Giọng điệu khác lạ của Trung Quốc với Đài Loan

Đăng Nguyễn - Reuters Thứ sáu, ngày 22/05/2020 16:58 PM (GMT+7)
Phát biểu tại lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói rằng Bắc Kinh sẽ kêu gọi người dân Đài Loan ủng hộ một Trung Quốc thống nhất.
Bình luận 0

img

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên ngày 22.5.2020.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, theo chính sách Một Trung Quốc.

Hồi đầu năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố cứng rắn rằng cần phải thu hồi Đài Loan bằng mọi giá, dù có phải dùng đến vũ lực.

Phát biểu tại lễ nhậm chức nhiệm kì hai vào ngày 20.5, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khẳng định lập trường không chấp nhận mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, giống như Trung Quốc áp dụng với Hong Kong và Macau.

Tại lễ khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thể hiện giọng điệu mềm mỏng nhưng cũng rất rõ ràng.

Ông Lý nói Trung Quốc “kiên quyết phản đối các hành động gây chia rẽ, mong muốn Đài Loan độc lập”.

“Trung Quốc sẽ cải thiện chính sách và đề ra các biện pháp để khuyến khích trao đổi, hợp tác giữa hai bờ eo biển Đài Loan, bảo vệ sự thịnh vượng của người dân Đài Loan”, ông Lý nói.

“Chúng tôi khuyến khích người dân Đài Loan cùng chúng tôi phản đối chính sách Đài Loan độc lập và thúc đẩy một Trung Quốc thống nhất. Với nỗ lực này, chúng ta nhất định sẽ xây dựng một tương lai tốt đẹp cho thế hệ trẻ ở đất nước”, ông Lý phát biểu.

Reuters nhận định, ông Lý không nhắc đến việc thu hồi Đài  Loan mà dùng từ “tái thống nhất” hoặc cũng có thể hiểu là “thống nhất” vì nhiều người Đài Loan cho rằng hòn đảo chưa bao giờ thuộc quyền kiểm soát của đại lục.

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn kể từ khi lên nắm quyền năm 2016 chủ trương xây dựng hòn đảo theo hướng độc lập, tự chủ, tách biệt với đại lục.

Phản hồi bài phát biểu của ông Lý, Hội đồng các vấn đề Đại lục của Đài Loan khẳng định lập trường rằng người dân Đài Loan không chấp nhận mô hình “một quốc gia, hai chế độ”.

Một trong những diễn biến đáng chú ý khác là Quốc hội Trung Quốc cân nhắc thông qua luật an ninh riêng cho đặc khu hành chính Hong Kong. Động thái trên được Mỹ và các nước phương Tây coi là vi phạm quyền tự trị cao của đặc khu này.

Trong hiệp ước Trung-Anh năm 1984, Bắc Kinh cam kết duy trì quyền tự trị cao đối với Hong Kong cho đến năm 2047, sau tiếp nhận Hong Kong vào năm 1997.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem