Vận động sáng tác đề tài GT do Bộ GTVT và BĐ cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức với tiểu thuyết "Bụi đường".

Ngay trong buổi lễ trao tặng thưởng, Bộ trưởng Bùi Danh Lưu nói với tôi: "Phát huy thành tựu này, anh sẽ mời chú đi thực tế trên tàu viễn dương. Hi vọng sau chuyến đó, chú sẽ có cuốn tiểu thuyết về đời sống vất vả, khốn khó của người thủy thủ viễn dương". Nghe Bộ trưởng nói, mặc dù là một nhà báo đã có 20 năm nghề, ít nhiều am hiểu ngành, tôi vẫn hơi ngạc nhiên.

Vì giai đoạn đó lái xe quá cảnh sang Lào và nhất là thủy thủ viễn dương mà dân gian gọi là thủy thủ Vosco đang là hình tượng mơ ước của người dân và những trang thanh niên vào đời. Đó là những chàng trai đi giày Adidas, mặc áo phao, hút thuốc lá ba số 5, cưỡi xe Honda, trong nhà họ thì có máy giặt, tủ lạnh, tivi, các giàn nghe nhạc hiện đại mang nhãn hiệu Nhật và Hàn Quốc.

Nhưng sau 6 tháng đi cùng tàu viễn dương Điện Biện 01, tôi mới hiểu sự vất vả và khốn khó của thủy thủ viễn dương như Bộ trưởng Bùi Danh Lưu nói. Hóa ra đằng sau sự hào nhoáng được đắp điếm bằng những thứ hàng phế thải của nước ngoài là cả những cảnh đời nhiều bi kịch của người làm nghề viễn dương.

Với những chuyến lênh đênh trên biển kéo dài ít nhất 2 tháng, nhiều nhất 6 tháng, nửa năm chịu đủ sự nguy hiểm trên mặt biển từ gió bão, cướp biển…, sang đến nước người thì đi lang thang rạc cẳng tăm lùng, nhặt nhạnh, thu mua các thứ hàng thải loại tại các bãi rác, các cửa hàng thu gom "sê cần hen" (hàng đã dùng). Lên tàu thì tháo rời ra, giấu vào hang hốc trên tàu để tránh khám xét của hải quan. Xa nhà lâu thế, không ít gia đình vì thiếu sự giáo dục của bố, con bỏ học, nghiện hút, vợ ngoại tình…

Cuốn tiểu thuyết "Biển toàn là nước" của tôi hoàn thành vào năm 1991, nhưng 10 năm sau, vào năm 2001 mới được ra đời, vô tình đã minh chứng cho sự cảm thông và am hiểu đến tận cùng đời sống nghề viễn dương của Giáo sư Bùi Danh Lưu - vị Bộ trưởng có tầm và có tâm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem