Về tranh cãi giữ hay giảm đất lúa tại ĐBSCL: Nông dân trồng lúa nghèo, "lỗi" không phải do cây lúa

Minh Huệ (ghi) Thứ ba, ngày 06/09/2022 10:29 AM (GMT+7)
"Cần xác định giữ 3,5 triệu ha đất trồng lúa, trong đó có những diện tích sử dụng linh hoạt, chứ không phải giữ đất lúa là làm kìm hãm sự phát triển của vùng ĐBSCL" - ông Nguyễn Như Cường cho biết khi trả lời câu hỏi của PV Báo Dân Việt trong buổi họp báo thường kì tại Bộ NNPTNT chiều 5/9.
Bình luận 0

Tranh cãi giữ hay giảm đất lúa tại ĐBSCL: Người trồng lúa nghèo, "lỗi" không phải do cây lúa

Trong "Báo cáo Kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022", được thực hiện bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM), Đại học Fulbright Việt Nam vừa công bố tại Cần Thơ mới đây, các chuyên gia cho rằng: Cần tháo "vòng kim cô" an ninh lương thực để vùng ĐBSCL bớt phụ thuộc vào cây lúa. Không một quốc gia nào giàu nhờ trồng lúa. Định mệnh này làm cho nơi đây nghèo. 

Xung quanh vấn đề này, Báo điện tử Dân Việt đã triển khai loạt bài Giữ hay giảm diện tích đất trồng lúa tại ĐBSCL, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và ý kiến của chuyên gia.  

Về tranh cãi giữ hay giảm đất lúa tại ĐBSCL: Người trồng lúa nghèo, "lỗi" không phải do cây lúa - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định: Nếu như mỗi nông dân có từ 5-10ha đất trồng lúa thì đời sống người nông dân sẽ khá giả.

Tại buổi họp báo thường kì do Bộ NNPTNT tổ chức chiều 5/9, PV Báo Dân Việt đã đặt câu hỏi quan điểm của Bộ NNPTNT về vấn đề này như thế nào, nếu giảm đất lúa thì nên giảm bao nhiêu?

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Về vấn đề giữ hay giảm diện tích lúa gạo ở ĐBSCL, thứ nhất, phải thấy rằng Việt Nam là đất nước nông nghiệp, ảnh hưởng bởi nền văn minh lúa nước, thói quen sinh hoạt hàng ngày là sử dụng lúa gạo. Do vậy, mục tiêu tối thượng trong sản xuất trồng trọt là đảm bảo an nin lương thực cho 100 triệu dân trong nước.

Vì lẽ đó, sản xuất lúa gạo của nước ta không những có nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực cho trước mắt mà còn mang tính lâu dài. 

Thứ 2, theo Nghị quyết của Quốc hội cũng như các nghị quyết của Trung ương, đến năm 2030 sẽ giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa. Trong 3,5 triệu ha đó, sẽ có những diện tích chuyển đổi linh hoạt, hiệu quả để làm sao đảm bảo ổn định sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như đạt mục tiêu xuất khẩu.

Theo ông Cường, quan điểm là như vậy. Nhưng xu thế chung của Việt Nam và thế giới là sẽ chuyển đổi dần sản xuất nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp, các công trình đô thị,… Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi cần thời gian dài chứ không phải nói chuyển là chuyển ngay được. Kể cả khi chúng ta cho phép, thì chuyển đổi được hay không lại là câu chuyện khác. 

"Điều quan trọng là quá trình chuyển đổi làm sao giải phóng được nguồn lực, tận dụng được lợi thế của đất nước. Do vậy, chúng tôi nhấn mạnh việc giữ 3,5 triệu ha đất trồng lúa đến năm 2030, trong đó có những diện tích sử dụng linh hoạt. Song song đó, các địa phương phải có kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp và vấn đề này Thủ tướng đã ban hành, giao nhiệm vụ cho các địa phương. Chứ không phải giữ đất lúa là làm kìm hãm sự phát triển" - ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường khẳng định: "Phải nói rõ ràng là thu nhập, lợi nhuận của nông dân trồng lúa không thấp. Nhưng đời sống người dân trồng lúa Việt Nam còn khó khăn vì mật độ, quy mô sản xuất còn nhỏ. Nếu như mỗi nông dân có từ 5-10ha đất trồng lúa, tôi khẳng định những người trồng lúa sẽ có thu nhập cao, đời sống khá giả".

Theo con số của Tổng cục Thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 3,9 triệu ha đất trồng lúa, theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra là từ nay đến năm 2030 giữ được 3,5 triệu ha. Do vậy từ nay đến 2030, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất công nghiệp, dịch vụ, đô thị khoảng 400.000ha. Ở những giai đoạn trước đây, chúng ta cũng mong chuyển đổi đất lúa, giảm diện tích trồng lúa nhưng câu chuyện này là của cả xã hội, chứ không đơn giản chỉ là kế hoạch. 

"Chúng ta đừng nghĩ rằng nghề trồng lúa đem lại sự nghèo khó cho người dân. Cái nghèo khó của nông dân trồng lúa là do quy mô sản xuất nhỏ. Chứ không phải vì thu nhập, lợi nhuận của cây lúa nhỏ làm nghèo nông dân. Đó cũng là lí do mà tới đây, chúng ta sẽ có một loạt chính sách nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng trọt trong đó có cây lúa" - ông Nguyễn Như Cường thông tin. 

Về tranh cãi giữ hay giảm đất lúa tại ĐBSCL: Người trồng lúa nghèo, "lỗi" không phải do cây lúa - Ảnh 3.

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa. Ảnh: Huỳnh Xây

Tiếp đó, PV Dân Việt có hỏi: "Vừa rồi Bộ NNPTNT được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng đề án Phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại vùng ĐBSCL, thực tế đây là câu chuyện chúng ta đã bàn tới lâu nay, vậy hướng tiếp cận của Bộ NNPTNT như thế nào để phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay? Ai sẽ là người làm 1 triệu ha lúa này? Mấu chốt của đề án là gì?".

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho biết: Về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, sau khi nghiên cứu chúng tôi cho rằng có lẽ phải thay đổi tên gọi đề án. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng, 1 triệu ha đất trồng lúa chất lượng cao này không phải đơn giản là trồng các giống lúa chất lượng cao. Hiểu như vậy là sai. Thực tế hiện nay, trong sản lượng lúa gạo chúng ta đã sản xuất được 85% lúa chất lượng cao rồi.  

"Tức là, trong một diện tích có thể là 1 triệu ha, hay 500.000-800.000ha ở vùng ĐBSCL xây dựng thành vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo. Trong đó, có chính sách thu hút doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo đầu tư kho chứa, dây chuyền chế biến, logistic để nâng cao giá trị hạt lúa. Song song đó, phải tận thu được các phế phụ phẩm từ cây lúa như rơm rạ, cám gạo, vỏ trấu... nhằm tạo ra các sản phẩm chế biến sâu, công nghệ cao. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người nông dân đầu tư ổn định cho vùng trồng lúa chất lượng cao" - ông Cường nói. 

Ông Nguyễn Như Cường cho biết thêm: Vừa rồi Cục Trồng trọt đã xin ý kiến Bộ trưởng Bộ NNPTNT tập trung xây dựng một số chính sách hỗ trợ, làm sao thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo tập trung cùng nông dân phát triển đa dạng hoá ngành nghề nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. 

Cuối tháng 2/2022, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tích hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, cho phép giảm 88.560 ha diện tích đất trồng lúa, trong tổng số diện tích 3,9 triệu ha. Cùng với đó là tổ chức lại không gian sản xuất, phối hợp với phát triển đô thị và công nghiệp chế biến.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem