Giấy phép "con" có gì ngon, mà ngành chức năng thích "ôm"?

Anh Thơ Thứ tư, ngày 02/05/2018 09:30 AM (GMT+7)
Không tổ chức một cách “rầm rộ” như các bộ, ngành khác nhưng thời gian qua, Bộ NNPTNT đã triển khai khá hiệu quả việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại khiến DN bức xúc.
Bình luận 0

Cắt giảm 131 điều kiện kinh doanh

Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT), cho biết, theo Luật Đầu tư thì ngành NNPTNT có 33 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và qua rà soát có 345 điều kiện kinh doanh. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã thành lập tổ công tác, các thủ trưởng đơn vị trực tiếp chỉ đạo việc giảm bớt các thủ tục hành chính trên tinh thần phải đổi mới tư duy và thực hiện một cách triệt để.

img

Việc xin quá nhiều giấy phép trong nhập khẩu nguyên liệu gây khó khăn cho các DN sản xuất thuốc  thú y (ảnh minh họa).  Ảnh: T.L

"Với 345 điều kiện kinh doanh, sẽ cắt giảm 241 điều kiện, chiếm 69,8%... Chúng tôi sẽ tập trung cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong 5 lĩnh vực: Thú y, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm biến đổi gen, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng”.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh

“Chúng tôi đề xuất với 345 điều kiện kinh doanh này, có điều kiện thì bãi bỏ, có những điều kiện phải cắt giảm. Theo đó, sẽ cắt giảm 241 điều kiện. Riêng với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chúng tôi dự kiến sửa đổi trong Luật Trồng trọt, chăn nuôi năm 2018. Ngoài ra, sẽ tập trung cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong 5 lĩnh vực: Thú y, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm biến đổi gene, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng” - bà Kim Anh nói.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cắt giảm điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực sản xuất là hết sức cần thiết, không chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, sẽ tạo điều kiện và không gian phát triển cho DN, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và thuận lợi. Đây chính là yếu tố cần thiết để tăng cường thu hút đầu tư.

“Quá trình cải cách điều kiện kinh doanh không chỉ nỗ lực từ một phía từ cơ quan quản lý nhà nước mà phải chính từ góp ý của các DN. Chỉ khi có những tương tác xây dựng thì mới có thể cắt giảm điều kiện kinh doanh phù hợp nhất, sát với thực tế nhất, thiết thực nhất cho các DN cũng như thúc đẩy môi trường kinh doanh” - ông Tuấn nói.

Doanh nghiệp vẫn bức xúc

Mặc dù ghi nhận những nỗ lực của Bộ NNPTNT trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhưng các DN vẫn bức xúc về các thủ tục hành chính.

Bà Tú Anh - đại diện Công ty An Đô kinh doanh trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật lấy ví dụ việc công bố hợp quy hợp chuẩn thuốc bảo vệ thực vật. Dù đã được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra kỹ, DN cũng thuê một đơn vị đánh giá công bố hợp quy hợp chuẩn, nhưng DN vẫn phải mang hồ sơ lên Chi cục Bảo vệ thực vật để tiếp nhận công bố hợp quy hợp chuẩn một lần nữa. “Dù Cục đã có kiểm tra chuyên ngành, mọi quy chuẩn rõ ràng, nhưng khi nộp lên Chi cục có khi phải sửa đi sửa lại mấy lần mới được công nhận, đây là một sự chồng chéo không cần thiết” - bà Tú Anh nói.

Liên quan đến kiểm dịch thực vật, đại diện một DN cho biết, đã kiến nghị sửa đổi nhiều lần mà không có chuyển biến, riêng thủ tục kiểm dịch thực vật ở cảng Hải Phòng phải mất 48 giờ, nếu là ngày nghỉ có thể lên đến 72 giờ, gây rất nhiều khó khăn, tăng chi phí cho DN. Vị này kiến nghị giảm thời gian kiểm dịch xuống dưới 12 giờ.

Ông Trần Văn Thiên - Hiệp hội Sản xuất kinh doanh thuốc thú y cũng bức xúc. “Ví dụ về vấn đề nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất thuốc thú y, trước năm 2016, DN được chủ động nhập khẩu, sản xuất, nhưng từ khi có Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT  thì phải có giấy phép nhập khẩu, khi về cảng phải có cơ quan nhà nước lấy mẫu, đạt yêu cầu mới được sản xuất. Trong khi Bộ Y tế đã cho phép DN được chủ động nhập khẩu nguyên liệu miễn là nguyên liệu đó được phép lưu hành mà không phải xin bất kỳ một giấy phép nào thì tại sao chúng ta lại tự trói, ôm lấy phần việc của DN” - ông Thiên đặt câu hỏi.

Ngoài ra, theo ông Thiên, việc phải lưu mẫu kiểm nghiệm đến khi hết thời gian thuốc lưu hành là không khả thi vì không phải DN nào cũng có điều kiện để xây dựng kho chứa đủ lớn.

Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội cho rằng, cần khẩn trương ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm cụ thể, rõ ràng để DN tuân thủ và phục vụ cho việc chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. “Khi đó các DN sẽ có trách nhiệm hơn với chất lượng sản phẩm của mình. Cơ quan quản lý cũng sẽ giảm tải những công việc hành chính, giấy tờ” - ông Tường nói.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc bảo vệ thực vật, việc quy định nhà xưởng phải được bố trí trong khu công nghiệp là không hợp lý. “Rất nhiều nhà máy đã được cấp phép xây dựng, đầu tư hàng chục, hàng trăm tỷ giờ phải di dời vào khu công nghiệp liệu có khả thi không, có cần thiết không hay sẽ gây “nguy hiểm” cho sự sống còn của các DN?” - ông Sơn bức xúc.

Cũng theo ông Sơn, nếu còn giữ những quy định như: Chủ DN kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật phải là người có bằng cấp về bảo vệ thực vật thì DN còn khổ sở rất nhiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem