Giáo viên, học sinh nói gì về quy định cho phép sử dụng điện thoại thông minh trong lớp?

Hà My Thứ bảy, ngày 19/09/2020 15:30 PM (GMT+7)
Tới đây, học sinh sẽ được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép.
Bình luận 0

Trước đây, điện thoại thông minh bị cấm sử dụng trong lớp học một cách triệt để, thậm chí nhiều trường tư thục còn có quy định không được phép mang điện thoại thông minh vào khuôn viên trường học.

Tuy nhiên tới đây, kể từ ngày 1/11, khi Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT chính thức có hiệu lực; học sinh THCS, THPT chỉ không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học và không được giáo viên cho phép.

Giáo viên, học sinh nói gì về quy định cho phép sử dụng điện thoại thông minh trong lớp? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Quan trọng là sử dụng đúng cách

Em Vũ Thanh Hà (học sinh lớp 11 - THPT Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng điện thoại thông minh đối với học sinh đã trở thành một vật dụng quen thuộc. 

"Em nghĩ rằng đối với thời đại hiện nay, việc sử dụng điện thoại thông minh là điều hết sức bình thường. Nó không chỉ là một công cụ giao tiếp mà còn đóng vai trò như một chiếc máy tính thu nhỏ. Trao đổi việc học qua các nhóm chat, giao tiếp với thầy cô qua mạng xã hội, tìm kiếm tài liệu học tập cho tới việc xem các video bài giảng đã không còn xa lạ với học sinh chúng em. Việc cho phép sử dụng điện thoại trong lớp học theo em là hợp lý, điều quan trọng là sử dụng nó với mục đích gì và như thế nào mà thôi", Thanh Hà nói.

Thanh Hà cho biết thêm, hiện tại đối với nhiều môn học, đặc biệt là các môn xã hội, việc tìm kiếm thông tin trên Google để bổ sung cho bài học không còn xa lạ đối với học sinh. Wikipedia cũng giúp các em nhanh chóng hiểu rõ hơn về các vấn đề như Lịch sử, Địa lý, Sinh học... 

"Đối với môn Hóa học hoặc Vật lý, chúng em hoàn toàn có thể xem các clip trực quan, sinh động trên Youtube để thấy hứng thú hơn với bài học" - Thanh Hà nói thêm.

Thực tế, đối với phần lớn học sinh cấp 2, cấp 3 tại thành phố, việc sử dụng điện thoại thông minh thuần thục là điều hết sức bình thường. Em Tuấn Minh (học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) cho biết, em thường xuyên sử dụng điện thoại thông minh để phục vụ việc học trong thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa qua. Tuấn Minh thường xuyên xem các clip giảng bài trực tuyến, thêm vào đó là tìm kiếm các bài giải đề, sách tham khảo mà không phải bỏ tiền ra mua. 

"Nguồn thông tin trên Internet vô cùng lớn, nếu bỏ phí, không sử dụng thì quả thật là một sự lãng phí trong thời đại hiện nay" - Minh nói.

Điện thoại thông minh giúp tiết học sinh động hơn

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo (THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) cho biết, bản thân cô đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong một số các tiết học đặc thù từ lâu. "Tôi đã ứng dụng điện thoại thông minh vào công tác giảng dạy từ khá lâu. Để học sinh tra cứu thông tin, sử dụng với các mục đích khác nhau phục vụ bài học dưới sự giám sát của giáo viên là điều nên làm. Đặc biệt là việc triển khai lớp học thông minh kết nối Internet, giáo viên cùng học sinh khám phá những tri thức mới, sinh động, trực quan. Học sinh cũng rất hào hứng với cách học mới này, thay vì chỉ học truyền thống" - cô Huyền Thảo nói.

Cô Huyền Thảo cho hay, tại lớp học thông minh, cô thường chia giờ giảng dạy ra làm hai phần. Phần đầu giao đề tài cho học sinh, các em sẽ tự tìm kiếm thông tin, nền tảng kiến thức cho bài học, tự trình bày bằng điện thoại thông minh. Sau đó, học sinh sẽ cất điện thoại đi và tập trung vào bài học. 

Trả lời về vấn đề học sinh sử dụng điện thoại vào mục đích riêng, cô Huyền Thảo cho hay đó là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên giáo viên hoàn toàn có thể kiểm soát việc này. Nếu em nào sử dụng điện thoại làm việc riêng sẽ thu điện thoại và cuối giờ trả lại. Cách học này khơi gợi được tính sáng tạo, chủ động của học sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem