Giao thêm khoảng 5.000 tỷ đồng cho cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu 'nóng'

Thế Anh Thứ bảy, ngày 12/03/2022 10:36 AM (GMT+7)
Riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT dự kiến sẽ phân bổ khoảng 5.000 tỷ đồng thực hiện dự án này, sau khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phê duyệt đầu tư các dự án thành phần, dự kiến khoảng tháng 6/2022.
Bình luận 0

Để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, Bộ GTVT được được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công năm 2022 với tổng số 50.328 tỷ đồng.

Bộ GTVT cho biết, số vốn đầu tư công nêu trên cũng là số vốn mà Bộ GTVT được giao lớn nhất từ trước tới nay, chiếm tới 23,5% kế hoạch vốn năm 2022 của khối các Bộ, ngành, cơ quan TƯ và chiếm 9,7% kế hoạch vốn 2022 của cả nước.

Nhằm sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, Vụ Kế hoạch - Đầu tư tham mưu Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giao chi tiết kế hoạch qua hai đợt với tổng số gần 42.000 tỷ đồng (đạt 83,4%), gồm 4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài (đạt 100%) và hơn 37.000 vốn trong nước (đạt 81,6%).

Cao tốc Bắc - Nam sẽ được giao thêm khoảng 5.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đang được triển khai. Ảnh: Thế Anh

Đối với kế hoạch vốn năm 2022 chưa phân bổ khoảng 8.373 tỷ đồng, Bộ GTVT sẽ giao chi tiết cho các dự án sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn đợt 3 (dự kiến trong tháng 3/2022) và được cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư đối với các dự án khởi công mới.

Tính riêng dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT dự kiến sẽ phân bổ khoảng 5.000 tỷ đồng thực hiện dự án này, sau khi Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt đầu tư các dự án thành phần, dự kiến khoảng tháng 6/2022.

"Khoảng 3.370 tỷ đồng sẽ được giao cho 37 dự án khởi công mới nhóm B theo tiến độ phê duyệt dự án đầu tư", Bộ GTVT cho biết.

Riêng với các dự án đường bộ cao tốc quan trọng quốc gia, gồm: Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và các dự án nhóm A: Cao Lãnh - An Hữu, Dầu Giây - Tân Phú, Chơn Thành - Đức Hòa cần được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư mới đủ điều kiện giao kế hoạch trung hạn và kế hoạch năm", Vụ KH-ĐT thông tin.

Tại đợt giao vốn lần 1, Bộ GTVT đã giao 41.307 tỷ đồng cho các dự án đã đáp ứng đầy đủ thủ tục, điều kiện (trả nợ BT, thu ứng kế hoạch, dự án chuyển tiếp, 1 dự án khởi công mới là cầu Rạch Miễu 2).

Trong đợt 2, Bộ GTVT đã giao 648 tỷ đồng, gồm 326 tỷ đồng kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư để hoàn thiện thủ tục quyết định phê duyệt đầu tư 60 dự án/dự án thành phần khởi công mới, trong đó có 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.

322 tỷ đồng được phân bổ cho 4 dự án khởi công mới đã có quyết định đầu tư, gồm: Dự án nâng cấp, mở rộng QL9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến QL1 sử dụng vốn dư VRAMP; dự án nâng cấp QL12A đoạn tránh Ba Đồn và đoạn tránh nhà máy xi măng Sông Gianh, Quảng Bình; đầu tư hoàn chỉnh QL32C qua Phú Thọ và dự án đóng mới tàu chuyên dụng phục vụ tìm kiếm cứu nạn xa bờ.

Cao tốc Bắc - Nam sẽ được giao thêm khoảng 5.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành. Ảnh: V.D

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đang triển khai gồm có 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 652,86 km. Hiện nay, còn thiếu hụt khoảng 12,59 triệu m3 đất đắp tại 6 dự án thành phần. Các địa phương đang tích cực tháo gỡ, dự kiến sẽ cơ bản hoàn thành tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vật liệu đắp nền đường trong tháng 3/2022.

Về tiến độ tổng thể, trong tổng số 11 dự án, có 7 dự án thành phần cơ bản đáp ứng tiến độ (trong đó có 1 dự án thành phần đã hoàn thành); 4/11 dự án thành phần chưa đáp ứng tiến độ so với kế hoạch ban đầu (Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) nhưng cơ bản đáp ứng tiến độ theo kế hoạch điều chỉnh và đang dần bù lại tiến độ chậm trễ để bảo đảm hoàn thành theo thời gian quy định của hợp đồng.

Trước đó, ngày 18/2, tại cuộc hợp với Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định: "Đây là dự án quan trọng của quốc gia nên cam kết vốn không thiếu 1 đồng, "làm nhanh thì giải ngân nhanh nên tiến độ phụ thuộc vào các nhà thầu và hỗ trợ của các địa phương".

Do đó, để đảm bảo đúng tiến độ của dự án và đúng tiến độ giải ngân, Bộ trưởng Nguyên Văn Thể yêu cầu tất cả các lãnh đạo chủ chốt của các Ban quản lý dự án phải cam kết tiến độ với Bộ GTVT, nếu không bảo đảm chắc chắn sẽ điều chuyển công tác.

"Nếu nhà thầu nào không bảo đảm tiến độ thì sẽ không cho dự thầu các dự án khác trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể kiên quyết khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem