Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 1.

Nhắc đến Anh hùng phi công Lê Thanh Đạo, nhiều người biết ông là một trong những phi công xuất sắc của Không quân nhân dân Việt Nam với thành tích bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Bay xuất kích thì chắc là khá nhiều rồi, nhưng tôi muốn hỏi cảm giác lần đầu tiên được chiến đấu trên không, và lần đầu tiên bắn rơi máy bay của ông, nó khác biệt như thế nào?

- Những lần xuất kích thì rất nhiều, nhưng tôi nhớ mãi trận không chiến diễn ra ngày 18/12/1971. Lúc đó tôi đang là phi công của Phi đội 1, Trung đoàn 921. Khi đó là kíp trực của ông Thái (trung tướng Phạm Phú Thái - PV) nhưng ông Thái đang đánh bóng chuyền giao hữu ở Phúc Yên nên tôi được thay số Một. Hôm ấy nghe tiếng kẻng báo động, tưởng báo động giả vờ thôi, nhưng nghe giọng của dẫn đường có vẻ gấp gáp lắm nên nghĩ có khi là thật. Anh em chúng tôi khẩn trương làm công tác chuẩn bị, thấy máy bay địch bay về hướng Hoà Bình. Cùng bay với tôi hôm đó là phi công Võ Sĩ Giáp, ở vị trí số Hai. Giáp có khuôn mặt chữ điền, trắng trẻo, râu quai nón rất đàn ông, là người có chút ngang bướng, là một trong tốp phi công MiG-17 lên chuyển loại MiG-21.

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 2.

Sở chỉ huy thông báo: "270 độ, phía Tây". Tôi kéo cao lên 6.000m. "Phía trước 40km, bên phải 40 độ"..., tiếng thông báo liên tục qua vô tuyến nhưng tôi vẫn chưa nhìn thấy gì cả. Tôi tiếp tục giữ độ cao như vậy. Sau đó thông báo rất nhanh là 30 km. Tôi nghĩ kiểu này đối đầu rồi.

Giáp bay số Hai, bám đội rất chặt, nói qua vô tuyến điện: "Nó ở phía trước". Lúc đó nhìn thấy một điểm trăng trắng, tôi nghĩ "nó đây rồi", tim đập rộn ràng. Thông báo từ sở chỉ huy "cách 8km", tôi cảm giác khoảng cách hơi xa nên bắt đầu tăng lực. Từ độ cao 6.000m tôi lao xuống bay khoảng 4.000m. Vì tốc độ tăng rất nhanh và thấy tiếp cận gần 4km, thấy F-4 của địch lượn trái, đoán chắc nó chưa nhìn thấy mình, thế là lao vào. Tôi nghe thấy tên lửa bắn. Thật ra lúc đó cũng giống như mình đã luyện tập thôi, cánh hơi nghiêng nhẹ. Lúc tên lửa lao ra, tôi thoát ly. Cũng chẳng biết trúng hay không trúng. Tôi hô Giáp: "Anh vào không kích tiếp đi". Chỉ nghe thấy tiếng Giáp hô: "Cháy rồi còn đâu".

Ngay quả đầu tiên của trận không chiến này đã thành công tiêu diệt địch. Nhưng "chén vui chưa cạn, chén sầu đã dâng" chiều hôm ấy, tôi lại đau đớn nhận tin đồng đội của mình là Nguyễn Văn Khánh hy sinh trên bầu trời Thái Nguyên, rất là buồn. Chiến tranh là thế. Niềm vui chiến thắng và nỗi buồn ly biệt có thể đến bất cứ lúc nào. Võ Sĩ Giáp bay cùng tôi hôm đó, từng bắn rơi được một chiếc máy bay không người lái, sau này anh ấy cũng đã hy sinh, vào tháng 11/1972.

Còn rất nhiều trận không chiến quyết liệt nữa, nhiều trận bị quay 2 vòng, lại bị nó bắn số Hai.

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 3.

Có phải ông đang muốn nhắc đến trận không chiến mà máy bay của ông bị bắn rơi tại Tân Sơn (Phú Thọ), ông bị gãy chân trái, phải nằm viện điều trị 6 tháng, qua nhiều lần can thiệp ngoại khoa để nối gân xương, dây chằng với những đau đớn khó tưởng tượng nổi không? Đó có phải là sự thoát chết kỳ diệu không?

- Hôm ấy là 15/10/1972, tôi với anh Năm cất cánh lên. Lúc đó chúng tôi xuyên trong mây, qua Ba Vì. Chưa ra khỏi mây, chưa thấy đội hình đâu thì tôi đã thấy tên lửa bắn. "Thoát ly thôi", tôi tự nhủ. Vừa xuống bên phải thì nhìn thấy một đôi bay bên phải khoảng 60 độ. Tôi quyết tâm bám theo. Nó vòng trái. Tự nhủ thế tốt rồi, tôi cứ thế lao vào. Bắt đầu thấy tên lửa bắt được mục tiêu, thấy cự ly còn khoảng hơn 2km tôi vào gần chút nữa, định bắn thì rầm một phát. Tôi không biết gì nữa.

Sau này nghe anh em kể lại, bảo tôi nhảy dù trong trạng thái vô thức. Tôi bị tên lửa không đối không điều khiển bắn ngang thân rất mạnh, theo phản xạ tự nhiên, kéo lên là dù bật lên. Tôi rơi xuống không biết gì nữa. Vị trí rơi lúc đó là ở xã Minh Tiền (Thanh Sơn, Phú Thọ). Mọi người kể, dân quân với đủ loại vũ khí cầm tay, đòn gánh, cán cuốc, thuổng... thấy dù ra bắt "giặc lái". Lúc ấy đồng bào dân tộc Dao bám theo dù rơi xuống, leo lên lưng chừng quả núi, thấy tôi nằm cạnh một tảng đá lớn bằng gian nhà. Họ hô giơ tay lên, bắn một phát cũng không thấy tôi động tĩnh gì. Họ xông vào định trói thì thấy biểu tượng Không quân nhân dân đeo ở cánh tay nên cắt dù làm võng khiêng về.

Họ đưa qua 11 con suối, về trạm xá Thanh Sơn. Ngày hôm sau thấy Mi-6 quạt bay cả nóc mái nhà sơ tán của trạm xá để đưa tôi về. Tôi tỉnh dậy thấy người mình phình lên, tím tái, hai chân to như hai gốc chuối. Sau này chúng tôi trở lại chỗ bị rơi, đường đi khó khăn lắm, suối dốc 30 độ, trơn trượt.

Tôi phải nằm viện điều trị 6 tháng, nhiều lần can thiệp ngoại khoa để nối gân xương, dây chằng. Đúng là một cực hình khi phải bó bột liên lục, vừa ngứa ngáy, khó chịu. Sau đó cũng mất nửa năm để phục hồi sức khoẻ ở Viện không quân, rồi an dưỡng ở Đầm Vạc, Vĩnh Yên...

Thời gian đó vừa phải dưỡng thương những cũng phải chống chọi với những suy nghĩ chán chường, tiêu cực. Cảm giác trở thành "người ngoài", trong khi cuộc chiến đang rất khốc liệt trên khắp các chiến trường đã hun đúc cho tôi ý chí và nghị lực. Với đôi chân tập tễnh, tôi quyết tâm tập luyện, tự ép buộc tăng cường độ mỗi ngày. Tôi đã chiến thắng được thương tật, phục hồi cho mình kỹ thuật bay, dẫn dường, ứng dụng chiến đấu và đã được bay trở lại trên chiếc MiG-21. Sau này mọi người hay gọi tôi là Moretsev của Việt Nam (một nhân vật trong cuốn Truyện một người chân chính viết về phi công Liên Xô của nhà văn Boris Polevoi- PV).

Trong các trận không chiến, cá nhân ông thấy đối phó với các tình huống nào là khó nhất?

- Đánh quần là khó nhất, tức là cứ bám đuổi nhau. Tôi luôn nghĩ MiG-21 đánh nhanh, thắng nhanh hơn, chứ không thể đánh quần vì ưu thế của MiG-21 là tốc độ so với MiG-17. Nó còn có ưu thế hơn F-4 của Mỹ khi ở độ cao khoảng 6km cả về khả năng động cơ, cả về khả năng tăng tốc. Vì vậy đánh MiG-21 phải hạn chế bám đuổi, quần nhau.

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 4.

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 5.

Có thể thấy rằng, cuộc chiến trên không của Việt Nam là cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Không chiến của thế giới, giữa một lực lượng phi công nhỏ bé, non trẻ của Việt Nam và lực lượng phi công hùng mạnh bậc nhất thế giới của Mỹ thời bấy giờ. Lúc đó ông có cảm giác sợ không?

- Đúng là cuộc chiến đấu dài nhất, là trận chiến trong điều kiện ở trên không không có chiến hào, công sự trận địa, rất ác liệt. Hơn nữa, cuộc chiến đấu của Không quân ta với Không quân Mỹ phải nói là không cân xứng về lực lượng. Mỹ có hàng trăm chiếc tối tân hiện đại, ở các khu vực, yểm trợ cho nhau. Nhưng đã xác định chiến đấu thì không có cảm giác sợ. Khi thấy đồng đội của mình hy sinh, ý chí quyết chiến càng lớn hơn nhiều.

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 6.

Theo ông thì đâu là bí quyết để có thể chiến thắng những phi công tiêm kích sừng sỏ của Mỹ?

- Đầu tiên là chúng ta có sự chuẩn bị chu đáo về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Thêm nữa là ý chí quyết tâm chiến đấu cao của mọi người, mà tập trung nhất là đội ngũ phi công - người trực tiếp đối mặt với kẻ thù.

Nhiều phi công của ta đã không chiến với những máy bay tiêm kích hiện đại nhất, đối đầu những phi công thiện chiến nhất Mỹ và dùng MiG-17, MiG-21 bắn rơi hàng trăm máy bay tối tân, hiện đại F-4 của địch thì phải nói là họ có cách đánh độc đáo, sáng tạo và có ý chí quyết tâm, bản lĩnh vừng vàng. Hơn nữa họ đã biết cách sử dụng và phát huy được tính năng của MiG-21. Nhưng đó cũng chính là chiến công chung của nhiều người, của tập thể, từ người chỉ huy, dẫn đường.... Sự xuất hiện của Không quân Việt Nam trên bầu trời đã làm cho thế giới phải nể phục, kẻ thù phải run sợ.

Có những người lính phi công dù họ đã chiến đấu rất anh dũng, tuy nhiên không may mắn có được thành tích. Có những người đã mãi nằm lại, ở một vùng đất nào đó mà không ai biết, tên của họ cũng không được nhắc đến. Tâm tư của người còn sống đối với các đồng đội hiện hữu như thế nào trong ông?

- Trong cuộc chiến, hy sinh mất mát là điều không thể tránh khỏi. Có những lực lượng chiến đấu như bộ binh, sự hy sinh mất mát còn lớn hơn nhiều.

Trong lực lượng Không quân chúng tôi, cũng có nhiều mất mát, nhiều người hy sinh. Thường thì qua vệ tinh, ra-đa là biết đang ở vùng trời nào, nên thi hài của họ sau đó đã được tìm thấy. Nhưng cũng có những trường hợp hãn hữu, vì nhiều lý do, ví dụ rơi xuống núi, bay vào vùng mưa giông, hay rơi xuống biển... Có nhiều người đến nay vẫn chưa tìm thấy, như Bùi Thanh Liêm... Đau đớn chứ, bởi có những người mình còn mới gặp hôm qua, hôm nay đã nghe tin tử trận. Nhưng người còn sống vẫn phải đi tiếp hành trình cuộc đời mình, và gánh trên vai ước mơ dang dở của những đồng đội.

Vừa qua, các đồng đội của ông đã về Phú Thọ thăm một số đồng đội cũ, đến nghĩa trang xã Trường Thịnh để viếng mộ liệt sĩ. Có những nỗi đau mãi còn đó, có những vết thương chẳng thể liền da. Vậy, có kỷ niệm nào mà ông nhớ nhất, con người nào mà ông nghĩ đến nhiều nhất?

- Nhiều năm nay, vào mỗi tháng 7, anh em chúng tôi đều tổ chức những chuyến đi, mỗi năm một nơi, để gặp lại những người bạn, những đồng đội cũ, và đến thăm các nghĩa trang nơi có đồng đội của mình đã nằm lại. Gặp lại những đồng đội cũ, xúc động lắm. Còn ở Hà Nội, nhóm lính phi công chúng tôi cũng thường gặp nhau, như Tuân, Thái, Hưng (Trung tướng Phạm Tuân, Trung tướng Phạm Phú Thái, Đại tá Hà Quang Hưng- PV)..., cùng chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống.

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 7.

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 8.

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 9.

Câu chuyện tình yêu của ông mất nhiều năm trời thử thách, một thời gian đủ để thấy cuộc sống không thể thiếu nhau. Tôi được nghe kể lại là ông bị "tấn công" trước?

- Thật ra thì chuyện đó là sau này, mọi người thường hay đùa vui như vậy thôi. Chúng tôi thích nhau từ thời học trò, tình yêu lúc đó cũng chưa có gì sâu sắc. Hồi đi học, ở nhà cô ấy (Nguyễn Thị Xuân Dung -PV) ở gần nhà tôi ở Thuỵ Phương (Từ Liêm, Hà Nội). Có hôm hẹn nhau ra bờ mương, cô ấy chia cho nửa cái bánh mì, thế là cảm mến. Người ta nói "tình yêu đi qua cái dạ dày"đúng thật (cười). Sau đó tôi đi học không quân, không được nói, thư phải bỏ ngỏ không dán tem, nên tình cảm đó đứt đoạn.

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 10.

Sau đó tôi lại có cảm mến với một cô khác, kém tôi 5 tuổi. Hồi ấy còn ở sĩ quan pháo binh, tôi 21 tuổi, cô ấy 16, thư từ đi lại, xong cô ấy lên đơn vị chơi, nảy sinh tình cảm. Rồi tôi đi học nước ngoài 3 năm. Mọi chuyện cũng chỉ dừng lại đó.

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo phi công ở Liên Xô, năm 1968, tôi trở về nước chiến đấu, là phi công tiêm kích MiG-21 của Trung đoàn 927. Còn Xuân Dung thi thoảng cũng lên đơn vị thăm. Lúc đó tôi cũng chẳng nói gì. Trong một lần gặp nhau, Xuân Dung đánh bạo: "Em sắp lấy chồng rồi, anh chuẩn bị cho em ít kẹo để em tổ chức đám cưới". Nắm bắt được ý tứ của bạn gái, tôi đáp lại: "Ừ, anh đã dành được mấy tháng lương, để anh mua ít bánh kẹo mình cưới nhau nhé!". Chúng tôi đến với nhau, giản dị như thế, cưới nhau vào đúng mùa Ngâu năm 1971. Nhưng để đến được với nhau, trải qua 10 năm đấy. Ngày cưới, anh Phạm Thanh Ngân, lúc đó là Phi đội trưởng còn gửi về một bưu thiếp là: Chúc mừng Đạo - Hiền. Anh ấy cứ tưởng là cô người yêu sau này, chứ không phải Đạo - Dung (cười).

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 11.

Tình yêu của lính phi công chắc hẳn cũng có những khác biệt, bởi các ông phải bay trên bầu trời suốt. Vậy làm thế nào để có thể hiểu được nhau?

- Trong chiến tranh, rất nhiều người yêu nhau không đến được với nhau, vì những lý do nào đó. Còn tình yêu của lính phi công cũng tha thiết chẳng kém gì những thanh niên khác đâu. Nhưng với chúng tôi, tình yêu với bầu trời thì không bao giờ thay đổi. Bầu trời là trên hết. Vùng vẫy một mình, tự do.

Người phụ nữ ấy đã phải "chịu đựng" ông như thế nào, khi mà ông cứ đi chiến đấu suốt như vậy?

- Thì chiến tranh là thế. Cô ấy trước là lính thông tin ở Sư đoàn Phòng không Hải Phòng, sau này thì ra ngoài làm. Trong tình yêu với người lính, nhất là lính bay, thì chắc chắn là sự chịu đựng. Thời kỳ tôi nhảy dù bị thương phải nằm dưỡng thương ở Vĩnh Yên, cô ấy lúc đó đang làm công ăn lương cho một nhà máy ở Hà Nội, cứ làm việc 10 ngày liên tục, sau đó xin nghỉ 7 ngày để lên chăm sóc tôi. Ngày ấy phải lóc cóc đạp xe khoảng 40-50km, 7 tháng liền vất vả, đi đi về về như vậy. Chúng tôi có với nhau 2 cô con gái, hiện cũng đã định cư ở nước ngoài.

Ông có chia sẻ thế nào về nỗi niềm của những người vợ lính phi công. Xa nhau suốt như vậy, thời trước thì có thể cuộc sống ít cám dỗ hơn, còn thời nay, cuộc sống ngày càng nhiều áp lực và người phụ nữ đôi khi rất cần một bờ vai, một sự chia sẻ?

- Thời nào cũng vậy, quan trọng vẫn là bản lĩnh của mỗi người thôi.

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 12.

Tôi tò mò muốn biết làm thế nào mà một phi công lại trở thành một người đứng đầu trong ngành kiểm sát?

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 13.

- Cuộc đời binh nghiệp của tôi đã rẽ sang một bước khác. Sau khi nhảy dù bị thương, tôi quyết tâm luyện tập và bay trở lại. Một lần, tôi được gọi sang Tổng cục Chính trị, lúc đó Trung tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị muốn tôi về làm Đoàn thanh niên. Tôi bảo: "Cháu sẵn sàng nhận nhiệm vụ nhưng thực sự cháu vẫn rất muốn bay". Năm đó là năm 1974, tôi mang quân hàm đại uý và trở thành sĩ quan biệt phái sang nhận nhiệm vụ là Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Dù vậy, hàng tháng, tôi vẫn trở lại đơn vị thực hiện những chuyến bay. Đến năm 1983 thì chính thức chuyển ngành, tôi mới ngừng bay. Thời kỳ chuyển sang làm công tác Đoàn tôi cũng đi khắp nơi khắp nơi, nói về không quân, kể chuyện bay thế nào, chiến đấu thế nào, khơi gợi lòng yêu nước của các thanh niên, động viên thanh niên vào quân đội rèn luyện...

Rồi tôi đi học luật tại chức, học chính trị, lần nào thi cũng vào loại khá giỏi cả và chuyển sang làm trong ngành kiểm sát, được 2 nhiệm kỳ. Tự thấy mình cũng trung thực, trong sáng, vô tư, được anh em trong ngành quý mến. Tôi từ Phó rồi lên Viện trưởng VKSND Tối cao.

Kinh nghiệm dạn dày trong chiến đấu giúp ông điều gì khi công tác trong ngành kiểm sát?

- Thật ra trong chiến đấu, bản lĩnh chiến đấu, tinh thần dũng cảm, kỹ thuật tinh thông, chiến thuật giỏi, am hiểu tình thế để xử lý tình huống, đó là những yếu tố then chốt. Những yếu tố này tôi luôn áp dụng trong cách xử lý công việc, cuộc sống sau này. Làm gì cũng thận trọng, đừng coi thường địch. Đối với người làm điều tra phải tìm ra được thủ đoạn của tội phạm, truy tố phải sát, tránh oan sai, tránh bỏ lọt tội phạm.

Mỗi quyết định truy tố của VKS đưa ra thể hiện tính quyền lực của Nhà nước, của pháp luật và có tác động rất lớn đến những đối tượng liên quan. Có vụ việc nào khiến ông phải trăn trở, suy nghĩ khi ông làm Viện trưởng VKSND Tối cao?

- Nhiều vụ khó khăn lắm. Có nhiều vụ tồn tại hàng chục năm. Tôi không nhớ chính xác năm tháng cụ thể, nhưng đại ý có một ông đưa con đến khám ở bệnh viện. Đứa bé 6 tuổi, sau khi vào bệnh viện, bác sĩ khám, kê thuốc, và đứa bé tử vong. Người cha khiếu nại. Lúc đó tôi suy nghĩ, trăn trở nhiều lắm vì nghĩ rằng bác sĩ cũng là muốn cứu người thôi. Vậy phải làm thế nào, giải quyết thế nào trong vụ việc này? Tôi cho triệu tập các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đến để họ thảo luận. Trong buổi gặp đó, có cả cán bộ VKSND Tối cao, cả người nhà bệnh nhân cùng ngồi nghe. Sáng hôm ấy, các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đều phân tích, mổ xẻ việc dùng thuốc đó có tác dụng thế nào, đúng hay sai như thế nào. Người thì bảo được, người thì bảo có thể phát sinh thế nọ thế kia.... Buổi trưa, tôi gặp riêng người cha, nói rằng: "Bác cũng đã nghe tất cả, các bác sĩ cũng đã tìm mọi cách để cứu chữa, nhưng không may cơ địa của đứa trẻ như vậy, mọi chuyện xảy ra là ngoài ý muốn...". Người cha đã hiểu rõ vấn đề và không thắc mắc, khiếu nại nữa. Đó, có những tình huống như thế, mình không có trình độ chuyên môn về y khoa, mà không biết cách giải quyết thấu đáo thì sự việc sẽ rất phức tạp.

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 14.

Một vụ có lẽ tôi phải suy nghĩ nhiều nhất là vụ của ông Vũ Ngọc Hải, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng. Thời điểm năm 1992, khi đất nước vẫn còn nghèo, khó khăn đường dây điện Bắc Nam 500Kv vẫn được thi công và hoàn tất, là công trình thế kỷ, minh chứng cho sức mạnh phi thường của con người Việt Nam. Vụ việc phức tạp khi anh Hải sử dụng 400 triệu của đường dây 500Kv làm quỹ, như vậy là sai nguyên tắc.

Tôi với anh Hải buổi tối hôm trước còn ngồi với nhau. Anh Hải còn hỏi: "Thế ông định bắt tôi à". Chiều ngày hôm sau thì họp với Thủ tướng, tình hình rất căng. Khi được hỏi ý kiến, tôi trả lời: "Tôi thấy cũng không phải tư túi, tiền cũng công khai rõ ràng. Chỉ có điều sử dụng đồng tiền ấy làm quỹ là không đúng. Xử lý thế nào là tuỳ Bộ Chính trị". Vụ việc đó, anh Hải bị toà xử án 3 năm. Thời gian thụ án, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã vào thăm và trao tặng kỷ niệm chương đường dây 500Kv.

Đó là một người bạn, mà ông lại là người ký quyết định truy tố, tôi nghĩ đó là một quyết định rất khó khăn. Vậy trong thời gian ông Hải thụ án, ông có bao giờ vào thăm bạn không?

- Cũng thật khó trong tình huống đấy, khi anh Hải là một người bạn lâu năm. Tôi đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều, bởi nhiệm vụ của mình là phải làm đúng sự thật. Tôi cũng đã bảo vệ bạn là không có tư túi, và có những công lao, đóng góp như thế. Sau này anh Hải ra tù, chúng tôi cũng có lúc gặp nhau, vẫn bình thường, chẳng trách gì nhau cả.

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 15.

Có những quyết định nào cho đến giờ này, ông vẫn còn thấy trăn trở, day dứt là chưa làm hết sức không?

- Cho đến giờ này, tôi thấy mình không còn gì phải trăn trở. Những gì đã làm được ở thời kỳ ấy, tôi cũng đã làm hết sức, không thấy có gì áy náy, ân hận cả.

Ông nghĩ sao khi những năm gần đây, có nhiều vụ án oan sai, mà cui cùng sau hàng chục năm chịu oan ức, nhiều cơ quan như VKS, Toà án đã phải công khai xin lỗi đối với những người dân bị án oan?

- Con người cũng có lúc đúng, lúc sai. Mấy năm nay cũng có một số trường hợp toà án hay viện kiểm sát phải công khai xin lỗi. Khi một người bị oan, họ rất thiệt thòi, mất mát đủ thứ, có thứ tính toán được bằng tiền, nhưng có thứ không thể nào định lượng được. Vì vậy những người làm trong ngành công an, kiểm sát hay toà án phải hết sức chuẩn mực, không truy tố, kết án oan người vô tội, nhưng không được bỏ lọt tội phạm. Nhưng để làm được điều đó, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ.

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 16.

Có một thực tế hiện nay, rất nhiều quan chức đã bị gục ngã bởi sự trỗi dậy của dục vọng trong thời bình. Tham nhũng trong ngành kiểm sát những năm gần đây không phải là không có. Đâu đó chúng ta cũng nghe trên báo đài những vụ nọ, vụ kia. Bởi trong công tác điều tra, xét hỏi là mảnh đất dễ gây tham nhũng, tiêu cực, ranh giới quy kết bị can với tội này, tội kia cũng có những mong manh. Xin hỏi, ông suy nghĩ gì về thực tế ấy?

- Không phải bây giờ mới có tham nhũng, mà cách đây chục năm đã có những hiện tượng này rồi. Việc coi nhẹ pháp luật, coi nhẹ kỷ cương, coi nhẹ rèn luyện đã tồn tại nhiều năm. Giờ chúng ta phải kiên quyết, triệt để, lâu dài, chuyện này chưa dừng lại. Mình phải làm mạnh thì tự nhiên mọi người sẽ sợ.

Gần đây, tôi thấy vụ Việt Á chưa đủ cảnh tỉnh, đủ răn đe đâu. Sẽ lại có những kẽ hở khác, vì vậy chúng ta phải xem lại cơ chế, pháp luật phải làm chặt, phải nghiêm minh hơn, lại phải rèn đội ngũ cán bộ, phải quản lý chặt chẽ. Tôi tin là nếu việc này làm tốt hơn, có thể đẩy lùi được nạn tham nhũng, tiêu cực.

Rồi chế độ lương bổng cán bộ phải đủ sống thì người ta mới không cần tham nhũng. Trong nội bộ Đảng sinh hoạt phải phê bình, tự phê bình. Làm cán bộ, từ những cái nhỏ phải dựa vào dân, xây dựng đội ngũ cán bộ phải dựa vào dân.

Cũng có một câu chuyện được kể lại, lúc đó ông không giữ chức vụ Viện trưởng VKSND Tối cao nữa, được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án để làm rõ lời khai của Trần Văn Thuyết (Thuyết "Buôn Vua") rằng đã đưa cho ông 5.000 USD để chạy cho Năm Cam được ra khỏi trại cải tạo trước thời hạn. Thực hư câu chuyện này thế nào, thưa ông?

- Tôi không phải là bị triệu tập đến toà. Lúc đó, khoảng năm 2003 thì xét xử vụ án Năm Cam. Trong lời khai trước toà, Trần Văn Thuyết có khai đã mang túi quà cùng phong bì ngoại tệ dày được chuyển tới tôi thông qua thư ký riêng của tôi là anh Cường.

Dịp đó nhà tôi có đám giỗ, bạn bè, khách khứa đến chơi. Tôi cũng không biết có túi quà nào vì tôi không phải là con trưởng, cũng không quan tâm lắm đến việc ai đến. Tiếc là anh Cường đã mất vì tai nạn giao thông, chứ không mọi chuyện cũng đã sáng tỏ. Lúc đó thì cơ quan điều tra chưa xác minh được lời khai của Thuyết.

Trải qua rất nhiều các vị trí, từ người lính phi công tiêm kích, rồi giữ các chức vụ Bí thư trung ương Đoàn, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao, Ủy viên Ban Chp hành Trung ương Đảng, Phó ban Dân vận Trung ương. Ở vị trí nào, ông thấy mình làm tròn vai nhất?

- Ở vị trí, nhiệm vụ nào được giao, tôi cũng cố gắng hoàn thành tốt nhất. Tôi chỉ có nhược điểm là hay cười, lúc nào cũng vui vẻ, nên nhiều người bảo tôi có gương mặt không đủ oai nghiêm, với vị trí Viện trưởng VKSND Tối cao. (cười).

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 17.

Giữ vẹn nguyên tình yêu bầu trời và "sai lầm lớn" về gia đình cần sửa lúc cuối đời - Ảnh 18.

Ông từng nói rằng, ông yêu bầu trời nên coi cuộc đời mình như một chuyến bay. Vậy trong các chuyến bay cuộc đời, có khi nào ông thấy mình bị "lỡ chuyến" không?

- Nói đến lỡ thì phải là đến một cái gì. Tôi chẳng có nhiều tham vọng. Cái gì đến thì đến, vui vẻ đón nhận. Tôi tham gia Quốc hội 3 khoá: khoá 5 vào, khoá 6 nghỉ, khoá 7 vào, khóa 8 lại nghỉ, khoá 9 vào. Công việc được phân công, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Tôi chẳng có gì không đạt mong muốn hay yêu cầu cả. Có lẽ tôi không có tham vọng gì ghê gớm về mặt cá nhân. Muốn làm gì là làm tốt nhất.

Ở độ tuổi này, còn điều gì khiến ông phải tiếc nuối là đã không làm được không?

- Tôi chỉ thấy một sai lầm lớn nhất, đó là đã quên gia đình, ít quan tâm đến gia đình. Có lẽ cái đó bây giờ phải sửa.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem