Giàu vì đất, chết cũng vì đất?

Lương Duy Cường Thứ hai, ngày 09/05/2022 20:01 PM (GMT+7)
"Quan tham ăn đất" là chuyện dân tình biết cả, lâu nay bức xúc lắm, nên khi được chính người lãnh đạo cao nhất của Đảng nói thẳng thì lòng dân sướng lắm. Việc xử lý cứng rắn các hành vi tham nhũng, trục lợi từ đất đai trong những năm gần đây cũng đã chứng tỏ Đảng và Nhà nước đang quyết liệt với loại tội phạm này.
Bình luận 0

Sống trên đời ai cũng mong có một chỗ cắm dùi. Là nói về miếng đất để cất cái nhà ở cho gia đình, yên ổn không có tranh chấp.

Pháp luật, ghi rất rõ trong Hiến pháp "đất đai thuộc sở hữu toàn dân", nhưng khi chuyển nhượng được quyền sử dụng một miếng đất, thì đã ấm lòng, xem như "có của của để. "An cư mới lập nghiệp" - tâm lý dân ta nó vậy, kể cũng phải.

Nhưng nếu chỉ cần "miếng dất cắm dùi" thì nó khác, hẳn là cuộc đời sẽ đáng yêu hơn. Nhưng lắm người vốn tham lam, nên dù có một miếng đất thì cũng muốn nó rộng cho thoáng, view phải đẹp để hưởng thụ thanh nhàn, rồi phải "nhất cận thị, nhị cận giang" mới dễ sinh lợi. 

Người tham hơn nữa thì ngoài "miếng đất cắm dùi" còn tính chuyện kiếm thêm miếng nữa để dành cho con, nhiều con thì nhiều miếng, chưa kể để khi về già còn vui thú vườn ruộng… Nhưng xét cho cùng thì cái sự tham lam ấy cũng nên chia sẻ, vì không hẳn nó sẽ gây ra hậu quả gì ghê gớm cho xã hội.

Nhưng thời buổi này còn có thứ tham lam quá độ, lợi dụng chức quyền và kẽ hở của pháp luật để trục lợi từ đất đai mà dân gian gọi là "quan tham ăn đất" thì thực sự khủng khiếp, gây nhiều tai ương cho trật tự quản lý đất đai.

Đó cũng là một sự nhức nhối mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ thẳng qua bài Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáng ngày 4-5-202, về tình trạng có nhiều người giàu lên nhờ đất nhưng cũng không ít người nghèo đi vì đất; nhiều người "thậm chí bị đi tù cũng vì đất; mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất".

"Nói quan tham ăn đất" thì muôn hình vạn trạng. Lợi dụng chức quyền để chiếm đoạt đất công làm của riêng cho gia đình mình thì nhiều vô kể. Có người chiếm "bờ xôi ruộng mật", có người chiếm cả cánh rừng; có người nhà của đề huề rồi vẫn tìm cách kiếm cho được một lô ở nơi qui hoạch mới, kể cả qui hoạch cho dân tái định cư; có dạng biến đường thẳng thành "đường cong ngoạn mục" để đất nhà mình lao ra mặt tiền; có dạng chớp cơ hội biết thông tin qui hoạch đường sá, đô thị nên tung tiền mua gom đất giá rẻ; có dạng lấy cả đất công dâng biếu nhau như kiểu lót tay, mưu cơ quan lộ. Đa dạng lắm, kể không xiết.

Khủng khiếp nhất là dạng không chiếm làm của riêng mà chỉ luồn lách để dâng đất công, thậm chí cả đất phục vụ an ninh quốc phòng vào tay tư nhân hay doanh nghiệp dưới danh nghĩa góp vốn đầu tư hay cho thuê với "giá rẻ như cho" vì đủ thứ lý do, có cả lý do đã công khai đầu thầu nhưng không ai tham gia… Đừng nói lý do buộc phải làm thế làm kia chỉ vì mong có dự án hoạt động để có nguồn thu cho ngân sách. Nhiều chỗ là có lợi ích cá nhân cả đấy, không được biếu tiền thì cũng là vài lô "vàng". Đó là trục lợi từ đất công. Dân tình rõ cả. 

Những dạng đất chiếm đoạt đất công hoặc trục lợi theo các kiểu đó, nếu sòng phẳng mà nói thì dễ chỉ ra được ngay, nếu cấp ủy và các địa phương muốn làm. Vấn đề nói thẳng ra là ít nơi muốn làm, vì nhiều người không muốn làm vì ngại đụng chạm, ngại mất ghế, dù đất ông nào thì biết rõ cả.

Cái việc tự kê khai theo qui định của công tác cán bộ, rồi đảng viên tự kê khai biến động về tài sản hằng năm thì có đó, nhưng mấy ai kê chính xác. Mà có người rất nhiều lô, nhiều khoảnh nhưng con cháu, người thân đứng tên cả, họ có đứng tên đâu mà khai. Phải nói thẳng là không "quan tham ăn đất" nào lại dại dột đứng tên nhưng lô đất nhờ tham mà có để rồi phải kê khai.                                                                                                                                                                                        

"Quan tham ăn đất" là chuyện dân tình biết cả, lâu nay bức xúc lắm, nên khi được chính người lãnh đạo cao nhất của Đảng nói thẳng thì lòng dân sướng lắm. Mà đâu chỉ nói thẳng, việc xử lý cứng rắn đối với các hành vi tham nhũng, trục lợi từ đất đai trong những năm gần đây cũng đã chứng tỏ Đảng và Nhà nước đang quyết liệt với loại tội phạm này.

Có ông đang lừng lẫy trên chính trường, sao gạch hoành tráng thế, đùng cái xộ khám cũng vì đất đai. Có ông cử tri thấy đang hay ho thế, đạo đức thế nên mạnh dạn tin tưởng bỏ phiếu bầu vào Quốc hội, đùng cái cũng tra tay vào còng chỉ vì đất đai. Lắm quan chức nghỉ hưu tưởng "hạ cánh an toàn" cũng đùng một cái bị cơ quan điều tra gọi tên.

Không có  "vùng cấm" hay ngoại lệ nào. Bởi đó là các cán bộ đã tha hóa, biến chất, cần loại ngay ra khỏi bộ máy Nhà nước. Cho nên, dân tình hoan hỉ trước việc Đảng và Nhà nước mạnh tay xử lý loại quan tham này. Nhiều người hồ hởi chờ thông báo thông tin từ các cuộc họp của Bộ Chính trị, của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, để xem lần này đã đến lượt "quan tham ăn đất" ở địa phương mình bị xử lý hay chưa?

Nhưng cùng với việc kiên quyết xử lý thì phải tăng cường công tác phòng ngừa. Phòng ngừa bằng cơ chế, bằng các chế định của pháp luật về đất đai.                                                                          

Chính vì thế, tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về đất đai. Từ việc tổng kết này, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất, các định chế về quản lý đất đai cũng sẽ chặt chẽ hơn.

 "Cuộc chiến chống quan tham trục lợi đất đai" trong những năm gần đây đã quyết liệt rồi, nay chắc chắn sẽ bước qua một giai đoạn mới quyết liệt và bài bản hơn.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem